Những ngày này, hàng ngàn sĩ tử và người nhà ở khắp nơi kéo về thủ đô Hà Nội. Đây cũng là lúc xuất hiện hàng chục người chuyên đi lừa bán tăm từ thiện. Họ không chỉ tác oai tác quái ở các bến xe như Mỹ Đình, Hà Đông, Giáp Bát mà còn xuất hiện ở tất cả các điểm thi nơi tập trung đông đúc người nhà và các sĩ tử về thủ đô dự thi để lừa đảo.
Giấy tờ giả để hành nghề
Ngay cổng bến xe Mỹ Đình luôn thường trực hàng chục người bán tăm nhân đạo với nhiều kiểu chèo kéo khách hàng. Người vây trước, kẻ chạy sau, ép khách hàng phải mua gói tăm với giá từ 10 ngàn đến 20 ngàn, thậm chí 50 ngàn. Đồ nghề của họ rất đơn giản, chỉ có một chiếc tủi xách nhỏ trong có giấy, bút và một số gói tăm tre nhỏ.
Trong vai sĩ tử đi dự thi, chúng tôi được một đối tượng có tên Phạm Thị Hoa - tự giới thiệu là người của Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật Sơn Tây- năn nỉ chúng tôi mua tăm tre từ thiện. "Các anh đi thi mà làm từ thiện là rất may mắn đó, nhận một gói tăm anh nhé, tuỳ lòng hảo tâm anh trả bao nhiêu cũng được". Thấy tôi có vẻ nghi ngờ, Hoa còn trình cho tôi thẻ Thành viên và giấy giới thiệu của Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật Sơn Tây có ghi địa chỉ rõ ràng cụ thể rõ ràng và đóng dấu đỏ có chữ ký của ông Nguyễn Đình Triển -Chủ nhiệm Trung tâm. "Chúng em bán các sản phẩm của trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, anh mua giùm gọi là lấy may mắn và cũng để giúp đỡ những số phận bất hạnh. Ai cho bao nhiêu em ghi hết tên, sau đó đưa danh sách cho trung tâm, không lấy của ai một đồng nào hết".
Tôi chưa kịp phản ứng thì Hoa đã đưa cho tôi xem một tờ giấy A4 kẻ ngang trên đó có thấy ghi tên, địa chỉ của những người hảo tâm, bỏ tiền mua sản phẩm. Trong danh sách Huệ đưa cho xem đã có tên của 40 người, với mệnh giá tiền từ 5.000, 10.000, 20.000 đồng, thậm chí 100.000 đồng.
Tuy nhiên, khi chúng tôi lấy máy điện thoại điện về Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật Sơn Tây để xác minh thì Hoa nhanh chóng chuồn luôn. Không chỉ có vậy, khi biết tôi là phóng viên, những người bán "tăm nhân đạo" này đã tụ tập vây kín xung quanh chúng tôi với những lời lẽ thô tục.
Tâm sự với chúng tôi, anh Nguyễn Danh Nam- hành nghề xe ôm tại bến xe Mỹ Đình bức xúc: "Chúng tụ tập suốt ngày ở đây, ăn nói chửi bới, chèo kéo khách hàng khiến tôi khó làm ăn. Bọn chúng không phải làm cho tổ chức nhân đạo nào mà chỉ toàn bọn lừa đảo".
Trao đổi với chúng tôi, các đồng chí công an trạm Cảnh sát bến xe Mỹ Đình đều ngán ngẩm lắc đầu. Thiếu tá Nguyễn Văn Tuyên -Trạm Cảnh sát bến xe Mỹ Đình cho chúng tôi xem những vật dụng bắt được "Toàn bọn lừa người đó, chúng tôi bắt rất nhiều lần nhưng không có chế tài xử phạt nên lại phải thả. Trong biên bản kiểm điểm chúng viết lại, dấu đỏ và số giấy tờ trên chúng mua lại tại bến xe Hà Đông với giá 50 ngàn đồng để hành nghề. Chúng tôi mong sớm có chế tài thì sẽ xử phạt ngay chúng vì gây lộn xộn, ảnh hưởng đến trật tự an toàn trong bến".
Trong khi các cơ quan chức năng còn phải tìm ra chế tài xử lý, các bậc phụ huynh, các sĩ tử và người dân nên đề cao cảnh giác để tránh bị lừa đảo.
Theo ĐS & PL