Cập nhật: 30/03/2009 23:07:55 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nghị định 13/2009/NĐ-CP, ngày 13.2.2009 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2007/NĐ-CP, ngày 7.6.2007 về xử lý vi phạm pháp luật về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế... có nội dung chính là tăng mức phạt đối với các hành vi vi phạm về thuế. Nghị định 13 có hiệu lực từ ngày 1.4.2009. Với Nghị định 13, rất nhiều hành vi vi phạm pháp luật về thuế sẽ bị xử lý nghiêm, với mức phạt cao gấp từ 1 đến 3 lần nhưng không quá 100 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm thủ tục thuế.

Theo đó, khi phạt tiền, mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm về thủ tục thuế là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó, nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt, nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt. Tiền phạt sẽ bị cộng thêm nếu nộp chậm: phạt 0,05% mỗi ngày tính trên số tiền thuế nộp chậm đối với hành vi chậm nộp tiền thuế, tiền phạt; phạt 10% số tiền thuế thiếu đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn; phạt tiền tương ứng với số tiền không trích vào tài khoản của ngân sách Nhà nước đối với hành vi vi phạm theo quy định tại Điểm b, khoản 1, Điều 114 của Luật Quản lý thuế. Nghị định 13 nhấn mạnh những hành vi vi phạm có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ. Cụ thể, nếu có cả hai tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ thì xem xét giảm trừ tình tiết tăng nặng theo nguyên tắc, nếu có một tình tiết giảm nhẹ thì được trừ một tình tiết tăng nặng. Sau khi đã giảm trừ, nếu vẫn còn một trong hai tình tiết trên thì tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm và thái độ khắc phục hậu quả của đối tượng vi phạm, người có thẩm quyền xử lý xem xét áp dụng mức phạt tiền. Đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế thì mỗi tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ đều được tính tăng hoặc giảm 20% mức phạt trung bình của khung tiền phạt đối với vi phạm bị xử lý. Nghị định 13 cũng bổ sung quy định phạt tiền từ 500.000 đồng đến 5 triệu đồng đối với các hành vi: Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ trên 40 đến 90 ngày; nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định trên 90 ngày nhưng không phát sinh số thuế phải nộp; hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán đang trong thời gian xin tạm ngừng kinh doanh nhưng thực tế vẫn kinh doanh cũng sẽ thuộc đối tượng bị phạt tiền một lần tính trên số thuế trốn, số thuế gian lận. Các Điều như 18, 22, 39 của Nghị định 98 được sửa đổi, bổ sung, thay thế trong Nghị định 13. Theo Nghị định 13 thì quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế có hiệu lực thi hành trong thời hạn 01 năm kể từ ngày ban hành quyết định. Riêng đối với quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế có hiệu lực thi hành trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành quyết định.

 

Thực tế, Nghị định 98 có những kẽ hở về hiệu lực quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế; về quy định lập biên bản vi phạm pháp luật về thuế. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung quy định mới của Nghị định thay thế số 13/2009 là phù hợp với thực tế thu, xử phạt và kiểm soát hoạt động thuế. Trong thời điểm này, nhất là khi luật thuế tiêu thụ đặc biệt, luật thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực thì việc xử lý các vi phạm liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật thuế cần phải rõ ràng, tránh bị đối tượng vi phạm lách luật. Hơn nữa, hiện nay, nhiều dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp đã có những hành vi tiêu cực trong việc kê khai hoạt động của doanh nghiệp để được hưởng chính sách ưu đãi về thuế của Nhà nước. Vì thế, cần phải xử phạt các hành vi gian lận hoặc trốn thuế với mức phạt cao hơn là phù hợp.

 

 

 

Theo PL & ĐS

 

 

Tệp đính kèm