Cập nhật: 15/04/2011 15:09:02 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo thống kê hiện chúng ta có khoảng hơn 300 văn bản liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường. Và mức xử phạt cao nhất đối với hành viá vi phạm pháp luật về môi trường lên tới 500 triệu đồng.

 

Tuy nhiên, văn bản nhiều nhưng vẫn thiếu, mức phạt cao nhưng chưa có tính răn đe... dẫn đến công tác bảo vệ môi trường chưa thực sự hiệu quả. Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc không thể chỉ lấy giáo dục, phòng ngừa, hay phạt hành chính, truy thu bồi thường...mà cần hình sự hóa tội phạm môi trường.

 

Vi phạm vẫn tiếp diễn

 

Năm 2010, tình trạng vi  phạm pháp luật về môi trường, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường vẫn diễn biến phức tạp, nhất là trong các hoạt động thương mại, xuất, nhập khẩu, xây dựng cơ bản, xử lý chất thải...

 

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, vẫn còn nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất vẫn tiếp tục sử dụng hệ thống ngầm dẫn nước thải chưa qua xử lý ra môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng. Các bãi xử lý rác thải đô thị quá tải và công nghệ xử lý lạc hậu, nhất là tại các khu vực ngoại thành, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm tiếp tục diễn biến phức tạp. Tình trạng huỷ hoại rừng tiếp tục xảy ra nghiêm trọng, nhất là đối với các khu rừng phòng hộ, khu bảo tồn thiên nhiên. Nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ khai thác khoáng sản bừa bãi, từ việc phát triển thủy điện vừa và nhỏ một cách ồ ạt, thiếu quy hoạch đang hiện hữu ở nhiều địa phương, nhất là tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên...Tình hình vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề bức xúc trong nhân dân. Thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên diện rộng có nguyên nhân sâu xa do môi trường bị suy thoái, hủy hoại.

 

Theo thống kê, năm 2010, lực lượng Cảnh sát môi trường các cấp đã phát hiện trên 6.500 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, so với năm 2009 tăng 43%. Trong đó có tới gần 22% số vụ là các hành vi xả nước thải, khí thải độc hại chưa qua xử lý ra ngoài gây ô nhiễm môi trường; 19% số vụ vi phạm xâm phạm nguồn tài nguyên, khoáng sản; 27% số vụ vi phạm không thực hiện đầy đủ nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường... Lực lượng công an các cấp đã khởi tố 88 vụ, 106 đối tượng, xử lý hành chính 2.288 vụ...Đặc biệt đã điều tra khám phá được một số vụ án lớn như vụ Tungkuang, vụ Công ty Đường Quảng Ngãi, vụ 10 con báo ở Thanh Hóa...

 

Rõ ràng, tình trạng vi phạm pháp luật về môi trường đang ngày càng đáng báo động cả về số lượng và tính nghiêm trọng. Nghị định 117/2009 về xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày tháng 3.2010 quy định 33 hành vi vi phạm, theo đó mức phạt tiền tăng cao gấp 7,5 lần so với mức phạt trong Nghị định 81/2006. Tuy nhiên, xem ra Nghị định mới không thể gánh hết được trách nhiệm bảo vệ môi trường khi mà cả hệ thống pháp luật về môi trường vẫn còn quá nhiều bất cập?! 

 

Mức phạt cao nhưng chưa có tính răn đe

 

Theo thông kê của Bộ Tư pháp, hiện chúng ta đã ban hành khoảng hơn 300 văn bản liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường. Đây là con số không ít nhưng công tác bảo vệ môi trường vẫn rối như canh hẹ, nhiều vi phạm vẫn không biết dựa vào văn bản nào để xử lý cho thấu tình đạt lý. Nhiều nhưng vẫn thiếu đang là một thực trạng của hệ thống văn bản pháp luật về môi trường. Cụ thể như: chúng ta còn thiếu quy định về kiểm toán môi trường; quy định chi tiết chế độ bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại môi trường... Ngoài ra một loạt các chính sách mang tính khuyến khích bảo vệ môi trường cũng chưa có như: chính sách khuyến khích phát triển ngành công nghiệp môi trường, xã hội hóa bảo vệ môi trường; khuyến khích sử dụng các sản phẩm dán nhãn sinh thái...

 

Đặc biệt, vấn đề bồi thường do gây ô nhiễm môi trường cũng không được quy định cụ thể trong bất kỳ một văn bản nào, gây khó khăn khi thực hiện. Trong khi đó, hình thức xử phạt với các tội danh gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cũng chưa có tính răn đe cao. Điển hình như vụ vi phạm pháp luật về môi trường của Công ty Vedan (Đồng Nai), Công ty cổ phần Giấy Việt Trì... làm ảnh hưởng đến đời sống lâu dài của người dân nhưng cuối cùng Vedan chỉ nộp 267,5 tỷ đồng tiền phạt vi phạm hành chính và nộp truy thu tiền phí bảo vệ môi trường là hơn 127,2 tỷ đồng; Công ty cổ phần Giấy Việt Trì chỉ bị truy thu trên 1 tỷ đồng... chứ không hề bị xử lý hình sự.

 

Từ thực tế này, nhiều chuyên gia môi trường và các tổ chức nghiên cứu và bảo vệ môi trường trong nước và quốc tế đã cho rằng, khái niệm về tội phạm môi trường vẫn chưa được luật hóa tại Việt Nam. Và khuyến cáo được đưa ra là: không thể chỉ lấy giáo dục, phòng ngừa, hay phạt hành chính, truy thu bồi thường mà cần tính đến yếu tố hình sự hóa tội phạm môi trường, nếu không nhiều trường hợp phạm tội nghiêm trọng sẽ lọt lưới... Theo TS Phạm Văn Lợi - Viện trưởng Viện Khoa học Quản lý môi trường, Tổng cục Môi trường: chúng ta cần phải nhanh chóng thiết lập chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong Bộ luật Hình sự, làm thế nào để các tổ chức, doanh nghiệp vi phạm pháp luật môi trường với mức độ nặng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

Mặt khác, nhiều ý kiến cho rằng, phòng chống, ngăn ngừa và xử lý tình trạng này phải được thực hiện bằng nhiều biện pháp đồng bộ, từ nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, đến trao quyền năng nhiều hơn cho các cơ quan quản lý... nhưng giải pháp quan trọng hàng đầu là phải hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về môi trường, khắc phục nhanh sự chồng chéo, thiếu đồng bộ như hiện nay.

 

 

Theo Báo điện tử ĐBND

Tệp đính kèm