Cập nhật: 25/04/2011 16:01:04 Article Rating
Xem cỡ chữ

Những năm gần đây, khi Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế, việc đi lại, giao lưu với các nước trở nên thuận lợi, dễ dàng.

 

Lợi dụng việc này, các tổ chức tội phạm nước ngoài tìm cách móc nối, liên kết các băng, nhóm, tổ chức tội phạm trong nước thiết lập các đường dây mua bán người (nhất là phụ nữ và trẻ em gái) xuyên quốc gia. Mặc dù các lực lượng chức năng đã triệt phá nhiều đường dây, nhiều ổ buôn người, nhưng các vụ phạm tội vẫn gia tăng.

 

Theo thống kê của cơ quan chức năng, mười năm gần đây, cả nước đã phát hiện, điều tra hơn 2.000 vụ mua, bán người với hơn 3.600 đối tượng phạm tội và số nạn nhân lên tới hơn 7.000 người (nam giới chiếm 2,1% và nữ là 97%). Ðáng chú ý là số vụ phạm tội mua, bán người năm sau cao hơn năm trước và thủ đoạn cũng ngày càng tinh vi hơn.

 

Ðáng chú ý thủ phạm mua, bán người chính là số đối tượng người Việt Nam chủ yếu không nghề, buôn bán tự do thường qua lại biên giới, có mối quan hệ quen biết với những đối tượng kinh doanh tình dục ở nước ngoài; các đối tượng có tiền án, tiền sự, chủ chứa mại dâm hoặc môi giới mại dâm, chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ như mát-xa, nhà hàng...  Nghiêm trọng hơn, có đối tượng trước đây đã là nạn nhân bị mua, bán, khi về nước lại trở thành kẻ chủ mưu dụ dỗ, mua bán phụ nữ, trẻ em. Ngoài ra,  một số cán bộ, nhân viên thoái hóa biến chất lợi dụng lĩnh vực công tác được giao đã móc nối với đối tượng ngoài xã hội, thu gom trẻ em, làm giả giấy tờ nhằm hợp pháp hóa việc chuyển giao trẻ em cho người nước ngoài nhận làm con nuôi (xảy ra ở các tỉnh Nam Ðịnh, Vũng Tàu, Ðồng Tháp).

 

Ðối tượng phạm tội mua, bán phụ nữ, trẻ em thường dùng thủ đoạn tìm các cô gái trẻ có hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có việc làm, ở các vùng nông thôn, hoặc thông qua gia đình, người quen của họ để dụ dỗ, hứa hẹn, giúp đỡ tìm việc làm ở thành phố hoặc ở nước ngoài có thu nhập cao để đưa họ lên biên giới, từ đó bán ra nước ngoài. Hoặc làm quen trên mạng in-tơ-nét, nhất là các em học sinh, sinh viên rồi gặp gỡ, giả vờ yêu đương, rủ lên biên giới mua hàng và lừa bán ra nước ngoài. Có đối tượng lại tìm đến các vũ trường, tiệm hớt tóc, gội đầu làm quen với các cô gái, tán tỉnh, nói là sẽ tạo điều kiện cho các em ra nước ngoài làm việc nhẹ nhàng, lương cao. Các em không có tiền để đi thì chúng nói sẽ cho họ vay, khi nào làm được tiền thì trả. Sau đó, chúng lo toàn bộ hộ chiếu, giấy tờ cần thiết, khi sang đến nước ngoài, chúng bán trao tay ngay các cô gái cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ để bóc lột tình dục hoặc sức lao động (giá 3.000 - 4.000 USD/người) rồi chuồn về nước.

 

Khi tiếp xúc với phụ nữ hay người trong gia đình của người bị hại, chúng thường nói tên và địa chỉ giả. Việc gặp gỡ thường ở quán cà-phê, hay một nơi công cộng nào đó, nên nhiều phụ nữ bị hại không biết chúng là ai, ở đâu, cơ quan công an  rất khó trong việc truy tìm đối tượng.

 

Mặt khác, những kẻ mua, bán người thường lợi dụng chính sách thông thoáng trong công tác quản lý xuất, nhập cảnh và địa hình, địa bàn biên giới nhiều đường mòn, sông, suối, mối quan hệ, giao lưu thân thuộc giữa nhân dân hai bên biên giới để dụ dỗ, lừa gạt, đưa các nạn nhân qua biên giới để bán. Hoặc lợi dụng những sơ hở, hạn chế trong công tác quản lý của Nhà nước về cho, nhận con nuôi và kết hôn có yếu tố nước ngoài để thu gom trẻ em, làm giả hồ sơ, giấy tờ cho trẻ em làm con nuôi người nước ngoài hoặc môi giới kết hôn bất hợp pháp để thực hiện việc mua, bán phụ nữ, trẻ em.

