Trại giam số 5, thuộc Tổng cục VIII, Bộ Công an vốn nổi tiếng đã, đang giam giữ nhiều đối tượng nữ cộm cán như Dung Hà, Lã Thị Kim Oanh, Lê Thị Công Nhân… Và, một ngày ở phân trại nữ Trại 5 tôi đã chứng kiến nhiều việc làm hướng thiện của “phái đẹp” sau song sắt.
Nữ quản giáo tuổi đôi mươi
Trại giam số 5 là một trại giam lớn đóng trên địa bàn huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá. Trại 5 có nhiều phân trại, trong đó có một phân trại chuyên giam giữ, cải tạo toàn phạm nhân nữ ký hiệu là K4.
Thời điểm chúng tôi đến tìm hiểu, phân trại này đang giam giữ khoảng 700 phạm nhân. Tuy là phạm nhân nữ nhưng tội danh họ phạm phải hầu như tất cả chỉ trừ tội… “thích” đàn bà. Chính bởi vậy, tính chất phức tạp trong công tác quản lý, giáo dục để cải tạo ở phân trại nữ này cũng không kém gì các phân trại nam, thậm chí còn hơn thế.
Hỏi vì sao thì những người trong nghề đều cười mà rằng: “đàn bà mà”. Vì vậy, tôi cứ nghĩ, những người làm quản giáo ở trại giam nói chung, phân trại nữ nói riêng nơi này ắt phải là những cán bộ già giặn cả tuổi đời lẫn tuổi nghề thì mới có thể cáng đáng được công việc nặng nhọc hao công tổn sức và trí tuệ đến như vậy.
Nhưng suy nghĩ đó lệch đổ hết cả khi tôi gặp Thiếu uý Nguyễn Lan Anh, sinh năm 1986, hiện đang là cán bộ quản giáo phụ trách Đội 15, phân trại K4. Đội 15 mà Lan Anh phụ trách quản lý, giáo dục cải tạo tạo khoảng 60 phạm nhân. Phạm nhân ở đây thì như đã đề cập, đủ mọi loại đối tượng. Già có, trẻ có; án dài có, án ngắn có; trình độ cao thấp đủ cả.
Dáng người Lan Anh nhỏ nhắn, khuôn mặt bầu bĩnh, trẻ hơn so với tuổi. Nếu nhìn thoảng qua, ai cũng nhầm tưởng đây là cô gái chân yếu, tay mềm. Nhưng thực ra Lan Anh có tính cách cương trực, suy nghĩ già trước tuổi. Có thể nghề chọn người chăng khi mà công việc vào tay Lan Anh cứ chạy ro ro. Phạm nhân mà Lan Anh quản lý, giáo dục ai vào việc nấy, cứ thế mà làm. Người thì đan chiếu, người lại cấy cày, người thì làm mỹ nghệ hay khâu bóng cần cù chịu khó. Dù trước đó, hầu như họ đều là những người lười lao động, ưa “tự do phá cách”, sống không theo một khuôn mẫu nào.
Phạm nhân nữ đi lao động
Quản giáo không chỉ là chức vụ mà nó còn là một nghệ thuật quản lý, giáo dục, cảm hoá người phạm tội trở thành phạm nhân tốt, xa hơn nữa là người có ích cho xã hội. Nếu không phải là một nghệ thuật thì sao một người trẻ tuổi như Lan Anh kinh nghiệm sống còn non, kiến thức nói chung không thể so bì lại có thể khiến Lã Thị Kim Oanh và nhiều phạm nhân “già đời” khác tâm phục khẩu phục nghe theo lời quản giáo.
Từ khi Lã Thị Kim Oanh được ân xá từ án tử hình xuống chung thân và trả án tại Trại 5, tinh thần, sức khoẻ cứ yếu dần. Cán bộ quản giáo Nguyễn Lan Anh thấu hiểu hoàn cảnh của bà tuổi cao, sức yếu nên phân công cho bà làm nhiệm vụ trực sinh. Đấy là “chức việc” vệ sinh phòng ở cho phạm nhân cùng phòng. Có lẽ do được sắp xếp công việc phù hợp nên Lã Thị Kim Oanh rất chăm chỉ làm mà hầu như không một phản kháng hay so bì với thời oanh liệt trong quá khứ.
Nỗi niềm nữ phạm nhân
Có lẽ, điều khác biệt giữa phạm nhân nam và nữ ở chỗ phạm nhân nữ dù trong hoàn cảnh nào họ cũng rất thích làm đẹp và mong ước ngày trở về với gia đình, chồng con cháy bỏng hơn. Động lực đó khiến họ lạc quan hơn trong quá trình cải tạo.
