Cập nhật: 19/07/2011 16:18:45 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011 đã được Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội cho ý kiến, Chính phủ đề nghị bổ sung 7 dự án, trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến thủ tục hành chính; Pháp lệnh Sửa đổi, bổ sung các pháp lệnh liên quan đến thủ tục hành chính; Luật Phòng, chống rửa tiền.

Đặc biệt, UBTV Quốc hội cũng bổ sung vào chương trình Nghị quyết thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Việc sửa đổi Hiến pháp trên cơ sở tiếp tục khẳng định bản chất và mô hình tổng thể của thể chế chính trị và bộ máy nhà nước đã được xác định trong Cương lĩnh năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 1992. Đó là, Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

 

Trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012, Chính phủ đề nghị xem xét tổng số 52 dự án (47 dự án luật, 5 dự án pháp lệnh), trong đó có 33 dự án thuộc chương trình chính thức và 19 dự án thuộc chương trình chuẩn bị. Tại kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khoá XIII (dự kiến tháng 5/2012), Chính phủ đề nghị Quốc hội thông qua 11 dự án luật, trong đó có Luật Giám định tư pháp. Ngoài ra, một trong các dự luật cũng được đề nghị xem xét năm 2012 là Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự.

 

Đối với dự án Luật Giám định tư pháp, đây là dự luật có liên quan chặt chẽ đến các hoạt động tố tụng của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, hiện đang được Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Viện KSND tối cao, TAND tối cao phối hợp soạn thảo. Việc ban hành luật này góp phần bảo đảm công lý, công bằng xã hội, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp bảo đảm đáp ứng yêu cầu của tổ chức, cá nhân, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

 

Lĩnh vực điều tra hình sự sẽ sớm có luật điều chỉnh (thay Pháp lệnh hiện hành). 

 

Dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự được nâng cấp trên cơ sở Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự hiện hành. Trong quá trình cải cách tư pháp, tổ chức và hoạt động của cơ quan điều tra hình sự từng bước được đổi mới. Vấn đề đặt ra là tiếp tục củng cố, kiện toàn, đổi mới về quy mô và chất lượng cơ quan điều tra hình sự, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan điều tra nhằm tạo sức mạnh tổng hợp, thống nhất, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, đòi hỏi phải có đạo luật riêng về lĩnh vực này.

 

Về Luật Công an nhân dân (CAND), tới nay đã có hiệu lực thi hành 5 năm. Trong xu thế mới, Bộ Công an cho rằng, cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều trong Luật CAND cho phù hợp với thực tiễn theo hướng tiếp tục cụ thể hóa Cương lĩnh, Chiến lược mới của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI vào luật.

 

Quán triệt các nguyên tắc trong sửa đổi Luật CAND, đó là: CAND là lực lượng vũ trang, nòng cốt trong đấu tranh bảo vệ an ninh - trật tự, thống nhất lãnh đạo chỉ huy từ Bộ đến địa phương. Chú ý điều kiện đảm bảo thực hiện chức năng, nhiệm vụ của CAND và huy động sức mạnh của các cấp, các ngành trong công tác giữ gìn an ninh - trật tự

 

 

Theo Phan Đăng/CAND Online

Tệp đính kèm