Cập nhật: 16/09/2009 22:21:37 Article Rating
Xem cỡ chữ

 Theo các cơ quan chức năng của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, thời gian gần đây số vụ lừa đảo không những tăng về số lượng, mà diễn biến cũng hết sức phức tạp, thủ đoạn tinh vi hơn.

Do quá nôn nóng đổi đời, nên thời gian qua đã có không ít người lao động bị các công ty xuất khẩu lao động (XKLĐ) trá hình lừa. Đáng lo ngại là hầu hết những người lao động bị lừa thuộc đối tượng nghèo, phải vay mượn tiền để đi XKLĐ. Thế là, đổi đời đâu chưa thấy, chỉ thấy nợ nần chồng chất.

 

Theo các cơ quan chức năng của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, thời gian gần đây số vụ lừa đảo không những tăng về số lượng, mà diễn biến cũng hết sức phức tạp, thủ đoạn tinh vi hơn. Trên thị trường đã xuất hiện một số doanh nghiệp không có chức năng XKLĐ, nhưng cũng làm công tác tư vấn và thu tiền bất hợp pháp của người lao động, dưới danh nghĩa đưa đi học và làm việc tại nước ngoài. Bên cạnh đó, một số tổ chức, cá nhân lợi dụng sự cởi mở trong việc đăng ký thành lập doanh nghiệp mới đã “nhập nhằng đánh lận con đen”, lập ra cái gọi là “trung tâm” hoặc “công ty cung ứng lao động”; mượn danh pháp nhân hoặc mạo danh các doanh nghiệp có chức năng XKLĐ để lừa đảo…

 

Ví dụ: Theo chương trình EPS, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ phân bổ một phần chỉ tiêu cho Bộ Quốc phòng và một số trường dạy nghề thuộc các bộ, ngành, sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố. Đối tượng ưu tiên là bộ đội xuất ngũ, học sinh các trường nghề, lao động diện chính sách, hộ nghèo... Lợi dụng chỉ tiêu có hạn, trong khi nhu cầu đi XKLĐ lại cao gấp nhiều lần, nên “cò” XKLĐ đã lừa một số người với khoản tiền từ 5.000 đến 15.000USD, cao gấp rất nhiều lần so với chi phí thực (654USD). Nhiều người vì nhẹ dạ, cả tin, đã mắc bẫy của “cò”, để rồi “tiền mất, tật mang”.

 

Gần đây, đã có không ít bản án được tuyên cho những kẻ lừa đảo XKLĐ, nhưng dường như tình trạng này vẫn không có dấu hiệu giảm bớt. Điển hình như, TAND tỉnh Thanh Hóa vừa tuyên án tù chung thân đối với Nguyễn Thành Yên - nguyên Giám đốc Công ty Cổ phần Đông Hải (374 Văn Cao, Hải Phòng) do lừa đảo chiếm đoạt hàng tỉ đồng của 125 lao động có nhu cầu XKLĐ. Cùng đường dây với Yên, có Lưu Thị Thu Hương (SN 1977, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa) và Vũ Thị Sức (SN 1961, xã Hoằng Đạo, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa), mỗi bị cáo lĩnh bảy năm tù giam. Các đối tượng trên sử dụng mối quan hệ, tạo lòng tin, giả mạo con dấu, chữ ký, lập Công ty ma lừa đảo, chiếm đoạt tổng số tiền hơn 9 tỉ đồng. Người lao động sau khi nộp tiền, được nhóm này tổ chức cho học tiếng Hàn ở Hưng Yên, học nghề gốm ở Hải Phòng. Sau đó nhóm này đưa người lao động vào Thành phố Hồ Chí Minh chờ để được bay sang Hàn Quốc. Trong khi người lao động ăn chực, nằm chờ thì Nguyễn Thành Yên ôm tiền bỏ trốn sang Cam-pu-chia...

 

Mới đây, vào ngày 11-8-2009, TAND TP Hà Nội tuyên phạt Vũ Thị Hiếu (30 tuổi, quê Cẩm Giàng, Hải Dương, tạm trú Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) bảy năm tù giam. Đầu năm 2008, Vũ Thị Hiếu từng bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt ba năm tù treo về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức chạy thủ tục XKLĐ. Trong thời gian thi hành án, Hiếu thuê một căn biệt thự sang trọng trong khu đô thị mới Định Công, Hà Nội, để tiếp tục lừa đảo. Nhiều người đã tin và đưa cho Hiếu 6.000USD với hy vọng được đưa sang Đài Loan làm việc. Theo cáo trạng, Hiếu đã lừa được 6 người với tổng số tiền 440 triệu đồng.

 

Theo ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: Lừa đảo XKLĐ là một loại tội phạm mới. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng Bộ Công an đã ký Thông tư liên tịch “Hướng dẫn công tác phòng ngừa và chống các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực XKLĐ”. Thông tư này xác định rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương, trong đó trách nhiệm của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là quản lý và kiểm tra chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp có giấy phép XKLĐ. Mọi hành vi lừa đảo XKLĐ khi bị phát giác sẽ bị nghiêm trị theo đúng quy định của pháp luật.

 

 

 

Theo QĐND

Tệp đính kèm