Cập nhật: 24/07/2012 15:44:45 Article Rating
Xem cỡ chữ

Một trong những định hướng của việc sửa đổi Bộ luật hình sự (BLHS) lần này là tăng cường tính hướng thiện để BLHS không chỉ là công cụ của cơ quan tiến hành tố tụng mà còn giúp con người có cơ hội hòa nhập cộng đồng. Dưới đây là ý kiến của một số chuyên gia pháp lý.

 

PGS.TS Trần Văn Độ: Phó Chánh án TANDTC, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương:

 

“Răn đe không phải là xử phạt thật nặng”

Trước tình hình khó khăn chung của nền kinh tế hiện nay, các vụ việc vi phạm pháp luật, đặc biệt của giới trẻ có chiều hướng ngày càng gia tăng. Trong khi đó, vấn đề sửa Bộ luật Hình sự phải bảo đảm tính hướng thiện vấp phải sự e ngại của một số người, rằng liệu có bảo đảm sự răn đe của pháp luật hay không.

 

Chúng ta thường hiểu một cách máy móc tính răn đe là phải xử phạt thật nặng, theo tôi quan niệm như vậy là không hợp lý. Tôi cho rằng, răn đe phải đi với giáo dục, đi cùng với lòng thương. Cũng như con cháu chúng ta nếu hư hỏng, mà gia đình, xã hội quan tâm với lòng thương yêu thực sự, với mong muốn để họ hướng thiện thì chắc chắn sẽ được tiếp nhận.

 

Nếu răn đe chỉ để xử phạt mà không quan tâm đến sự phát triển tương lai con người, thì con người sẽ sinh ra tâm lý bi quan. Mà đã mang tâm lý bi quan thì rõ ràng không thể thể cải tạo, giáo dục để trở thành có ích, thậm chí sẽ có những hành vi bộc phát, cảm tính dễ dẫn đến nguy cơ phạm pháp hơn. Theo tôi, Luật Hình sự cũng không nằm ngoài quy luật đó.

 

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên:

 

“Phải hạn chế dần các điều luật có hình phạt tử hình”

 

Muốn xây dựng BLHS có tính hướng thiện (nhân đạo hóa) phải có ba hướng lớn.

 

Thứ nhất, nghiên cứu hạn chế dần điều luật có hình phạt tử hình. Chúng ta đã hai lần hạn chế, từ 44 tội xuống còn 29, BLHS năm 2008 đã giảm xuống còn 21 tội có hình phạt tử hình, tới đây chúng ta còn hạ nữa để phù hợp xu hướng chung, với chính sách nhân đạo của nhà nước ta.

 

Thứ hai, trong điều kiện kinh tế phát triển mạnh mẽ như hiện nay, rõ ràng phải thay đổi mức tiền phạt. Thí dụ ngày xưa trộm 500 ngàn đã phải chịu trách nhiệm hình sự, BLHS sửa đổi năm 2008 đã tăng lên hai triệu, sắp tới phải nghiên cứu tiếp tục nâng sàn lên. Điều này đồng nghĩa với xu hướng không áp dụng hình phạt hình sự mà thay thế bằng các hình phạt khác.

 

Thứ ba là đối với người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội, đặc biệt là trẻ em, phải có chính sách theo hướng tư pháp hình sự chuyển hướng, giải tỏa các em khỏi vòng tố tụng hình sự bằng những biện pháp khác. Nói cách khác cực chẳng đã mới áp dụng biện pháp hình sự. Mặt khác, việc sửa đổi BLHS đảm bảo tính minh bạch, ít đòi hỏi hướng dẫn, ít tạo ra khoảng trống tùy tiện khi áp dụng. Đúng là ở các nước văn minh hình phạt nhẹ, tội phạm ít. Trong khi, các nước lạc hậu như nước ta, hình phạt nặng thì tội phạm nhiều. Do đó, khi đưa ra hình phạt nặng, thì người ta lại tìm ra nhiều biện pháp để chống đối, xã hội mất ổn định, vì vậy phải làm gì có lợi, để tăng tính hướng thiện.

 

TS.Trịnh Tiến Việt – Phó Chủ nhiệm Bộ môn Tư pháp Hình sự, Khoa Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội:

 

Chế tài với người chưa thành niên phải phản ánh chính sách nhân đạo

Nếu như “đầu vào” của hoạt động tố tụng hình sự nói riêng, của hệ thống tư pháp hình sự nói chung là việc phát hiện, xử lý và thi hành án, giáo dục, cải tạo người được miễn trách nhiệm hình sự, thì “đầu ra” chính là việc đưa người đó trở lại môi trường sống lành mạnh, cũng như giúp họ trở thành người có ích cho gia đình và cho xã hội.

 

Các chế tài khi áp dụng đối với người chưa thành niên phải phản ánh chính sách nhân đạo, phản ánh những nỗ lực của các nhà làm luật trong việc phối hợp và bảo đảm hài hòa các lợi ích khác nhau. Điều này không chỉ bao hàm các tiền đề pháp lý nhằm thực thi các nguyên tắc của trách nhiệm hình sự mà còn hàm chứa các nguyên tắc nhân đạo, công bằng, bình đẳng.

 

Hiện nay, chế định loại trừ trách nhiệm hình sự của ta nằm rải rác, mỗi nơi một ít. Quy định loại trừ với tội phạm dưới 14 tuổi, người bị tâm thần, phòng vệ chính đáng… chưa đủ, cần đưa thêm một số trường hợp cần phải loại trừ như: bắt giữ tội phạm gây thương tích...

 

 

Theo Hương Nguyên/nhandan Online

Tệp đính kèm