Cập nhật: 13/02/2012 15:22:03 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tính đến ngày 31.3.2011 toàn quốc có 52.019 việc/vụ dân sự không thể thi hành được. Người phải thi hành án là đối tượng lang tháng, cơ nhỡ; không có tài sản để thi hành… là một trong những lý do phổ biến dẫn đến việc dân sự không thể thi hành.

 

Việc ban hành một Nghị quyết của QH về miễn thi hành án không chỉ là mong đợi của ngành tư pháp mà còn là chính nhu cầu của người thi hành án.

 

Khi đương sự không có điều kiện thi hành án

 

Việc thi hành án dân sự tồn đọng thuộc diện chủ động thi hành án là số việc thi hành đã được cơ quan Thi hành án dân sự sử dụng mọi biện pháp thi hành nhưng không có kết quả. Đối với loại việc này, người được thi hành án là Nhà nước, theo quy định, cơ quan Thi hành án chỉ có thể ra quyết định hoãn thi hành án và theo dõi cho đến khi thi hành án xong hoặc cho đến khi đủ điều kiện giảm, miễn thi hành án. Tuy nhiên, do điều kiện miễn, giảm chưa đáp ứng thực tiễn thi hành án nên việc miễn, giảm không hiệu quả, dẫn tới việc thi hành án dân sự tồn đọng không thể thi hành được.

 

Theo thống kê của ngành tư pháp, hiện cả nước có khoảng 34.616 việc mà người phải thi hành án là đối tượng lang thang, cơ nhỡ, không có mặt tại địa phương, không xác định được nơi cư trú mới. Thi hành án dân sự thuộc nhóm đối tượng này gồm 2 loại: thi hành các khoản thu cho ngân sách nhà nước và một phần nhỏ việc thi hành án các khoản thu cho cơ quan, tổ chức và cá nhân. Tuy nhiên, trên thực tế, đối với những khoản thu cho cơ quan, tổ chức và cá nhân, nếu không xác minh được nơi cư trú và tài sản phải thi hành án, thì cơ quan Thi hành án ra quyết định trả đơn yêu cầu thi hành án, nên hầu hết số việc tồn đọng loại này là việc thi hành các khoản thu cho ngân sách nhà nước.

 

Ngoài các trường hợp trên, thì công tác thi hành án hiện đang “vướng” vào trường hợp người phải thi hành án quá nghèo, khánh kiệt không có tài sản để thi hành. Các trường hợp này chủ yếu rơi vào các tội phạm tổ chức hút hoặc vận chuyển ma túy (mức thi hành án trên 20 triệu đồng); các tội phạm về trật tự quản lý kinh tế, tội xâm phạm tài nguyên rừng…

 

Ngoài ra, hiện ngành tư pháp còn chưa tìm được giải pháp giải quyết dứt điểm việc thi hành án dân sự có đơn yêu cầu thi hành án. Cụ thể, trong quá trình tổ chức thi hành án theo đơn yêu cầu, nếu người phải thi hành án không có điều kiện thi hành án, cơ quan Thi hành án sẽ ra quyết định trả lại đơn yêu cầu và xóa sổ thụ lý thi hành án. Do đó, số việc thi hành tồn đọng thuộc loại này không nhiều, chủ yếu tồn đọng một số việc như: bản án, quyết định tuyên không rõ, khó thi hành; có sai lầm nhưng đã hết thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm... Theo thống kê của Bộ Tư pháp hiện số lượng việc tồn đọng dạng này là 1.680 việc/52.019 việc tồn đọng. Đối với loại việc này, cơ quan thi hành án chỉ có thể giải quyết được khi có các quy định hiệu quả để xem xét bản án, quyết định trước khi tổ chức thi hành như: quy định cơ chế xem xét lại bản án, quyết định đã hết thời hạn kháng nghị nhưng có căn cứ rõ ràng xác định có sai lầm và chế tài đủ mạnh để buộc Tòa án phải nâng cao chất lượng xét xử, kịp thời giải đáp những vướng mắc trong nội dung bản án, quyết định tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi hành án. 

 

Nghị quyết miễn thi hành án

 

Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án, Bộ Tư pháp, Nguyễn Văn Luyện cho rằng, để giải quyết dứt điểm án dân sự tồn đọng, cần quyết định từ phía Nhà nước - người được thi hành án có sức mạnh về kinh tế, chính trị thông qua việc ban hành các điều kiện thuận lợi về giảm, miễn thi hành án nhằm “xóa nợ” cho những người phải thi hành các khoản thu cho ngân sách nhà nước nhưng không thể có điều kiện thi hành án.

 

Một trong những giải pháp trước mắt nhằm giải quyết số việc thi hành án dân sự tồn đọng nêu trên là đề nghị QH có Nghị quyết miễn thi hành án. Theo đó, đề nghị QH miễn thi hành án – hay nói cách khác là xóa nợ cho người phải thi hành án thuộc các trường hợp sau: đương sự phải thi hành các khoản thu cho nhà nước nhưng quá nghèo hoặc khánh kiệt; người phải thi hành án là đối tượng lang thang cơ nhỡ. Bên cạnh Nghị quyết miễn thi hành án, Tổng cục thi hành án, Bộ Tư pháp đề nghị QH cho xóa sổ thụ lý lập sổ theo dõi riêng – tương tự việc khoanh nợ của các tổ chức tín dụng. Cụ thể, đề nghị QH xem xét và quyết định cho xóa sổ thụ lý, lập sổ theo dõi riêng trong thời hạn 5 năm đối với 1.680 việc thuộc diện thi án hành theo đơn yêu cầu thi hành án. Hết thời hạn trên, nếu không có quyết định mới của cơ quan có thẩm quyền thi cơ quan Thi hành án dân sự ra quyết định đình chỉ thi hành án. Qua theo dõi công tác thi hành án dân sự cho thấy, số vụ việc trên thuộc các trường hợp: bản án, quyết định có căn cứ xác định có sai sót về nội dung, nhưng đã hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; bản án, quyết định tuyên rõ không rõ, khó thi hành…; bản án, quyết định hình sự tuyên xử lý vật chứng, tài sản nhưng cơ quan điều tra không chuyển giao; bản án, quyết định mà đương sự là người nước ngoài mà quốc gia nơi người đó mang quốc tịch chưa có hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam khiến cho việc ủy nhiệm tư pháp không thể thực hiện được.

 

Tuy nhiên, bên cạnh giải pháp trước mắt nêu trên thì từ thực tiễn thi hành án dân sự cho thấy cần sớm có sự sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án Dân sự ở các quy định về miễn, giảm thi hành án theo hướng mở rộng đối tượng, điều kiện; đồng thời bổ sung quy định về đình chỉ thi hành án dân sự trong trường hợp bản án, quyết định tuyên không rõ, không thể thi hành, cơ quan Thi hành án đã có văn bản đề nghị giải thích 2 lần nhưng không nhận được trả lời của Tòa án có thẩm quyền, hoặc việc trả lời không rõ, dẫn tới bản án, quyết định không thể thi hành được.

 

Theo Nguyễn Minh Hương

Báo Điện Tử ĐBND

Tệp đính kèm