Vịt con giống không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch được bày bán công khai giữa chợ Giếng Vuông, TP Lạng Sơn.
Theo số liệu tổng hợp của Phòng cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Lạng Sơn: Từ đầu tháng 6-2012 đến nay, các lực lượng chống buôn lậu của công an đã phát hiện, xử lý 12 vụ vận chuyển hàng lậu, trong đó gia cầm thịt gần hai tấn; 25.760 con giống (gà, vịt giống); hơn 2.176 kg sản phẩm gia súc, gia cầm, bao gồm: mần lợn, mỡ lợn; hơn 1.920 kg động vật thủy sản (các loại cá).
Ban Chỉ đạo 127 tỉnh Quảng Ninh cũng cho biết: Từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng trong tỉnh xử lý 60 vụ, với 85.876 kg gia cầm, 38 nghìn quả trứng gia cầm và gần 130 nghìn con gà giống. Còn theo thống kê của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Giang, sáu tháng qua, tình hình vận chuyển hàng lậu, trong đó có gia súc, gia cầm trở nên trầm lắng hơn so với cùng kỳ năm trước, nhưng các lực lượng chức năng cũng đã phát hiện, thu giữ hơn 116 kg gà thịt và 3.240 quả trứng... Ðiều đáng lo ngại là từ việc để thẩm lậu gia cầm qua biên giới tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó kiểm soát về dịch bệnh, tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, bởi các cơ quan chức năng khó kiểm tra được mầm bệnh cũng như dư lượng thuốc kháng sinh có ở gà, lợn hay các sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu.
Việc thẩm lậu gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, diễn ra cả trên đường bộ và đường thủy. Các đối tượng hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, có tổ chức, với thủ đoạn tinh vi cả trong khâu vận chuyển và tiêu thụ. Ngoài việc sử dụng xe máy, đò máy, xe tải để vận chuyển gia cầm nhập lậu, gần đây hình thành các đường dây có tổ chức, chuyên chở gia cầm nhập lậu vào sâu trong nội địa. Trong quá trình vận chuyển vào thị trường nội địa, các đối tượng thường xuyên theo dõi hoạt động của lực lượng chức năng, sử dụng nhiều biển số giả, thay đổi phương tiện trên một cung đường, tìm cách thay đổi lịch trình, ém hàng nếu thấy động, thậm chí huy động lực lượng, phương tiện chèn ép, cản trở lực lượng chức năng để cướp lại hàng khi bị phát hiện, bắt giữ.
Thiếu tá La Trung Kiên, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh Lạng Sơn) cho biết: Thủ đoạn của các chủ hàng thường là mua gom tại biên giới, xé lẻ hàng thuê cửu vạn, vận chuyển từng chặng đường ngắn, sau đó tập kết giấu trong nhà dân ven đường, đợi có cơ hội thuận lợi dùng xe ô-tô tải vận chuyển vào trong nội địa để tiêu thụ. Khi đã vào sâu trong nội địa, việc phát hiện xử lý cũng không dễ dàng chút nào, vì nếu căn cứ vào ngoại hình thì gà nước nào cũng giống nhau. Trong khi đó, việc xử lý các mặt hàng gia cầm và sản phẩm động vật nhập lậu cũng không đơn giản. Làm nhiệm vụ quản lý thị trường trên địa bàn thị trấn Ðồng Ðăng (Cao Lộc), Ðội trưởng Quản lý thị trường số 2 Hoàng Văn Cầu cho biết: Ðối với các mặt hàng gia cầm và sản phẩm động vật, anh em rất ngại bắt, vì cửu vạn cất giấu trong từng bọc bao tải ni-lông nhỏ lẻ, khi bắt về phải làm thủ tục tiêu hủy, nếu để chậm thì mỡ chảy ra, hôi hám kinh khủng, chẳng xe nào dám đưa đi tiêu hủy... Trong khi người vận chuyển cũng như chủ hàng khi bị bắt cũng chỉ ở mức xử phạt hành chính, rồi sau lại tái diễn... Phó Chi cục trưởng Quản lý thị trường Quảng Ninh Nguyễn Bỉnh Lại cho biết thêm: Hiện nay, các đối tượng buôn lậu thường xuyên sử dụng lực lượng "chim lợn" làm nhiệm vụ "trinh sát" và sử dụng các phương tiện thông tin hiện đại để "qua mặt" các lực lượng chức năng. Khi bị các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, các đối tượng buôn lậu tìm mọi cách chống đối, thậm chí còn đe dọa cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ.
Trước tình hình buôn lậu gia cầm và các sản phẩm động vật qua biên giới có chiều hướng gia tăng, nhất là đang mùa dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, các địa phương tuyến biên giới như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang, Cao Bằng,... cần chỉ đạo các ngành nông nghiệp, thú y, kiểm dịch y tế phối hợp các lực lượng quản lý thị trường, hải quan, biên phòng tăng cường chốt giữ các ngả đường, cảng biển, bến tàu, bến xe để ngăn chặn, bắt giữ và xử lý các đối tượng nhập lậu gia súc, gia cầm, trứng gia cầm trái phép qua biên giới. Ðể ngăn chặn tận gốc tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm, lực lượng công an cần tổ chức các biện pháp nghiệp vụ kiên quyết đấu tranh, đánh trúng vào các tụ điểm, đường dây chuyên buôn bán, vận chuyển sản phẩm không qua kiểm dịch có nguồn gốc xuất xứ nhập lậu vào trong nước. Các đối tượng vi phạm nhiều lần cần xử lý nghiêm để tăng hiệu quả ngăn chặn. Ðồng thời, chủ động phối hợp các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền để nhân dân trên địa bàn, nhất là nhân dân khu vực biên giới hiểu tác hại của dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, từ đó không tham gia buôn lậu hoặc tiếp tay cho việc vận chuyển gia cầm, trứng gia cầm, các sản phẩm động vật không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng vào trong nước tiêu thụ.
Theo Nhandan Online