Sáng ngày 17/2, tiếp tục phiên họp lần thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận, cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật phòng, chống mua bán người. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì phiên họp.
Về hành vi mua bán người và các hành vi có liên quan đến mua bán người (Điều 3 của dự thảo Luật), có ý kiến cho rằng, các quy định về hành vi mua bán người, các hành vi có liên quan đến mua bán người tại khoản 1 Điều 2 và Điều 3 của dự thảo Luật trình Quốc hội là chưa rõ ràng; chưa có sự phân biệt giữa hành vi mua với hành vi bán, giữa hành vi mua bán người với hành vi chuyển giao, tiếp nhận người có nhận tiền, tài sản với tính chất là một khoản thù lao mà pháp luật cho phép.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, các tội danh về mua bán người trong Bộ luật hình sự (Điều 119 và Điều 120) không quy định cụ thể về hành vi mua bán người và cho đến nay các cơ quan có thẩm quyền cũng chưa có hướng dẫn về các tội danh này. Thực tiễn áp dụng pháp luật cho thấy, để cấu thành tội phạm mua bán người thì phải có hành vi giao người nhằm nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất; tiếp nhận người mà đã trả hoặc hứa hẹn trả tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất. Tuy nhiên, Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị hành vi buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (Nghị định thư Palermo) bổ sung Công ước phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia của Liên hợp quốc quy định về hành vi mua bán người có điểm khác so với quy định của Bộ luật hình sự. Theo đó các hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao và nhận người bằng các thủ đoạn như dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt, lợi dụng tình trạng quẫn bách hoặc sự lệ thuộc của nạn nhân, lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác cũng được coi là hành vi mua bán người.
Về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 7 của dự thảo Luật), có ý kiến đề nghị bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm như bao che cho hành vi mua bán người, không tố giác tội phạm, trốn tránh khai báo; từ chối thực hiện trách nhiệm tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân. Ý kiến khác đề nghị bỏ điều này.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, với tính chất là luật chuyên ngành về phòng, chống mua bán người thì dự thảo Luật cần quy định các hành vi bị nghiêm cấm, làm cơ sở xác định trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức vi phạm và góp phần răn đe, phòng ngừa chung. Về đề nghị bổ sung một số hành vi cấm như ý kiến trên, thì Bộ luật hình sự đã quy định trách nhiệm hình sự đối với hành vi khai báo gian dối (Điều 307), từ chối khai báo (Điều 308) và che giấu tội phạm (Điều 313). Theo đó, bất kỳ người nào thực hiện các hành vi trên tùy theo đối tượng, tính chất và mức độ vi phạm mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý hành chính hoặc kỷ luật. Tuy nhiên, việc không tố giác hành vi mua bán người, hành vi có liên quan đến mua bán người có thể dẫn đến sự nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của nạn nhân do không giải cứu kịp thời; ảnh hưởng đến việc phát hiện và xử lý hành vi mua bán người, hành vi có liên quan đến mua bán người, do đó, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, tại Điều 7 của dự thảo Luật đã bổ sung quy định không tố giác hành vi mua bán người, hành vi có liên quan đến mua bán người là hành vi bị nghiêm cấm.
Có ý kiến đề nghị xem xét bỏ khoản 2 Điều 7 của dự thảo Luật trình Quốc hội, vì cho rằng việc lợi dụng kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; cho, nhận con nuôi; giới thiệu việc làm; đưa người Việt Nam đi lao động, học tập ở nước ngoài; dịch vụ văn hoá, du lịch và các hoạt động kinh doanh dịch vụ khác chỉ là thủ đoạn để thực hiện hành vi mua bán người, hành vi có liên quan đến mua bán người quy định tại Điều 3 của Luật này. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, trong dự thảo Luật đã bỏ các quy định nêu trên.
Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định cấm cơ quan, cá nhân có thẩm quyền từ chối tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Điều 24 của dự thảo Luật quy định về các hình thức xử lý vi phạm quy định của Luật này đã bao quát được nội dung đề nghị của đại biểu Quốc hội; do đó, để tránh trùng lắp xin không bổ sung quy định nêu trên vào dự thảo Luật.
Về phòng ngừa mua bán người (Chương II của dự thảo Luật), Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, công tác phòng ngừa mua bán người là nội dung quan trọng của dự án Luật; vì vậy cần thiết phải quy định một cách toàn diện các biện pháp phòng ngừa và trách nhiệm trong phòng ngừa mua bán người của Nhà nước, cá nhân, gia đình, nhà trường, cơ sở kinh doanh, dịch vụ, Mặt trận tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cũng như Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam…. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Chương II của dự thảo Luật đã quy định rõ trách nhiệm của các chủ thể tham gia phòng ngừa mua bán người bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh thực tế của Việt Nam, góp phần tăng cường hiệu quả của công tác này; đồng thời trong dự thảo Luật đã bổ sung một điều (Điều 19) quy định về vai trò Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tham gia phòng ngừa mua bán người.
Có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung quản lý việc tuyển dụng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam tại Điều 11 của dự thảo Luật nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn việc lợi dụng hoạt động này để thực hiện hành vi mua bán người, hành vi có liên quan đến mua bán người.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Điều 11 và một số điều có liên quan của dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng bổ sung quy định về quản lý việc tuyển dụng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam là một trong những hoạt động phải được quản lý, kiểm tra thường xuyên, chặt chẽ nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý việc lợi dụng hoạt động này để thực hiện hành vi mua bán người, hành vi có liên quan đến mua bán người.
Theo dự kiến chương trình, dự thảo Luật này sẽ được trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp tới trước khi biểu quyết thông qua./.
Theo Báo điện tử ĐCSVN