Bộ GD-ĐT, các trường đại học đang cố gắng để tổ chức một kỳ thi tuyển sinh an toàn, nghiêm túc, hiệu quả, trước khi có quyết định chỉ tổ chức một kỳ thi quốc gia vào năm sau hay không.
Cho dù giờ đây, nhận thức của nhiều học sinh về việc lựa chọn đường đi sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông đã có những thay đổi, thi đại học không phải là con đường duy nhất, song cánh cổng trường Đại học vẫn là ước mơ của hàng triệu thí sinh. Chính vì vậy, kỳ thi tuyến sinh đại học cao đẳng bao giờ cũng là một kỳ thi vô cùng quan trọng không chỉ đối với các em học sinh mà còn là niềm hy vọng của bao gia đình.
Năm nay, lần đầu tiên sau nhiều năm, số hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng thấp hơn so với năm trước, nhưng theo thống kê của Bộ Giáo dục và đào tạo vẫn có trên 2 triệu hồ sơ đăng ký.
Với quyết tâm tổ chức các kỳ thi quốc gia công bằng, nghiêm túc, tránh bệnh thành tích trong thi cử, năm nay, Bộ Giáo dục- Đào tạo (GD-ĐT) thí điểm tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo cụm và chấm chéo phần thi tự luận. Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo, động viên tất cả các hội đồng thi tiến hành việc chấm thi thật nhanh chóng, sớm công bố điểm để các em học sinh yên tâm bước vào kỳ thi đại học, cao đẳng.
Cho đến nay, kết quả thi tốt nghiệp PTTH đã được công bố . Mặc dù kết quả tốt nghiệp ở một vài tỉnh có thấp hơn năm ngoái, song dư luận xã hội, phụ huynh và học sinh đều rất ủng hộ quyết tâm cải cách công tác thi cử của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Kỳ thi tốt nghiệp tổ chức nghiêm túc, sẽ hạn chế tình trạng chất lượng ảo, giảm bớt nghịch lý thi tốt nghiệp đậu điểm cao nhưng số thí sinh thi đại học bị điểm liệt và không làm được bài lại rất phổ biến, gây tốn kém cho gia đình và xã hội…
Kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học đã vậy, không có lý gì, kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, một kỳ thi có tính đấu loại trực tiếp lại không được tổ chức nghiêm túc, công minh. Như Bộ GD-ĐT đã công bố, thì siết chặt kỷ luật phòng thi cũng là mục tiêu quan trọng trong kỳ thi đại học cao đẳng năm nay. Việc làm này sẽ tạo sự công bằng cho những thí sinh học thật, thi thật, đồng thời góp phần hạn chế tình trạng “hồ sơ ảo”, tình trạng thi đại học cho biết, thi cho oai của không ít thí sinh. Tất nhiên, để giải quyết tình trạng này thì không chỉ việc siết chặt kỳ luật thi đầu vào là giải quyết được. Chỉ khi quy trình giảng dạy, đánh giá, xét tốt nghiệp của các trường cũng được tiến hành thật nghiêm túc, người tuyển dụng cũng căn cứ vào trình độ thực chất của ứng viên chứ không chỉ là bằng cấp, mới không còn cảnh chen nhau thi đại học để rồi trượt nhiều, đỗ ít.
Thời điểm này, hàng triệu thí sinh trên cả nước đang nỗ lực ôn luyện cho kỳ thi quyết định của mình, với kỳ vọng thành công. Rất mừng là nhiều thí sinh không còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào việc mang “phao”, quay cóp trong phòng thi. Bộ GD-ĐT cũng đã cam kết nội dung đề thi bám sát chương trình trung học phổ thông, không quá khó, quá phức tạp, không đánh đố, phù hợp với thời gian làm bài, có khả năng phân loại thí sinh.
Nếu như Bộ GD-ĐT quyết định từ năm sau sẽ chỉ tổ chức một kỳ thi quốc gia với 2 mục tiêu xét tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng, thì kỳ thi đại học, cao đẳng năm nay sẽ là kỳ thi “3 chung” (chung ngày thi, chung đề thi, sử dụng kết quả chung để xét tuyển) cuối cùng. Việc này chắc chắn sẽ còn có nhiều ý kiến khác nhau từ các trường đại học cũng như dư luận xã hội. Vì trên thực tế, mỗi trường có mục tiêu cũng như yêu cầu tuyển sinh khác nhau phù hợp với chương trình đào tạo của mình. Nhiều ý kiến cũng đã từng băn khoăn liệu một kỳ thi quốc gia được tổ chức với quy mô lớn như vậy có thể đảm bảo tính nghiêm túc, công bằng hay không?
Với những gì đã thể hiện trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học vừa rồi và quyết tâm tổ chức thật nghiêm túc kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay, đã có những cơ sở đầu tiên để đặt niềm tin vào mục tiêu cải cách công tác thi cử và tuyển sinh của ngành giáo dục./.
Theo VOV