 

Quá trình đấu tranh, triệt phá tội phạm mua, bán người của cơ quan chức năng cho thấy, đường dây đưa phụ nữ ra nước ngoài thường do băng nhóm tội phạm liên quốc gia thực hiện. Bọn chúng có nhiều mắt xích ở cả trong nước và ngoài nước. Ðể bảo đảm tính chuyên sâu và bí mật thì mỗi mắt xích làm một chức năng, người làm ở khâu nào thì chỉ biết ở khâu đó như: có tên chuyên tuyển mộ người, có nhóm chuyên vận chuyển, làm giấy tờ giả,  đưa người ra nước ngoài để bán và có những tên chuyên mua người  để phân phối cho các ổ mại dâm ở nước ngoài. Nạn nhân là nam giới bị bán ra nước ngoài phải  vào những nơi làm việc vất vả, nặng nhọc, độc hại, thu nhập thấp. Hầu hết các nạn nhân ở nước ngoài bị chủ sử dụng quản lý rất chặt chẽ, không cho đi ra ngoài, không cho gọi điện thoại, giấy tờ tùy thân thì bị chủ giữ. Họ bị bóc lột tình dục hoặc sức lao động rất dã man. Một số không chịu nổi đã bỏ trốn, khi bị bắt lại thì họ bị đánh đập, hành hạ tàn bạo hơn.

 

Nhiều năm qua, lực lượng Công an và Bộ đội Biên phòng đã phối hợp làm tốt công tác hợp tác quốc tế với cảnh sát các nước trong phối hợp đấu tranh, giải cứu nạn nhân. Năm 2008, lực lượng Công an và Bộ đội Biên phòng đã phối hợp cảnh sát các nước giải cứu 223 nạn nhân của các vụ  mua, bán người, phối hợp các ngành có liên quan tổ chức tiếp nhận 412 phụ nữ, trẻ em gái  bị mua, bán trở về. Riêng Quảng Ninh giải cứu 27 nạn nhân, trong đó có sáu trẻ sơ sinh, tiếp nhận 20 nạn nhân bị mua bán do phía Trung Quốc trao trả.

 

Thực tế cho thấy, có rất nhiều phụ nữ, trẻ em gái và một số nam giới nhẹ dạ đã mắc mưu những kẻ mua, bán người. Tình hình trên cho thấy, chúng ta cần làm tốt công tác phòng ngừa xã hội. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng hoặc tuyên truyền trực tiếp qua các buổi họp tổ dân phố, cụm dân cư... ở địa bàn để thông báo về các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua, bán người để quần chúng nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác không mắc mưu bọn tội phạm. Ðồng thời, tuyên truyền, tư vấn, giải thích giúp nhân dân hiểu các chính sách, pháp luật về phòng, chống mua, bán người, chính sách tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua, bán trở về để họ sớm hòa nhập cộng đồng. Tại cộng đồng, các tổ dân phố, dân phòng, tổ hòa giải, thanh niên xung kích cần tích cực vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia phòng, chống mua, bán người và cảm hóa giáo dục các đối tượng phạm tội, phát hiện các đối tượng nghi vấn có hành vi dụ dỗ, lừa gạt phụ nữ, trẻ em gái; hỗ trợ, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, dễ bị bọn tội phạm lợi dụng; tổ chức thường xuyên việc tiếp dân, xây dựng hộp thư tố giác tội phạm, đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý kịp thời các thông tin về tội phạm mua, bán người.

 

Phó Tổng cục trưởng Cảnh sát phòng, chống tội phạm, Cục trưởng Cảnh sát hình sự Thiếu tướng Ðỗ Kim Tuyến cho biết: Ðối với loại tội phạm mua, bán người, cần sử dụng tổng hợp các biện pháp nghiệp vụ, pháp luật, khoa học-kỹ thuật để phát hiện, điều tra các vụ phạm tội. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan điều tra với các đơn vị khác trong lực lượng công an, giữa ngành Công an với Bộ đội Biên phòng, các ngành có liên quan trong công tác điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ, bắt giữ kẻ phạm tội, giải cứu nạn nhân bị mua, bán. Ðối với các vụ án mua, bán người có tính chất nghiêm trọng, liên quan nhiều địa phương hoặc có yếu tố nước ngoài thì cơ quan điều tra cần tiến hành xác lập chuyên án đấu tranh phối hợp chặt chẽ  Viện Kiểm sát, Tòa án, xác định các vụ trọng điểm để tập trung chỉ đạo điều tra, thống nhất đường lối xử lý vụ án theo đúng pháp luật và xử lý nghiêm  các vụ án mua, bán người, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu trong các đường dây, tổ chức. Kiên quyết không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.

 

 

Theo Nhandan Online

 

Tệp đính kèm