Cập nhật: 06/01/2012 15:20:47 Article Rating
Xem cỡ chữ

Càng cận kề Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012, tình hình buôn lậu qua các cửa khẩu biên giới càng gia tăng và phức tạp, số lượng hàng lậu chảy vào nội địa bị lực lượng chức năng phát hiện trong thời điểm này là khá lớn. Vì vậy, lực lượng chức năng đang dốc toàn lực để kiểm tra, kiểm soát thị trường.

"Nóng" cả ngày lẫn đêm

 

Thống kê của Ban chỉ đạo 127 Trung ương, từ đầu tháng 12 đến nay trung bình mỗi ngày lực lượng chức năng bắt giữ hàng chục vụ buôn lậu lớn, nhỏ với đủ các loại hàng hóa phục vụ Tết, nổi bật nhất là các mặt hàng rượu, bia, bánh kẹo, thuốc lá, quần áo, điện thoại di động… trong đó nhiều vụ có giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng. Không những thế, các lực lượng chức năng còn mới phát hiện 7 xe tải chở hàng nhập lậu từ biên giới về có trị giá gần 10 tỷ đồng, chủ yếu là các loại hàng gia dụng phục vụ Tết.

 

Trong số lượng hàng lớn đã thẩm lậu qua biên giới, lực lượng chức năng chỉ bắt giữ được trên địa bàn cách cửa khẩu 200 km. Điều này chứng tỏ sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng địa phương và các lực lượng kiểm soát, kiểm tra tại các đường biên chưa thực sự đạt hiệu quả cao.

 

Ông Nguyễn Hùng Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Phụ trách thường trực Ban chỉ đạo 127/TW cho biết, mặc dù đạt được nhiều kết quả khả quan, nhưng công tác đấu tranh vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập như: chưa đấu tranh và phát hiện xử lý nhiều đường dây, ổ nhóm có quy mô lớn, mới xử lý trên khâu lưu thông; chưa đề xuất được các giải pháp xử lý một cách bài bản, mang tính chiến lược.

 

Sự phối hợp giữa các ngành chức năng chưa thật chặt chẽ, mang tính cục bộ của từng lực lượng, từng địa phương, thậm chí còn chồng chéo. Bên cạnh đó, các thủ đoạn buôn lậu lại thường sử dụng là chia nhỏ hàng vận chuyển từ biên giới về khu vực tập kết, rồi tiếp tục vận chuyển đến các địa phương. Ngoài ra, các đối tượng buôn lậu còn lợi dụng chính sách miễn giảm thuế đối với cư dân biên giới để thu gom hàng hóa, hợp thức hóa hàng nhập lậu. Phương thức, thủ đoạn thường là quay vòng hóa đơn chứng từ; mua bán hóa đơn để hợp thức hóa hàng nhập lậu, gian lận trong việc kê khai giá trên hóa đơn bán hàng để giảm thuế giá trị gia tăng, không xuất hóa đơn chứng từ; vận chuyển hàng lậu để trốn thuế.

 

Điển hình nhất là mặt hàng đường cát Thái Lan, các đầu nậu thường thay đổi xuất xứ cho đường Thái thành đường Việt Nam. Đối với khu vực phía Nam như An Giang, Long An, Đồng Tháp, Tây Ninh... tình trạng buôn lậu vẫn “nóng” cả ngày lẫn đêm. Theo Ban chỉ đạo 127 tỉnh An Giang, trung bình mỗi ngày khoảng 400-500 nghìn bao thuốc lá lậu được vận chuyển qua của khẩu. Mặc dù hàng loạt các vụ buôn lậu thuốc lá đã bị các cơ quan chức năng bắt giữ mỗi ngày, thậm chí có cả những vụ đưa ra xử lý hình sự nhưng các đối tượng vẫn không ngừng vận chuyển bởi nhu cầu tiêu thụ của các thị trường dịp này rất lớn.

 

Cần sự phối hợp đồng bộ

 

Để làm tốt các nhiệm vụ, các lực lượng cần có sự phối hợp chặt chẽ trên từng địa bàn. Đối với thị trường nội địa, tại các địa bàn trọng điểm như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… lực lượng quản lý thị trường phối hợp với công an, phòng quản lý thương mại, cơ quan thuế, quản lý giá, các sở khoa học-công nghệ triển khai kế hoạch kiểm tra việc vận chuyển kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất- kinh doanh hàng giả; hàng kém chất lượng; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kể cả áp dụng các biện pháp mạnh nhất, như rút giấy phép kinh doanh, truy tố trách nhiệm hình sự theo đúng quy định của pháp luật.

 

Trên tuyến đất liền, tuyến biển, lực lượng hải quan, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các đường mòn quanh khu vực biên giới, dọc các tuyến biển, các cửa khẩu chính và phụ, ngăn chặn việc vận chuyển hàng hóa qua 2 bên cánh gà, đường tắt, lối mở…

 

Theo ông Nguyễn Hùng Dũng, không chỉ triển khai các phương án kiểm soát mà còn kịp thời phát hiện các phương thức, thủ đoạn buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, Ban chỉ đạo 127 Trung ương đã thành lập đoàn kiểm tra đặc nhiệm liên ngành kiểm tra tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Quảng Trị, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Long An, Cần Thơ, An Giang. Đây là cơ hội nhằm tạo sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, nâng cao hiệu quả của công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; nâng cao năng lực thực thi cho lực lượng kiểm tra, kiểm soát, tránh tình trạng chồng chéo, tạo thành mạng lưới rộng khắp, nâng cao hiệu quả của công tác này từ Trung ương đến các địa phương.

 

Trong điều kiện kinh tế hội nhập, việc mở rộng quan hệ giao lưu với các nước trong khu vực và trên thế giới là một yếu tố khách quan. Các cửa khẩu, cảng biển quốc tế, khu kinh tế cửa khẩu được nâng cấp và ngày càng sầm uất, nhiều cửa khẩu mới được mở để đáp ứng nhu cầu quan hệ thương mại biên giới.

 

Do đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Trưởng ban chỉ đạo 127 Trung ương yêu cầu chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng ở các tỉnh biên giới có kế hoạch phối hợp với các nước bạn nhằm phối hợp có hiệu quả hơn trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại ở khu vực biên giới. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật đến các hộ kinh doanh và người tiêu dùng. Cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các chế tài xử lý vi phạm để răn đe đối với các hành vi tội phạm nói chung và tội phạm buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới nói riêng cho phù hợp để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ./.

 

 

 

 

Theo Uyên Hương/TTXVN/Vietnam+

Tệp đính kèm