Trong năm năm thực hiện Chương trình 130 (Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em), cả nước phát hiện 1.586 vụ, bắt 2.888 đối tượng, lừa bán 4.008 phụ nữ, trẻ em (PNTE) (tăng 1.090 vụ, 2.117 đối tượng và 2.935 nạn nhân so với năm năm trước).
Khoảng 22.000 PNTE đi khỏi địa phương không rõ lý do, nghi bị buôn bán)... Hoạt động buôn bán phụ nữ, trẻ em vẫn diễn biến phức tạp, tính chất, quy mô và thủ đoạn hoạt động phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt.
Phạm tội có tổ chức chặt chẽ và xuyên quốc gia
Mất gần một tháng điều tra, Công an Hải Phòng mới giải cứu được mẹ con chị Ðỗ Hồng Nhung (23 tuổi ở phường Cát Bi, quận Hải An) và con trai Trần Trung Hiếu, hai tuổi. Chỉ vì cả tin, Nhung bị Phạm Anh Tuấn (phường Bạch Ðằng, thành phố Hạ Long) lừa phỉnh. Biết hoàn cảnh éo le của Nhung, Tuấn "giả vờ" yêu rồi rủ hai mẹ con đi Trung Quốc chơi. Sang đến Lìm Coóng, Quảng Ðông, Tuấn bán cháu Hiếu được 20 nghìn nhân dân tệ (khoảng 70 triệu đồng).
Ðó chỉ là một trong gần ba chục vụ mua bán, chiếm đoạt, bắt cóc 37 trẻ em trong sáu tháng đầu năm 2009. Tại địa bàn trọng điểm Quảng Ninh, công an tỉnh bắt ba vụ, năm đối tượng, giải cứu năm trẻ sơ sinh bị lừa bán. Thống kê của Ban Chỉ đạo 130/CP, sáu tháng đầu năm, cả nước xảy ra 191 vụ buôn bán phụ nữ, trẻ em, với 362 đối tượng, lừa bán 417 nạn nhân, số đối tượng bị bắt giữ gia tăng.
Các vụ buôn người tập trung ở Hà Giang, Lạng Sơn, Nghệ An, Lào Cai, Quảng Ninh, Yên Bái, Lai Châu, Hà Nội... Bức xúc nhất là tình trạng chiếm đoạt, bắt cóc trẻ em, mua bán trẻ sơ sinh xảy ra ở một số địa phương như Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Ðiện Biên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Nam. Lợi dụng đêm tối, sơ hở trong quản lý đường biên giới, đồng bào dân tộc sống thưa thớt, bọn tội phạm đột nhập nhà dân cướp, bắt cóc trẻ em. Riêng tại huyện Mèo Vạc (Hà Giang) trong sáu tháng qua đã xảy ra mười vụ, chiếm đoạt 11 trẻ em.
Tội phạm về buôn bán trẻ sơ sinh, trẻ trong bào thai có chiều hướng gia tăng. Thủ đoạn của bọn chúng là sử dụng "vệ tinh" lân la tới các miền quê phát hiện những phụ nữ lỡ có thai, gia đình trục trặc, khó khăn về kinh tế, sinh con ngoài ý muốn với giá rẻ, thu gom bán sang nước ngoài. Ðiển hình vụ gần đây nhất, ngày 26-9-2009, bảy bị cáo trong đường dây gom nhặt trẻ sơ sinh bị mẹ bỏ rơi đã phải đứng trước vành móng ngựa. Chúng khai nhận từ tháng 7-2007 đến tháng 2-2008, lừa bán hơn 40 trẻ sơ sinh sang Trung Quốc. Tuy nhiên hai kẻ cầm đầu là Lưu Thị Nhuần và Nguyễn Tuấn Cửu hiện đang lẩn trốn lệnh truy nã của công an Hà Nội.
Theo lời khai từ các bị cáo, đường dây này tổ chức khá chuyên nghiệp, mỗi người phụ trách từng phần việc cụ thể, như tìm "nguồn" trẻ, dụ dỗ, thương thảo với những bà mẹ có ý định bỏ con, "vận chuyển" trẻ từ miền nam ra bắc đưa lên biên giới, chuyển tiền giao dịch qua đường chuyển phát nhanh... Số tiền mà chúng bỏ ra "bồi dưỡng" cho những người mẹ mang thai sắp sinh hoặc vừa sinh con là ba đến tám triệu đồng một người, nếu mang thai bé trai là 15 triệu đồng. Trong một năm, gần 500 triệu đồng đã được chuyển từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh để thanh toán tiền mua 30 trẻ sơ sinh. Số trẻ mua được từ các tỉnh sẽ tập trung tại Hà Nội và đưa qua biên giới bán với giá khoảng 15 triệu đồng/bé gái và 25 triệu đồng/bé trai.
