Hơn sáu năm thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người (gọi tắt là Chương trình 130/CP) các bộ, ngành ở T.Ư và UBND các địa phương, các tổ chức, đoàn thể xã hội... đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, thực hiện có hiệu quả Chương trình 130/CP.
Phương thức và thủ đoạn mua bán người
Theo Thiếu tướng Vũ Hùng Vương, Phó Tổng cục trưởng Cảnh sát phòng, chống tội phạm (Bộ Công an): Tội phạm mua bán người (MBN), nhất là phụ nữ, trẻ em đã và đang trở thành vấn đề nóng bỏng, nhức nhối, là hiểm họa đối với loài người, không chỉ ảnh hưởng xấu đến đạo đức, lối sống, thuần phong, mỹ tục, pháp luật của mỗi quốc gia, xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm con người mà còn phá vỡ cấu trúc xã hội và ảnh hưởng đến an ninh, trật tự của đất nước.
Ðối với Việt Nam, hoạt động tội phạm MBN đang diễn biến phức tạp, xu hướng tăng và quốc tế hóa. Trong đó, nổi lên một số vấn đề: tội phạm MBN đã xảy ra trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố, tập trung chủ yếu tại các tỉnh biên giới như biên giới Việt Nam - Trung Quốc; Việt Nam - Cam-pu-chia; Việt Nam - Lào, một số vụ diễn ra trong nội địa và qua đường hàng không... Ở nước ta, không chỉ xảy ra mua bán phụ nữ, trẻ em mà cả mua bán đàn ông, mua bán trẻ sơ sinh, trẻ trong bào thai, mua bán nội tạng, đẻ thuê... Nạn nhân bị mua bán chủ yếu là phụ nữ, trẻ em (chiếm hơn 80%), phần lớn có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thiếu việc làm, dân trí thấp, bị lừa bán từ nông thôn ra thành thị, từ các khu công nghiệp, từ trong nước ra nước ngoài. Ðáng chú ý, Việt Nam vừa là địa bàn xảy ra MBN, vừa là địa bàn trung chuyển đi các nước. Ðối tượng phạm tội là bọn lưu manh chuyên nghiệp, có tiền án, tiền sự, là người nước ngoài và những người từng là nạn nhân trở thành tội phạm để lừa chính những người thân trong gia đình.
Bọn tội phạm thường lợi dụng những phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, văn hóa thấp... bằng những lời đường mật, hứa hẹn tìm việc làm có thu nhập cao, rồi tìm mọi cách đưa họ ra nước ngoài bán. Trong đó, nổi lên một số thủ đoạn đáng chú ý như: Lợi dụng địa bàn miền núi vắng vẻ, một số đối tượng người Việt cấu kết với người nước ngoài, tổ chức thành từng nhóm đột nhập vào nhà dân, giết người, chiếm đoạt, bắt cóc trẻ em; tình trạng mua bán trẻ sơ sinh, trẻ trong bào thai xảy ra ngày càng nhiều tại một số địa phương như Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Sóc Trăng, Quảng Nam. Chúng sử dụng "vệ tinh" lân la tới các vùng quê để phát hiện phụ nữ trẻ lỡ có thai, hoặc gia đình trục trặc, khó khăn về kinh tế, sinh con ngoài ý muốn gạ gẫm mua bán lừa gạt, thu gom trẻ em bán sang Trung Quốc. Ðặc biệt, đã xuất hiện một số đường dây đưa người ra nước ngoài bán nội tạng cho các bệnh viện tư, khiến nạn nhân chết; xuất hiện tình trạng phụ nữ tại các tỉnh, thành phố phía nam xuất cảnh sang Thái-lan đẻ thuê, thực chất là MBN, với giá 5.000 USD/trẻ em được sinh ra. Từ năm 1998 đến nay, cả nước có gần 300 nghìn phụ nữ kết hôn với người nước ngoài. Tuy nhiên, chỉ có 30% tổng số cô dâu có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, còn lại trung bình hoặc bất hạnh. Nguyên nhân, do bất đồng về ngôn ngữ, phong tục tập quán, văn hóa, chính sách pháp luật. Hầu hết, phụ nữ kết hôn là do nhu cầu giải quyết khó khăn về kinh tế, trong khi nhận thức xã hội thấp và không có nghề nghiệp.
Giải pháp phòng, chống tội phạm mua bán người
Với phương châm "Phòng ngừa là cơ bản, hướng về cơ sở, phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xã hội ở xã, phường, thôn, bản", nên ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình 130/CP (năm 2004), 15 bộ, ngành thành viên (gọi tắt là Ban chỉ đạo 130/CP) và UBND các địa phương, các tổ chức, đoàn thể xã hội đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống tội phạm MBN.
Với vai trò là lực lượng nòng cốt, Bộ Công an phối hợp Bộ đội Biên phòng và các ngành liên quan, tổ chức tổng điều tra, rà soát, xác định 51 tuyến, 182 địa bàn trọng điểm thường diễn ra hoạt động MBN ra nước ngoài; lên danh sách và đưa vào diện quản lý nghiệp vụ 5.000 đối tượng; lập danh sách 9.396 nạn nhân bị bán ra nước ngoài... Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm phối hợp Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng ký Quy chế phối hợp về đấu tranh phòng, chống tội phạm MBN ở địa bàn biên giới, cửa khẩu và nội địa. Từ năm 2005 đến nay, toàn quốc xảy ra gần 2.600 vụ, với 4.451 đối tượng, hơn 5.745 nạn nhân bị lừa bán. Năm 2011, phát hiện 454 vụ, với 670 đối tượng, lừa bán 821 nạn nhân (tăng 5,8% số vụ so với năm 2010). Hằng năm, Bộ Công an chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan ban hành kế hoạch và chỉ đạo công an các địa phương tổ chức đợt cao điểm tiến công trấn áp tội phạm MBN. Sáu năm qua, lực lượng công an, biên phòng đã điều tra, khám phá 2.214 vụ (đạt tỷ lệ 85,42%), bắt 3.578 đối tượng; Viện Kiểm sát nhân dân các cấp truy tố 838 vụ, với 1.622 bị can về tội MBN và 295 vụ, với 586 bị can về tội mua bán trẻ em; Tòa án nhân dân các cấp xét xử 1.153 vụ, với 2.148 bị cáo (kể cả án tồn) và áp dụng các hình phạt: 89 bị cáo bị phạt tù chung thân hoặc hơn 20 năm; 149 bị cáo phạt tù từ 15 đến 20 năm, 642 bị cáo phạt tù từ bảy đến 15 năm, 1.127 bị cáo phạt tù dưới bảy năm và 141 bị cáo phạt tù cho hưởng án treo.
Ðể công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng đạt hiệu quả, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp các bộ, ngành chức năng tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ kịp thời ban hành Quy chế tiếp nhận, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về; hướng dẫn chế độ, chính sách cho việc tiếp nhận và hỗ trợ 4.920 nạn nhân bị mua bán tái hòa nhập cộng đồng; lồng ghép tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân với các chương trình dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp.
Theo HẠ VŨ/Nhandan Online