Cập nhật: 17/07/2011 17:58:04 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ngày 30.11.2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1987/QĐ – TTg phê duyệt Đề án Triển khai thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật (Đề án 1987). Sau gần hai năm triển khai đề án, nhiều vấn đề đã nảy sinh, cần thiết phải xây dựng một nghị định về theo dõi thi hành pháp luật.

 

Phân việc nhưng không giao người

 

Đề án 1987 đã đưa ra phương án thành lập thí điểm đơn vị hoặc bộ phận chuyên trách thực hiện nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật ở tổ chức pháp chế 6 Bộ và Sở Tư pháp 6 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cụ thể, ở Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương thành lập Phòng theo dõi thi hành pháp luật trong Vụ pháp chế. Các Bộ NN và PTNT, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế thành lập tổ chuyên trách thực hiện nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật tại Vụ pháp chế.

 

Ở các địa phương, theo Thông tư số 01/2009/TTLT-BTP-BNV ngày 28.4.2009 của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc UBND thì các Sở Tư pháp được thành lập không quá 5 phòng nghiệp vụ đối với các tỉnh và không quá 7 phòng nghiệp vụ đối với TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Do vậy, hầu hết địa phương được lựa chọn thí điểm, bao gồm Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh, Nghệ An đã thành lập ghép với các phòng chuyên môn theo các mô hình khác nhau. Cụ thể, ở Hà Nội, bộ phận theo dõi thi hành pháp luật nằm trong Phòng kiểm tra và thi hành văn bản quy phạm pháp luật; TP Hồ Chí Minh bộ phận này nằm trong Phòng Kiểm tra văn bản; Đà Nẵng thì công tác theo dõi thi hành pháp luật lại thuộc về Phòng Phổ biến, giáo dục và theo dõi thi hành văn bản quy phạm… Trong khi đó, theo dõi thi hành pháp luật là một nhiệm vụ mới, phạm vi rộng, để triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả thì cần sắp xếp và bố trí bộ máy tổ chức làm công tác thi hành pháp luật đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng và tính chuyên nghiệp trong thực thi nhiệm vụ. Tuy nhiên, có một thực tế là hầu hết các cơ quan chuyên môn không được bố trí cán bộ làm công tác này vì thiếu biên chế, hoặc có biên chế nhưng không tìm được cán bộ thích hợp, đủ tiêu chuẩn.

 

Thực tế, biên chế hành chính được giao hàng năm do Bộ Nội vụ quản lý, giao cho UBND cấp tỉnh và mặc dù đề án 1978 quy định thí điểm thành lập Phòng theo dõi thi hành pháp luật tại Sở Tư pháp và bố trí cán bộ chuyên trách nhưng lại không quy định phải bổ sung biên chế, nguồn biên chế bổ sung từ đâu. Đơn cử như ở Hà Nội, hiện có 19/20 cơ quan chuyên môn thành lập bộ phận pháp chế, hoặc bố trí cán bộ làm công tác pháp chế với tổng số cán bộ 64 người, trong đó 14 cán bộ chuyên trách, còn lại là kiêm nhiệm. Đối với các quận, huyện, thị xã nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật được giao cho Phòng tư pháp. Trong bối cảnh đó, cán bộ theo dõi thi hành pháp luật tuy đã được chuẩn hóa bằng chuyên ngành luật song kiến thức chuyên ngành thì chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc. Có thể thấy sự không thống nhất ở các bộ và địa phương trong bức tranh tổng thể về công tác theo dõi thi hành pháp luật. Ở các nơi không thành lập Phòng chuyên trách trong Vụ Pháp chế và Sở Tư pháp hoặc phải thành lập với một đơn vị khác, việc triển khai thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật chịu sự chi phối bởi các nhiệm vụ khác. Điều này, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả công tác theo dõi thực thi pháp luật.

 

Nên định lượng những tiêu chí theo dõi thi hành pháp luật

 

Theo Thông tư số 03/2010/TT- BTP về Hướng dẫn thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật thì có 5 tiêu chí để đánh giá công tác thi hành pháp luật, đó là: Tình hình ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành; Mức độ tuân thủ pháp luật; Hiệu quả của công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật; Tính hợp lý của các quy định pháp luật; Các biện pháp tổ chức thi hành và điều kiện bảo đảm cho việc thi hành pháp luật.

 

Xung quanh tính hợp lý của các tiêu chí này còn có nhiều ý kiến không thống nhất. Cụ thể, tiêu chí tình hình ban hành các văn bản dễ đánh giá hơn cả trong 5 tiêu chí, người đánh giá có thể sử dụng phương pháp thứ cấp - tức là nghiên cứu tài liệu có sẵn. Tuy nhiên, tiêu chí này chỉ dùng để đánh giá các văn bản theo từng lĩnh vực hoặc đối với từng văn bản chứ không thể báo cáo theo từng năm. Bởi, để ban hành một văn bản hướng dẫn thi hành (chẳng hạn như Nghị định thì đã phải mất một năm). Tiêu chí thứ 2, 3, 4 đều là những tiêu chí định tính, do vậy rất khó để có được một kết quả chính xác. Mặc khác, để có thể đánh giá được các nội dung này cần phải sử dụng phương pháp xã hội học là điều tra, khảo sát… tức là sử dụng phiếu hỏi, phiếu phỏng vấn sâu. Việc sử dụng các phương pháp này đòi hỏi chuyên môn của các nhà xã hội học, không phù hợp với những người làm công tác pháp chế.

 

Để có kết quả đánh giá các tiêu chí trên có thể thuê một tổ chức đánh giá độc lập. Nên giao chức năng này cho một Viện nghiên cứu mà không giao cho cơ quan quản lý nhà nước. Chẳng hạn, đối với tiêu chí thứ 2, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân thì cần phải có các tiêu chí cụ thể, rõ ràng, xác định cụ thể về phạm vi, đối tượng đánh giá như: đánh giá mức độ tuân thủ của các cơ quan nhà nước, công chức thi hành công vụ và cá nhân, tổ chức khác; các quy định của pháp luật không được tuân thủ hoặc mức độ tuân thủ không cao trên thực tế. Hay, đối với tiêu chí đánh giá tính hợp lý của các quy định pháp luật thì sự đánh giá ở đây chính là sự tác động trực tiếp của các văn bản đối với đối tượng bị tác động cũng như sự hợp hiến, hợp pháp, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành. Từ thực tế này, nhiều ý kiến đưa ra là nên xây dựng những tiêu chí mang tính định lượng, phù hợp với công tác theo dõi thi hành pháp luật hơn là những tiêu chí mang tính định tính.

 

Thiết nghĩ, để công tác theo dõi thực thi pháp luật trở thành một công việc có tính chuyên sâu, đạt được sự chuyên nghiệp, hiệu quả thì vấn đề con người, tiêu chí theo dõi thực thi pháp luật cần phải được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng trong quá trình xây dựng Nghị định về theo dõi thi hành pháp luật.

 

 

 

Theo Nguyễn Minh/Báo Điện tử ĐBND

 

Tệp đính kèm