Lợi dụng sơ hở trong quy định của pháp luật về cho, nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, đã phát sinh những đối tượng thu mua trẻ sơ sinh từ những phụ nữ có hoàn cảnh bất hạnh, rồi móc nối với các trung tâm núp dưới sự trợ giúp pháp lý nhân đạo, lập hồ sơ trẻ em bị bỏ rơi để hợp pháp hóa và tìm cách chuyển ra nước ngoài. Ðiển hình là vụ Vũ Tiến Mạnh, nguyên Trưởng phòng thuộc Sở Tư pháp tỉnh Ninh Bình cấu kết với đồng bọn bán cho người nước ngoài 174 trẻ em; vụ các đối tượng tại Trung tâm bảo trợ xã hội huyện Ý Yên và Trực Ninh (Nam Ðịnh) thu gom 253 trẻ sơ sinh, lập hồ sơ giả chuyển cho người nước ngoài làm con nuôi.
Tại các tỉnh phía nam, một thủ đoạn buôn bán người tuy không mới nhưng đang diễn ra rất "nóng bỏng" là tình trạng các cô gái nhẹ dạ cả tin bị lừa bán ra nước ngoài. Riêng tại thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2007 đến nay phát hiện và xử lý 38 vụ tổ chức môi giới hôn nhân trái pháp luật cho người Ðài Loan, Hàn Quốc chọn 1.772 phụ nữ Việt Nam làm vợ.
Tháng 11-2005, lực lượng công an phát hiện đường dây mua bán phụ nữ ra nước ngoài (chủ yếu là Ma-lai-xi-a) làm vợ thực chất là làm gái mại dâm do Trần Thị Mỹ Phượng cùng chồng là Tsai I Hsein cầm đầu. Dưới hình thức môi giới hôn nhân, 126 phụ nữ Việt Nam nhẹ dạ đã bị đường dây Trần Thị Mỹ Phượng chiêu mộ bằng lời hứa tìm một tấm chồng giàu sang ở nước ngoài. Nhưng khi sang tới Ma-lai-xi-a, các cô gái bị rao bán như một món hàng với giá từ 1.500-2.000 USD.
Vì sao chưa chặn đứng loại tội phạm buôn bán người
Mặc dù trong thời gian qua, nhiều vụ buôn bán người đã được đưa ra xét xử, nhiều bị cáo phải chịu những hình phạt thích đáng, tuy nhiên, tình trạng buôn bán người vẫn tăng.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do điều kiện khách quan kinh tế ở nhiều địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa; tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế làm phân hóa giàu, nghèo, thiếu việc làm, một bộ phận trẻ em thất học dễ bị bọn tội phạm dụ dỗ, lừa gạt; công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội còn buông lỏng, bất cập, sơ hở, để tội phạm lợi dụng hoạt động, nhất là trong quản lý người nước ngoài, quản lý nhận hộ khẩu, quản lý an ninh biên giới, xuất nhập cảnh, hôn nhân và con nuôi có yếu tố nước ngoài... Bên cạnh đó, việc đưa một số vụ án ra xét xử gặp nhiều khó khăn do trong nhiều vụ án mua bán phụ nữ, trẻ em, cả bên bán và bên mua đều tự nguyện. Nhiều trường hợp phụ nữ muộn chồng hoặc bị chồng ruồng bỏ đã nhờ người khác đưa sang Trung Quốc để lấy chồng và trả cho người đó một khoản tiền nhất định. Do đó rất khó truy tố người đưa phụ nữ sang Trung Quốc về tội mua bán phụ nữ. Hầu hết các vụ án đều liên quan đến yếu tố nước ngoài, tuy nhiên các cơ quan tiến hành tố tụng cho rằng việc hợp tác quốc tế đối với loại tội phạm này còn hạn chế nên đã gặp khó khăn trong việc bắt giữ kẻ cầm đầu để đưa ra luật pháp.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm năm thực hiện Chương trình 130/CP, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng nhấn mạnh: Ðể tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình 130/CP, các cấp ủy Ðảng, chính quyền phải xác định phòng, chống buôn bán người là một nhiệm vụ chính trị quan trọng.
Tình hình tội phạm buôn bán người đang trở thành vấn đề nghiêm trọng, nhưng pháp luật hình sự hiện hành còn một số điểm bất hợp lý đối với việc xử lý tội buôn bán phụ nữ trẻ em như cơ sở định tội là phải có "yếu tố tư lợi" (rất khó xác định bằng chứng); chưa có cơ sở pháp lý để trừng trị hành vi mua bán nam giới từ đủ 16 tuổi trở lên, một số hành vi buôn bán trẻ sơ sinh trong bào thai, thì người mẹ là nạn nhân hay đồng phạm... vì vậy, việc cần thiết xây dựng và hoàn thiện sớm hệ thống pháp luật về phòng, chống buôn bán người một cách thống nhất và đồng bộ, trong đó ưu tiên xây dựng Luật Phòng chống buôn bán người để sớm trình Quốc hội phê duyệt.
Theo NhanDan Online