Những người già cả hơn một chút thì có phần ưu tư vì một lý do nào đó. Có thể họ lúc nào cũng đau đáu nghĩ về gia đình mình chăng? Nỗi lo cho gia đình của một người đàn bà thì nhiều lắm, tỷ mỉ lắm. Đôi khi chỉ là một mảnh ruộng không biết có người cầy cấy hay không hoặc manh áo của những đứa con bị sứt chỉ, ai sẽ là người khâu vá cho chúng.
Chính bởi đặc tính lo toan, mềm mỏng của đàn bà mà lòng hướng thiện của họ hình như luôn thể hiện rõ hơn. Ở trại giam phần lớn phạm nhân nữ đều chấp hành tốt nội qui, qui định của trại. Hiện tượng trốn trại hầu như rất hiếm xảy ra. Những đối tượng chống đối, không chịu lao động cũng thường nhanh chóng bị thuyết phục.
Phạm nhân Nguyễn Thị Ngọc Hà
Hôm đến thăm phân trại K4 tôi gặp phạm nhân Nguyễn Thị Ngọc Hà, sinh năm 1982 ở Hải Phòng. Hà bị đi tù bởi tội buôn bán ma tuý tổng hợp cho dân bay, lắc ở các vũ trường.
Hà dễ gần, nụ cười luôn thường trực trên môi, đôi mắt cũng biết cười. Hà sinh hoạt trong đội văn nghệ phạm nhân của Trại 5. Ngày nào Hà cũng lên hội trường luyện đàn, hát. Do có năng khiếu đàn hát, làm đẹp nên ngoài giờ tập văn nghệ Hà được lãnh đạo trại giam giao phụ trách cửa hàng cắt tóc cho phạm nhân trong trại. Cô tỏ ra thích thú với công việc này lắm.
Hà phải trả án 8 năm tù, mong muốn khi ra khỏi trại giam sẽ mở cửa hàng cắt tóc, gội đầu làm đẹp cho đời. Hà tin ước mơ của mình sẽ thành hiện thực, tin rồi hạnh phúc sẽ mỉm cười với mình khi mà cô là một trong số ít nữ phạm nhân hiếm hoi mỗi khi đều đặn 3 năm vào ngày 8/3 nào cũng có người gửi tặng cô một bó hoa hồng tươi thắm - minh chứng cho một "bến đợi" hạnh phúc
Vào thăm phân trại nữ, tôi thoáng bất ngờ bởi gặp khá nhiều phạm nhân đã ở độ tuổi thuộc hàng cao niên. Nom họ cũng thật thà, chất phác như các cô bác nông dân vậy nếu như không mặc bộ đồ kẻ sọc trắng đen.
Phạm nhân Nguyễn Thị Liên
Họ có thể phạm tội gì mà phải vào đây nhỉ? Tôi hỏi phạm nhân Nguyễn Thị Liên, sinh năm 1950 ở Ba Vì, Hà Nội. Nước mắt cứ giàn giụa trên khuôn mặt đen đúa, nhăn nheo.
Bà Liên kể, chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ mà bà đã vác cuốc bổ vào chân người hàng xóm dẫn đến phải đi tù. Bà đi tù bỏ lại nhà một người chồng câm, già yếu, ba đứa con mới lớn không việc làm phải bỏ nhà ra đi.
Còn phạm nhân Nguyễn Thị Cúc, sinh năm 1956 ở Thọ Xuân, Thanh Hoá có gương mặt phúc hậu. Bà phạm tội từ thời “tám hoánh” - vay tiền hộ người khác theo tiêu chuẩn hộ nghèo để phát triển kinh tế.
Đến hạn người ta không có tiền trả ngân hàng thế là bà bị truy trách nhiệm, rồi bà bỏ trốn lên Sơn La sống với người con cả.
Cuộc sống cứ trôi đi hàng chục năm nơi núi rừng, tưởng chừng món nợ đã đi vào dĩ vãng. Bà đâu ngờ đến cái tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh” bà lại bị bắt truy nã, xử án tù và trả án tại trại giam ngay trên quê hương mình.
Lời kết
Con đường dẫn người ta đến phạm tội thật nhiều. Nhưng đường về nẻo thiện với riêng phạm nhân nữ đôi khi giản đơn hơn: ấy là sự quan tâm, vị tha của người thân, bạn bè.
Đối với họ, khi còn dù chỉ một người tin yêu thôi cũng đủ trở thành lý do để mà phấn đấu lao động cải tạo tốt, hy vọng sớm được trở về với gia đình, xã hội.
Thế mới biết, đối với người phụ nữ dù ở đâu, làm gì, trong bất cứ hoàn cảnh nào thì nơi sâu thẳm trái tim họ đều chứa đựng một tình cảm con người yêu thương ấm áp bẩm sinh. Tình cảm đối với họ là thứ quan trọng gần như hơn tất thảy mọi thứ khác trên đời. Có lẽ vì thế chăng mà phụ nữ luôn được người đời thượng tôn coi là những người xây tổ ấm!./.
Theo gdtd online.