Trong sáu tháng đầu năm, mặc dù tình hình kinh tế còn gặp khó khăn, tình trạng thất nghiệp gia tăng, tiềm ẩn nguyên nhân phát sinh tội phạm hình sự (TPHS) nhưng TPHS được kiềm chế, không xảy ra đột biến lớn. Tuy nhiên, tại 14 tỉnh, thành phố trọng điểm có nơi, có lúc còn diễn biến phức tạp.
Theo thống kê của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C14), trong sáu tháng đầu năm nay, cả nước xảy ra 25.508 vụ phạm pháp hình sự các loại (giảm 0,9% so cùng kỳ năm ngoái), làm chết 664 người, bị thương 3.474 người, thiệt hại 17 ô-tô, 3.700 xe máy các loại và một số tài sản khác, ước tính 192,9 tỷ đồng. Ðáng chú ý, số vụ cướp tài sản, cưỡng đoạt, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ, cướp giật, trộm cắp xe máy, lừa đảo gia tăng; số vụ án xảy ra tại cụm địa bàn 14 tỉnh, thành phố trọng điểm như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nghệ An, Ðà Nẵng, Khánh Hòa... chiếm gần một nửa số vụ án hình sự cả nước. Nhiều băng nhóm TPHS nguy hiểm, lưu manh, côn đồ hoạt động công khai trắng trợn, hành vi tàn bạo như dùng ô-tô chở đối tượng đánh nhau theo kiểu dàn trận; dùng súng AK, súng ngắn đuổi bắn nhau trên đường phố; dùng dao, mã tấu chém giết lẫn nhau ở các thành phố lớn, dùng súng bắn đạn hoa cải thanh toán lẫn nhau tại các tỉnh phía Ðông Bắc. Ðiển hình là vụ các đối tượng dùng súng bắn chết Trần Thanh Long (tức Long Tuýp) tại Hải Phòng; vụ thủ phạm dùng súng bắn đạn hoa cải bắn chết sáu người, bị thương một người tại cảng Làng Khánh (Quảng Ninh). Các băng nhóm lưu manh chuyên nghiệp hoạt động lưu động, liên tuyến, liên vùng miền, gây ra một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng như giết nhiều người trong một gia đình để cướp tài sản; liên tục gây hàng chục vụ trong thời gian ngắn. Ðáng báo động là tình trạng sử dụng mìn tự tạo, thuốc nổ, súng săn, súng tự chế gây án (đã xảy ra 161 vụ liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ) nhưng xử lý còn gặp nhiều khó khăn. Tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em hoạt động với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn, có sự móc nối chặt chẽ giữa đối tượng phạm tội là người Việt Nam với đối tượng người nước ngoài, hình thành các đường dây phạm tội khép kín từ khâu tuyển lựa, lừa gạt, vận chuyển đến nơi giao nhận. Ðối tượng cầm đầu núp dưới danh nghĩa một số tổ chức môi giới hôn nhân, kết hôn với người nước ngoài, giao nhận con nuôi để thực hiện tội phạm. Ngày càng gia tăng đối tượng chống người thi hành công vụ, rất manh động, sử dụng súng, dao, kiếm chống trả quyết liệt; giết người do mâu thuẫn trả thù cá nhân, mâu thuẫn trong gia đình, hành vi phạm tội dã man cảnh báo những vấn đề báo động về đạo đức, văn hóa ứng xử. Thủ phạm gây án hầu hết vẫn là số đối tượng trong các băng nhóm lưu manh chuyên nghiệp, tội phạm đang bị truy nã. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh, sinh viên chiếm tới 3,6%. Ngoài xã hội hiện vẫn còn 3.091 đối tượng truy nã nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm, trong đó nhiều đối tượng gây ra nhiều vụ trọng án và ngày càng gia tăng số vụ án do người nước ngoài lợi dụng sơ hở trong giao dịch tại các điểm thu đổi ngoại tệ, các điểm thu mua nguyên vật liệu để lừa đảo, trộm cắp tiền... Nạn cờ bạc cũng nóng bỏng do có sự móc nối của nhiều đối tượng hoạt động liên tỉnh, thậm chí đánh bạc trên biển, áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động cờ bạc, hoạt động mại dâm ngày càng tinh vi dưới hình thức tổ chức các tua du dịch, nghỉ mát xuyên Việt...
