Một trong những điểm mới của Luật là người được THA có trách nhiệm xác minh điều kiện THA.
Án tồn do ý thức chấp hành pháp luật!
Tại hội nghị sơ kết công tác thi hành án dân sự (THADS) sáu tháng đầu năm 2011, số liệu đưa ra khiến không ít người “giật mình” là số lượng án tồn không nhỏ. Đáng nói, cả nước còn đến 31.228 việc kéo dài từ 10 năm trở lên, 66.453 tồn từ 5 năm đến 10 năm và 202.322 việc tồn dưới 5 năm chưa thi hành được, kéo theo hàng loạt hệ lụy khác nhau.
Tổng cục THADS xác định có nhiều nguyên nhân. Về chủ quan, vẫn còn không ít cán bộ, chấp hành viên năng lực hạn chế, thiếu tinh thần trách nhiệm, việc quản lý, chỉ đạo, điều hành công tác THADS nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức, còn buông lỏng quản lý… Bên cạnh đó, thường cuối năm các Tòa mới tăng cường xét xử để hoàn thành nhiệm vụ rồi chuyển bản án sang cơ quan THADS khiến cơ quan này không thể tổ chức thi hành kịp do số lượng tăng đột biến. Cũng không ít vụ án tồn do Tòa tuyên không rõ ràng, không có tính khả thi, nhưng khi được đề nghị giải thích, đính chính lại thì chậm trả lời, dẫn đến kéo dài thời gian THA.
Nhiều vụ việc án tồn cũng do có ý kiến khác nhau giữa các ngành và chính quyền địa phương, nhất là các vụ bị hoãn, tạm đình chỉ theo ý kiến của VKS, Tòa án. Đặc biệt, nhiều việc mà bên phải THA là cơ quan Nhà nước không tự nguyện thi hành, mà luật lại chưa có cơ chế hữu hiệu buộc các cơ quan này phải thi hành án… Ngoài ra, một nguyên nhân nổi lên nữa là ý thức chấp hành pháp luật của người phải THA chưa tốt, nhiều người chây ỳ, chống đối, cản trở việc THA vì không đồng ý với quyết định của bản án.
Vướng vì luật thiếu cụ thể!
Luật THADS ra đời được đánh giá là công cụ hữu hiệu để gỡ khó và giải quyết án tồn. Tuy nhiên, sau một thời gian thi hành, Luật này đang bộc lộ nhiều bất cập cần tháo gỡ. Một trong những điểm mới của Luật là người được THA có trách nhiệm xác minh điều kiện THA. Trong đơn yêu cầu thi hành án phải có “thông tin về tài sản hoặc điều kiện THA của người phải THA”, trường hợp đơn yêu cầu THA không có đầy đủ các nội dung qui định và người được THA không yêu cầu xác minh thì cơ quan THA thông báo để đương sự bổ sung nội dung đơn yêu cầu trước khi ra quyết định THA. Tuy nhiên, qui định này chưa cụ thể về biện pháp xử lý trong trường hợp đã hướng dẫn nhưng người được THA vẫn không cung cấp thông tin hoặc không yêu cầu chấp hành viên xác minh tài sản.
Điều 39 Luật THADS qui định chi phí thông báo do người phải THA chịu, trừ trường hợp luật qui định ngân sách chi trả hoặc người được THA chịu. Tuy nhiên, Luật THADS và các văn bản hướng dẫn lại chưa qui định cụ thể về từng loại chi phí thông báo nào do người phải THA, người được THA hay ngân sách chi trả, khiến các cơ quan THADS lúng túng. Hay chi phí xác minh điều kiện THA trong trường hợp người được THA chịu cũng chưa qui định cụ thể nội dung, mức chịu, thủ tục thu, nộp khoản này... Ngay cả việc bảo đảm quyền ưu tiên mua tài sản chung theo điều 74 Luật THADS cũng có bất cập vì luật và các văn bản hướng dẫn không qui định điều kiện bán tài sản, giá bán tài sản chung, cách thức thực hiện quyền ưu tiên mua tài sản chung.
Luật THADS qui định trường hợp đương sự thỏa thuận để người được THA nhận tài sản đã kê biên trừ vào số tiền được THA thì chấp hành viên lập biên bản về việc thỏa thuận và việc giao tài sản này được tiến hành trong năm ngày làm việc, kể từ ngày có thỏa thuận. Như vậy việc giao tài sản phải có sự thỏa thuận của đương sự nhưng qui định về xử lý tài sản bán đấu giá không thành lại qui định “trường hợp giá tài sản đã giảm thấp hơn chi phí cưỡng chế mà người được THA không nhận tài sản để trừ vào số tiền được THA thì tài sản được trả lại cho người phải THA”. Trường hợp này lại không qui định rõ là có cần thỏa thuận của các bên đương sự hay không, hay chỉ cần người được THA đồng ý là cơ quan THA thực hiện giao tài sản cho người đó để khấu trừ tiền THA? Do vậy, trường hợp này chưa có cơ sở pháp lý để giao tài sản đó cho người được THA.
Ngay cách tính lãi suất chậm THA cũng có bất cập do Luật THADS không qui định lãi phát sinh do chậm THA, nhưng đây lại là một nghĩa vụ dân sự theo Bộ luật Dân sự 2005. Thực tế nhiều bản án, quyết định trước thời điểm Bộ luật Dân sự 2005 có hiệu lực có tuyên lãi chậm THA theo mức “lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng Nhà nước qui định” nhưng đến nay chưa thi hành xong, thì việc tính lãi theo mức mới hay vẫn phải thi hành đúng nội dung bản án?
Những bất cập trên đã được Tổng Cục THADS thống kê và đề xuất sửa đổi các Bộ luật Dân sự, Hình sự, Tố tụng Hình sự, Luật Đất đai, Nhà ở… để tạo cơ sở thống nhất, đồng bộ, tạo thuận lợi cho công tác THADS.
Theo Báo điện tử PL&XH