Cập nhật: 08/03/2011 23:12:28 Article Rating
Xem cỡ chữ

Có học sinh không thích học đã quăng sách vở, giơ quả đấm, bày trò trêu chọc khiến giáo viên hoảng sợ phải bỏ chạy ra ngoài nhờ đồng nghiệp trợ giúp.

Sát ngày 8/3, trường Giáo dưỡng số 2 của Bộ Công an (tỉnh Ninh Bình) trở nên rôm rả khác thường. Các thầy cô giáo và học sinh hăng say lập luyện văn nghệ chuẩn bị cho ngày Quốc tế Phụ nữ.

 

Thượng úy Nguyễn Thị Thủy chia sẻ nhiều năm nay, các cán bộ ở đây tự biên tự diễn tiết mục văn nghệ để diễn đúng "ngày của chị em". Thay vì những bó hoa gói cầu kỳ, nữ giáo viên thấy cảm động khi được các trò hái hoa dại lên tặng.

 

Thượng úy Thủy chia sẻ những kỉ niệm vui buồn trong nghề.

 

Thủy kể, hơn 10 năm trước vừa mới tốt nghiệp trường sư phạm về nhận công tác ở đây chị đã bị sốc: "Lớp 1 mà toàn học sinh từ 12 tuổi trở lên, nhiều người thậm chí còn có vợ con. Đa phần học trò tỏ ra bướng bỉnh, ngỗ ngược".

 

Dần tìm hiểu từng em, Thủy nhận thấy học sinh ở đây đáng thương hơn đáng trách, nên đã chân tình cảm hóa, dạy dỗ. Giờ cô giáo Thủy trở thành "người chị" thân thiết với nhiều học trò ở ngôi trường đặc biệt này.

 

Thủy bảo nhớ nhất lần dạy Vàng Mí Lử, thanh niên người H’Mông vào trường vì trộm cắp. 16 tuổi nhưng Lử trông như một đứa trẻ, nhiều hôm không chịu học, quăng giấy bút xửng cồ với cô giáo. Thời gian đầu cả thầy và trò khá vất vả để hiểu được nhau khi cậu trò này không biết tiếng Kinh, phải nhờ người phiên dịch.

 

Nữ giáo viên bảo không chỉ làm hết trách nhiệm dạy chữ, Thủy còn muốn học trò trưởng thành khi ra trường. Chiều chiều, chị lại thu xếp việc nhà dành thời gian để kèm cặp, chia sẻ cách sống với Lử. Đến khi "ra trường", Lử lý nhí hát cảm ơn cô giáo mà nước mắt lăn dài trên má.

 

Còn học trò Hà Văn Xôm (tỉnh Hà Giang) khi bị đưa vào trường khi vợ vừa sinh con. Được phát sách vở, ông bố trẻ vụt đứng dậy ném ngay vào cô giáo, đòi về nhà vì nhớ con. Chị bảo lúc đó giận lắm, chỉ muốn quát thật to nhưng đã không làm thế. Để xả cơn tức, cô giáo yêu cầu cả lớp hát bài để tranh thủ ra ngoài trấn tĩnh tinh thần.

 

"Có nhiều học sinh rất ngoan, nhưng trường hợp như Lử và Xôm không phải là hiếm. Tôi từng bị một học sinh giơ nắm đấm dọa đánh, phải nhờ đồng nghiệp giúp đỡ", cô Thủy kể.

 

Học sinh trường Giáo dưỡng số 2 khi lên lớp.

 

Để giáo dục được những cô cậu học trò cá biệt đó, cô giáo Thủy bảo không phải một sớm một chiều có thể làm được ngay. Với từng hoàn cảnh, chị mày mò phương pháp sư phạm riêng để cảm hóa.

 

"Giáo viên ở trường giáo dưỡng khác trường ngoài. Nếu chỉ làm hết lương tâm, trách nhiệm của một người thầy thôi thì chưa đủ mà còn phải nhập vai người chị trong gia đình cũng như các chuyên gia tâm lý..", thượng úy Thủy chia sẻ.

 

Vất vả là vậy, song những lần nhận điện thoại, thư hỏi thăm ngắn ngủi của những cựu học sinh, thầy cô ở ngôi trường "đặc biệt" này thấy như được bù đắp nỗ lực "trồng người" của mình; thêm niềm tin về tương lai của những đứa trẻ biết sửa chữa lỗi lầm.

 

Theo phapluatdoisong online

Tệp đính kèm