Cập nhật: 05/10/2009 17:30:06 Article Rating
Xem cỡ chữ

* Nâng định lượng giá trị tài sản truy tố đối với 15 loại tội khác

Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (gọi tắt là BLHS sửa đổi) đã mang đến cho nhiều bị can, bị cáo cơ hội được giảm án và thoát khỏi án tử hình. Điều đặc biệt là không cần đợi đến 1.1.2010 (ngày BLHS sửa đổi có hiệu lực) mà những thay đổi có lợi cho bị can, bị cáo đã được áp dụng ngay.

Ngày 16.9, TAND TP.HCM mở phiên xử phúc thẩm xét kháng cáo của Đ.A.T (18 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh). Trước đó TAND Q.Bình Thạnh tuyên phạt T. 9 tháng tù (cho hưởng án treo) về tội "trộm cắp tài sản". Tuy bị cáo được hưởng án treo nhưng mẹ của T. vẫn nộp đơn xin tòa tuyên con mình không phạm tội theo Nghị quyết 33 (thi hành BLHS sửa đổi) của Quốc hội. Tại tòa, T. khai trước đó đã có hành vi cùng với đồng phạm vào một cửa hàng điện máy lén chiếm đoạt 2 chiếc máy MP4. HĐXX chấp nhận kháng cáo nói trên và đã đình chỉ xét xử vụ án, tuyên T. không phạm tội do tài sản chiếm đoạt dưới 2 triệu đồng. Hai mẹ con T. rời tòa với vẻ mặt hân hoan vì không phải mang lý lịch "đen" và cơ hội làm lại cuộc đời cho một thanh niên trẻ sẽ rộng mở hơn vì đã thoát bản án "trộm cắp". Cùng phòng xử với T., 2 bị cáo khác cũng vui mừng vì "thoát" tội. 

Bà Trần Thị Hồng Việt cho biết, TAND TP.HCM đã xét miễn chấp hành hình phạt tù cho 21 trường hợp theo Nghị quyết 33. Trong đó có 1 vụ nhận hối lộ, 1 vụ lừa đảo, 4 vụ đánh bạc, 15 vụ trộm cắp tài sản. Hiện các trường hợp khác vẫn đang tiếp tục được toàn ngành rà soát, kiểm tra và miễn giảm nếu đủ điều kiện.

 

Các địa phương đã áp dụng những sửa đổi của BLHS vào thực tế trước ngày 1.1.2010 là TP.HCM, Bến Tre, An Giang, Đà Nẵng.

Những ngày này, trong khuôn viên TAND TP.HCM không chỉ có nước mắt của những bị cáo bị kết án tù mà xuất hiện cả những nụ cười vì phút chốc được "trắng" án. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết đến những quy định mới mang tính nhân đạo này. Đơn cử, cũng trong ngày 16.9, cạnh phòng xử Đ.A.T, P.T.T đứng trước vành móng ngựa nước mắt ngắn dài xin HĐXX cho hưởng án treo. H. thừa nhận đầu năm 2009 khi đang đánh bài tứ sắc ăn tiền tại một sòng bạc ở Q.8 thì bị phát hiện. "Bị cáo biết mình sai, vi phạm pháp luật nhưng bị cáo đang bị bệnh nặng, đang nuôi con, xin tòa cho bị cáo hưởng án treo", H. khẩn thiết và không biết mình được hưởng sự khoan hồng của BLHS sửa đổi. Trước khi công bố tin tốt lành (tuyên H. không phạm tội theo Nghị quyết 33 vì số tiền đánh bạc chỉ 1 triệu đồng), HĐXX cũng nhắc nhở H. không được tái phạm vì không phải lúc nào cũng may mắn. Bản thân H. cùng gia đình bất ngờ trước việc được tuyên "không phạm tội", tất cả ôm nhau mừng rỡ và điện thoại ríu rít để thông báo cho người thân.

 

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, ông Bùi Hoàng Danh, Chánh án TAND TP.HCM cho biết, Quốc hội đã bỏ án tử hình đối với 8 loại tội (hiếp dâm; lừa đảo; buôn lậu; làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả; tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy; đưa hối lộ; hủy hoại vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự) nên chỉ áp dụng hình phạt cao nhất là chung thân và nâng định lượng giá trị tài sản truy tố (thấp nhất 2 triệu, cao nhất 100 triệu đồng tùy loại tội) đối với 15 loại tội khác (công nhiên chiếm đoạt tài sản, trộm cắp, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm, tham ô, lạm dụng chức vụ quyền hạn, nhận hối lộ, đưa hối lộ, làm môi giới hối lộ, đánh bạc, chiếm giữ trái phép tài sản, tội trốn thuế...). "TAND TP.HCM đã chỉ đạo toàn ngành áp dụng ngay chính sách nhân đạo này của Quốc hội. Các cơ quan tố tụng khác (cơ quan điều tra, Viện KSND) cũng tiến hành rà soát, triển khai quy định này. Đây cũng chính là áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo", ông Danh nói. "Như vậy, nếu ai đó đang bị điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án theo các tội trên mà tài sản chiếm đoạt chưa tới mức bị truy tố theo luật mới sẽ được trả tự do. Tuy nhiên, nếu gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử phạt hành chính, đã bị kết án về hành vi chiếm đoạt chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì dù chiếm đoạt dưới mức quy định vẫn bị xử lý hình sự theo luật cũ", ông Danh phân tích thêm. 

Thoát chết nhờ luật sửa đổi, đó là trường hợp của bị án Trần Thị Ngọc Hà (SN 1973, trú tại KV4, phường Ghềnh Ráng, Quy Nhơn). Ngày 27.4, TAND Bình Định tuyên án tử hình về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" do Hà huy động vốn rồi chiếm đoạt 37 tỉ đồng. Cuối tháng 7.2009, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng đã giảm án từ tử hình xuống chung thân cho Hà. 

 

Không dừng lại ở việc xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng ở TP.HCM đang rà soát làm thủ tục ra quyết định đình chỉ điều tra, đình nã, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn đối với những hành vi "miễn truy tố" như tội: sử dụng trái phép chất ma túy; xuất nhập cảnh trái phép, ở lại nước ngoài hoặc ở lại VN trái phép; xâm phạm quyền tác giả; xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và các tội liên quan đến nâng mức định lượng giá trị nói trên. Bà Trần Thị Hồng Việt, Chánh văn phòng TAND TP.HCM khẳng định: "Những người có án hoặc phạm tội bỏ trốn bị truy nã mà lọt vào những trường hợp này đều được miễn truy tố và không cần thiết phải trốn tránh nữa. Chúng tôi sẽ niêm yết các quyết định này ở địa phương nơi người đó cư trú".

 

Trong quá trình áp dụng chính sách mới có lợi cho bị can, bị cáo này lại nảy sinh một vấn đề chỉ có những người bị phạt tù giam mới thuộc diện được miễn, xóa án như trên. Còn những người đủ tiêu chí theo quy định này nhưng hưởng án treo thì vẫn ngậm ngùi chịu sự giám sát của địa phương cho hết thời gian thử thách. Theo bà Việt: "Do nghị quyết không có câu chữ nào đề cập đến đối tượng này mặc dù hành vi của họ ít nguy hiểm, nhiều tình tiết giảm nhẹ hơn nên mới được áp dụng án treo. Như vậy, họ vẫn bị thiệt thòi như không thể mở doanh nghiệp, và trong thời gian thử thách nếu phạm tội mới có nguy cơ án chồng án...".                       

 

 

Theo Thanh Niên Online

Tệp đính kèm