Cập nhật: 05/11/2009 21:21:33 Article Rating
Xem cỡ chữ

 Buôn bán phụ nữ và trẻ em đang diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng, là nỗi lo của toàn xã hội.

Trong 5 năm qua, cả nước phát hiện 1.586 vụ, bắt 2.888 đối tượng, lừa bán 4.008 phụ nữ, trẻ em, trong đó 60% tổng số vụ mua bán sang Trung Quốc, 11% sang Camphuchia, số còn lại sang Lào qua tuyến hàng không, tuyến biển để bán ra một số nước khác. Địa phương xảy ra tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em (BBPN&TE) nhiều nhất là: Hà Giang, Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Nội, Nghệ An, Lai Châu, Bắc Giang…

Từ năm 2004 đến 6 tháng đầu năm 2009 phát hiện đấu tranh với 1.619 vụ án BBPN&TE với 3.091 đối tượng và 4.140 nạn nhân. BBPN&TE đang gia tăng về số vụ, số đối tượng, nạn nhân: Năm 2004 phát hiện 147 vụ với 397 đối tượng lừa bán 391 trẻ em, đến năm 2008 là 375 vụ, 718 đối tượng và 981 nạn nhân, 6 tháng đầu năm 2009 phát hiện 191 vụ với 362 đối tượng và hơn 400 nạn nhân. (Báo cáo của Công an các địa phương)

Điều đáng lo ngại là thủ đoạn của bọn BBPN&TE ngày càng tinh vi với tính chất, quy mô và diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường. Bọn BBPN&TE nhằm vào các phụ nữ lỡ có thai, bị phản bội tình cảm nên không muốn giữ giọt máu đã mang trong người để tìm cách dụ dỗ, gạ gẫm họ bán cho chúng những đứa trẻ ấy. Thậm chí, nhiều học sinh, sinh viên cũng trở thành nạn nhân của bọn bán người do bị lừa qua các phương tiện truyền thông như: internet, điện thoại di động... Các nạn nhân bị bán ra nước ngoài hoặc bị đưa vào nhà hàng, các ổ mại dâm và bị bóc lột tình dục. Đối với những nạn nhân là trẻ nhỏ bắt đầu có thêm nhiều vụ buôn bán nội tạng, buôn bán trẻ sơ sinh, trẻ trong bào thai...

Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em (2004-2009) và phương hướng đẩy mạnh trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đề nghị, các cấp ủy, bộ, ngành, địa phương cần nhận thức rõ công tác phòng chống BBPN&TE là nhiệm vụ chính trị, kinh tế-xã hội quan trọng và cần huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội để ngăn chặn, đẩy lùi và xóa bỏ loại tội phạm này. Xây dựng và hoàn thiện sớm hệ thống pháp luật về phòng, chống buôn bán người một cách thống nhất và đồng bộ, trong đó ưu tiên xây dựng Luật Phòng chống buôn bán người để sớm trình Quốc hội phê duyệt.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, làm cho người dân, nhất là các đối tượng phụ nữ hiểu được các âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng buôn bán người để phòng ngừa, tránh tình trạng bị rủ rê, lôi kéo và trở thành nạn nhân của nạn buôn bán người. Khi đã phát hiện các đối tượng, đường dây buôn bán người cần chủ động triệt phá; xử lý nghiêm minh trước pháp luật nhằm nâng cao tính răn đe các đối tượng khác.

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cũng yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH phối hợp cùng các bộ, ngành hữu quan triển khai xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán sớm tái hòa nhập cộng đồng; ổn định cuộc sống; tránh tâm lý mặc cảm…

Ông Tạ Quang Phương, Phó Chánh án Toà án nhân dân Tối cao: Đặc biệt chú trọng công tác xét xử lưu động

Toà án nhân dân Tối cao đã phối hợp với cơ quan tư pháp ở Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan tiến hành tố tụng địa phương áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật, tăng cường phối hợp với các cơ quan tư pháp, khẩn trương phát hiện, điều tra, truy tố và đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các hành vi phạm tội. Để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, tuyên truyền, mặc dù còn nhiều khó khăn về kinh phí, phương tiện nhưng trong những năm qua, ngành Toà án đặc biệt chú trọng công tác xét xử lưu động các vụ án về BBPN&TE.

Ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH: Có chính sách hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng

Tính đến tháng 5/2009, số nạn nhân là phụ nữ, trẻ em bị buôn bán ra nước ngoài trở về là 2.790 người. 80% nạn nhân trở về được tư vấn tâm lý, cung cấp thông tin, chính sách hỗ trợ; 30% nạn nhân nhận được chính sách hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng như: tư vấn về tâm lý, hỗ trợ về y tế, học nghề, hỗ trợ về pháp lý như: cấp hộ khẩu, cấp chứng minh nhân dân, làm giấy khai sinh cùng với đó là việc bảo vệ những nạn nhân tố giác tội phạm BBPN&TE.

Bà Nguyễn Thanh Hoà, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam: Nâng cao năng lực cán bộ, tuyên truyền viên...

Là cơ quan chủ trì triển khai thực hiện Đề án Tuyên truyền, giáo dục trong cộng đồng về phòng, chống tội phạm BBPN&TE, trong 5 năm qua, Hội đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực cán bộ, tuyên truyền viên, báo cáo viên. Bên cạnh đó, Hội cũng quan tâm đến các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ đối tượng có nguy cơ cao và nạn nhân bị buôn bán trở về tái hoà nhập cộng đồng, được học nghề, tạo việc làm để họ ổn định về vật chất và tinh thần.

Bà Hoàng Thị Huyền, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Cao Bằng: Khó khăn trong quản lý nhân khẩu

Tình trạng phụ nữ đi lấy chồng nước ngoài đang có xu hướng gia tăng. Nhiều phụ nữ kém nhan sắc hoặc kinh tế gia đình khó khăn, ở Việt Nam khó kiếm được tấm chồng, họ muốn ra nước ngoài để tìm kiếm cơ hội. Chính vì thế, một số đồng chí lãnh đạo cho rằng, thôi thì người ta khó khăn cũng nên tạo điều kiện cho người ta ra nước ngoài để kiếm được tấm chồng. Chính nhu cầu có việc làm, có thu nhập và có một mái ấm gia đình của nhiều chị em đã tạo điều kiện thuận lợi cho những kẻ BBPN&TE. Cao Bằng có 9/13 huyện thị tiếp giáp với Trung Quốc với nhiều cửa khẩu tiểu ngạch đi lại thuận lợi nên việc quản lý nhân khẩu rất khó khăn. Nhiều huyện giáp với Trung Quốc, một năm bà con chỉ làm một vụ, thời gian nông nhàn họ đi tự do sang Trung Quốc làm thuê, chính quyền không biết. Nhiều khi họ lén lút tổ chức đi theo đoàn, đến mùa vụ không thấy họ về, chính quyền mới biết họ đã bị đem bán.

Bà Giàng Thị Hoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Điện Biên: Đẩy mạnh công tác truyền thông

Nhiều lãnh đạo huyện có quan điểm, buôn bán phụ nữ xuyên quốc gia chỉ có thể xảy ra ở các cô gái xinh đẹp chứ với đồng bào dân tộc thiểu số thì không có chuyện này. Từ nhận thức không đúng đắn nên nhiều lãnh đạo thờ ơ, bàng quan với những việc xảy ra ở địa phương. Thêm nữa, người dân địa phương cũng chưa nhận thức đúng đắn về tình trạng BBPN&TE, nhiều phụ nữ bị buôn bán ra nước ngoài phải làm gái mại dâm nhưng người dân địa phương chỉ cho rằng đó là do lấy chồng nước ngoài rồi bị ép làm thêm các công việc chứ không phải là bị buôn bán, rồi tình trạng trẻ em bị bán sang biên giới, người dân địa phương cũng cho rằng, đó là tình trạng nhận con nuôi rồi bị bóc lột sức lao động… Vì vậy, thời gian tới, chúng tôi phải đẩy mạnh công tác truyền thông.

 

Theo  Báo TNVN

Tệp đính kèm