Trước tình hình nói trên, Cục C14 tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát chỉ đạo kịp thời công tác phòng ngừa, đấu tranh giải quyết kịp thời tình hình bức xúc nổi cộm liên quan đến tội phạm hình sự như đề án "Phòng, chống tội phạm tổ chức đánh bạc và đánh bạc", kế hoạch thực hiện chương trình hành động phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em năm 2009, sơ kết kế hoạch phối hợp đấu tranh chống tội phạm hình sự tại 14 tỉnh, thành phố trọng điểm. Lực lượng CSÐT tội phạm về TTXH cả nước mở đợt cao điểm tiến công trấn áp tội phạm bảo vệ Tết Nguyên đán; triển khai các kế hoạch tiến công trấn áp tội phạm tại các cụm địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ, các tỉnh miền trung- Tây Nguyên; tăng cường phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm tại 14 tỉnh, thành phố trọng điểm; rà soát các băng nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức, tập trung đấu tranh triệt phá các tổ chức tội phạm nguy hiểm, tội phạm hoạt động theo kiểu "xã hội đen"; mở cao điểm tổng rà soát, vận động đầu thú, xác minh truy bắt, thanh loại đối tượng truy nã. Cục C14 cử cán bộ, điều tra viên phối hợp công an các địa phương điều tra các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, những vụ án có khó khăn, vướng mắc trong quá trình đánh giá chứng cứ, xử lý tội phạm; lập chuyên án triệt phá các băng nhóm dùng súng bắn đạn hoa cải để thanh toán lẫn nhau ở các tỉnh Ðông Bắc; chỉ đạo toàn lực lượng triển khai hiệu quả kế hoạch phòng, chống tội phạm gây án trên tuyến giao thông, tội phạm cướp xe máy, trộm cắp xe máy, tội phạm cướp tài sản của lái xe tắc-xi... Kết quả sáu tháng đầu năm, lực lượng CSÐT tội phạm về TTXH cả nước đã điều tra, khám phá 18.597 vụ, bắt giữ xử lý 27.396 đối tượng (đạt tỷ lệ 72,9%); thụ lý điều tra 36.427 vụ án với 57.611 bị can; triệt phá 1.986 băng nhóm tội phạm hình sự, xử lý 6.484 đối tượng, thu giữ hàng loạt vũ khí, tài sản ước tính 44,4 tỷ đồng.
Từ nay đến cuối năm 2009, trong điều kiện nền kinh tế thế giới tiếp tục bị khủng hoảng, tác động trực tiếp đến nước ta; dự báo tình hình TPHS sẽ còn diễn biến phức tạp. Nổi lên là hoạt động của các tổ chức tội phạm hoạt động theo kiểu "xã hội đen", các băng nhóm côn đồ, lưu manh chuyên nghiệp, tội phạm sử dụng vũ khí nóng hoạt động lưu động, tập trung ở các tuyến, địa bàn trọng điểm, sự cấu kết giữa các tổ chức tội phạm trong và ngoài nước càng nhiều và chặt chẽ hơn. Cục C14 tăng cường chỉ đạo toàn lực lượng làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, chủ động nắm chắc tình hình để kịp thời có biện pháp phòng ngừa đấu tranh, hiệu quả. Ngoài ra, tiến hành rà soát, tăng cường quản lý đối tượng tại cơ sở; xác minh truy bắt, thanh loại đối tượng truy nã; đấu tranh mạnh triệt phá các băng nhóm tội phạm, tập trung là tội phạm giết cướp, hoạt động theo kiểu xã hội đen, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, tội phạm gây án trên tuyến giao thông; cướp tài sản lái xe tắc-xi, trộm cướp xe máy... Ðồng thời, khảo sát và có biện pháp cụ thể ngăn ngừa tội phạm nổi cộm như chống người thi hành công vụ, dùng mìn, thuốc nổ gây án, mở đợt cao điểm phòng, chống buôn bán phụ nữ trẻ em, góp phần kiềm chế sự gia tăng của tội phạm hình sự, giữ vững sự bình yên cho xã hội.
Theo ND