Cập nhật: 17/06/2009 22:28:17 Article Rating
Xem cỡ chữ

 “Tuỳ theo tốc độ trượt giá và quyết định của Quốc hội về đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục mà mức cho vay đối với HSSV sẽ tăng tương ứng. Chính phủ phê duyệt tăng học phí các trường công lập lên bao nhiêu thì sẽ tăng tiền cho SV vay lên bấy nhiêu.”

Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với HSSV diễn ra qua 4 điểm cầu truyền hình trên cả nước sáng 16/6.

 

Lê Thị Hoài (SV lớp 42I1, khoa Thương mại Điện tử, Trường ĐH Thương mại) vay vốn từ đầu năm học 2007-2008 với tổng số tiền gần 13 triệu đồng. Hoa kiến nghị xem xét tăng mức vay lên 1 triệu đồng hoặc 1,2 triệu đồng để giúp HSSV trang trải học tập trong điều kiện lạm phát tăng cao và tăng học phí.

 

GS.TSKH. Bùi Văn Ga, GĐ ĐH Đà Nẵng cũng đề xuất tăng mức cho vay theo trượt giá và mức tăng lương tối thiểu.

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết: do chưa có kết luận cuối cùng về đề án đổi mới cơ chế tài chính nên hiện nay chưa thể thống nhất phương án nâng mức cho vay.

 

Nhưng trước ngày 30/7, ba đơn vị trực tiếp liên quan tới chính sách này là Ngân hàng Chính sách, Bộ GD-ĐT, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ cùng thảo luận để quyết định mức cho vay mới.

Báo cáo từ các chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội đã phát hiện 5,4 tỉ đồng cho vay không đúng đối tượng, chiếm tỉ lệ 0,07%.

 

Hiện nay, kết thúc 2 năm thực hiện, lứa HSSV đầu tiên vay vốn đã bắt đầu tốt nghiệp và đi làm.

Ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh, cần phải quản lý hiệu quả để tạo quỹ cho vay quanh vòng, tránh trường hợp HSSV thế hệ sau không được thụ hưởng chính sách.

 

Hiện nay có tình trạng SV đóng học phí chậm trễ hoặc vừa được vay vốn đã bỏ học giữa chừng nhưng chưa có biện pháp theo dõi và giải quyết.

 

Chẳng hạn như ở ĐH Đà Nẵng, tỉ lệ tốt nghiệp là 70%. Vậy những SV được vay vốn năm trong 30% bỏ học hoặc không thể tốt nghiệp thì rất khó để thu hồi vốn.

Từ thực trạng đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Ngân hàng Chính sách, Bộ GD-ĐT, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội rà soát, xây dựng đề án quy trình chuẩn bị và triển khai thu hồi vốn để áp dụng chính thức và đồng bộ từ năm học 2009-2010.

 

Theo thống kê của Ngân hàng Chính sách Xã hội, trong 2 năm, đã có 1,335 triệu HSSV vay vốn ưu đãi học tập với tổng số vốn lên tới hơn 13.500 tỉ đồng.

Nếu học kỳ I năm học tới tiếp tục cho vay thì số vốn sẽ lên tới 1 tỉ USD. Trong khi đó, dự trữ ngân sách quốc gia chỉ có khoảng 20 tỉ USD

 

 

Theo VNN

Tệp đính kèm