Cập nhật: 21/12/2011 16:02:05 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ngoài Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm chủ đạo thì còn khoảng 10 bộ, ngành liên quan cùng nhiều tổ chức chính trị - xã hội… tham gia công tác bảo vệ trẻ em.

Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy là thiếu sự kết dính liên ngành trong công tác này; ở đây chưa hẳn là các bên không tìm được tiếng nói chung mà tiếng nói chung đó chưa cất lên được cùng thời điểm.

Chỉ dừng lại ở vụ việc

 

Thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử cho thấy các vụ án có bị hại là trẻ em ngày càng gia tăng, chủ yếu tập trung vào các tội giết người, cố ý gây thương tích, tội hành hạ người khác; hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu với trẻ em, dâm ô đối với trẻ em; mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em; cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản; bức tử; tội loạn luân; tội ngược đãi hoặc hành hạ con, cháu… Hậu quả gây ra là rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần và thể chất của trẻ em và có nhiều hệ lụy rất đau lòng, làm cho các em bị rối loạn nhân cách, sang chấn tâm lý, mất niềm tin vào cuộc sống, thậm chí có trường hợp đã tự sát.

 

Theo số liệu của Cục Thống kê tội phạm, Viện KSNDTC trong các năm từ năm 2007 - 6 tháng đầu năm 2011, chỉ tính riêng nhóm tội xâm hại tình dục trẻ em và mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố điều tra 5.502 vụ; bao gồm: 2.871 vụ hiếp dâm trẻ em, 14 vụ cưỡng dâm trẻ em, 1.677 vụ giao cấu với trẻ em, 697 vụ dâm ô đối với trẻ em và 243 vụ mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em… Trong số các vụ án đã xảy ra có một số vụ mang tính chất bạo hành trẻ em với mức độ vô cùng dã man, tàn bạo, gây căm phẫn xã hội khi thủ phạm lại là chính người thân của trẻ em gây ra. Điển hình là các vụ cháu Nguyễn Anh Hào ở Cà Mau, bé Nguyễn Như Ý ở Đồng Tháp, bé Nguyễn Thị Ngân ở Đồng Nai… Bên cạnh đó, tình trạng bóc lột sức lao động đối với trẻ em giúp việc trong các gia đình, trẻ em phải lao động sớm trong các cơ sở sản xuất may mặc, thủ công, nhà hàng, quán bar… cũng có chiều hướng gia tăng và đang diễn ra ở nhiều nơi được ngụy trang bằng hình thức nhận làm người nhà, con cháu họ hàng… tại khu vực thành thị chưa được các ngành chức năng quản lý. Có thể nói đây là khoảng trống trong quản lý và khoảng trống này đang có xu hướng phát triển khi tình trạng di dân tự do do nhu cầu tìm kiếm việc làm ở các thành phố lớn tăng cao.

 

Đánh giá công tác phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng trẻ em bị tổn thương, bị bạo lực, xâm hại, Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng QH Đào Trọng Thi cho rằng, công tác này chưa được các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương chú trọng đúng mức và chưa hướng tới các nhóm trẻ em có nguy cơ cao; hoạt động bảo vệ trẻ em mới chỉ tập trung vào việc xử lý tình huống và giải quyết khi có vụ việc xảy ra.

 

Kết dính liên ngành bằng trách nhiệm cụ thể

 

Trước thực trạng này, thiết nghĩ các bộ, ngành liên quan sớm rà soát, sửa đổi, bổ sung, nhằm làm hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL và các văn bản hướng dẫn liên quan lĩnh vực phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, tạo cơ sở pháp lý cần thiết cho việc triển khai, thực hiện nhiệm của các ngành TƯ, chính quyền địa phương trong lĩnh vực này; đồng thời đưa mục tiêu bảo vệ trẻ em vào Chiến lược phát triển ngành đến năm 2015 và Kế hoạch phát triển KT-XH địa phương giai đoạn 2011 – 2020. Đại diện Việån KSNDTC nhấn mạnh, liên ngành tư pháp cần nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật tố tụng hình sự liên quan đến người bị hại là trẻ em; thống nhất đưa ra bộ chỉ số thống kê các vụ việc trẻ em bị xâm hại phục vụ công tác đấu tranh phòng chống tội phạm cũng như dự báo tình hình nhằm đưa ra các giải pháp phòng ngừa, bảo vệ trẻ em, đặc biệt với nhóm trẻ có nguy cơ bị xâm hại cao.

 

Từ góc độ của cơ quan nắm giữ vị trí chủ đạo trong hoạt động này, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ Chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chia sẻ, xây dựng và phát triển các chương trình, kế hoạch bảo vệ trẻ em một cách phân tán, chủ yếu dựa trên chức năng nhiệm vụ của từng bộ, ngành sang thực hiện một chương trình quốc gia tổng thể; trong đó phân rõ vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan đầu mối điều phối, cụ thể chức năng, trách nhiệm, quyền hạn của từng ngành, từng cấp, từng cơ quan và vị trí công tác.

 

Phó đại diện UNICEF Việt Nam Jean Dupraz cho rằng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần được giao trách nhiệm toàn diện về dịch vụ bảo vệ và hệ thống phúc lợi trẻ em và gia đình, gồm các dịch vụ do các cơ quan khác thực hiện đồng thời phối hợp với các cơ quan khác khi cần thiết, nhưng phải chịu trách nhiệm chính. Bên cạnh đó, cơ chế và trình tự phối hợp cần được lồng ghép để tất cả các bên liên quan có thể hiểu rõ quy trình can thiệp theo hệ thống bao gồm việc xác định rõ vai trò và trách nhiệm của các bên liên quan. Với sự gợi ý này, có thể thấy rằng, vai trò của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vớái tư cách là nhạc trưởng, chịu trách nhiệm chính và phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức đoàn thể liên quan thực hiện công tác bảo vệ trẻ em.

 

Ngoài ra, có thực tế khác cần phải lưu ý: khi các nguồn hỗ trợ từ nước ngoài (ODA…) bị giảm dần thì nên tận dụng lợi thế của các tổ chức xã hội – dân sự; lựa chọn những vấn đề cần nhất đối với trẻ em để tập trung giải quyết như nhóm trẻ em có nguy cơ xâm hại, bóc lột và sao nhãng; trẻ em bị tước quyền được cha mẹ chăm sóc; trẻ em phải chứng kiến bạo lực…Bên cạnh sự nỗ lực của các bộ, ngành…; các thiết chế pháp luật thì cần khẳng định hơn nữa vai trò của gia đình. Bởi, rất nhiều bậc cha, mẹ, người chăm sóc trẻ còn thiếu kiến thức pháp luật về quyền của trẻ em, đặc biệt là quyền được bảo vệ và kỹ năng bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Ở khía cạnh này, vai trò của giáo dục rất quan trọng, đặc biệt là giáo dục kỹ năng sống, tự bảo vệ mình, rèn luyện tính tự chủ, sự ứng xử trong các tình huống, hoàn cảnh không giống nhau.

 

 

 

Theo Nguyễn Minh Hương / Báo điện tử ĐBND

 

Tệp đính kèm