Cập nhật: 25/06/2009 20:58:34 Article Rating
Xem cỡ chữ

"Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa kết thúc, ước tính có hàng trăm nghìn thí sinh “rớt” lại, chưa có định hướng học tập, nghề nghiệp rõ ràng. Các em có thể vào học hệ sơ cấp nghề và trung cấp nghề, sau đó sẽ liên thông lên cao đẳng nghề nếu có nguyện vọng”, Tiến sĩ Cao Văn Sâm, Tổng cục phó Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐTB-XH, khẳng định

Cả nước hiện có vài trăm nghìn học sinh trượt tốt nghiệp THPT, liệu hệ thống các trường nghề có đáp ứng được nhu cầu của họ, đặc biệt là ở miền núi, nông thôn và đồng bằng sông Cửu Long?

 

- Năm 2009, theo kế hoạch sẽ có 1,64 triệu chỉ tiêu vào các trường  nghề, tăng 7% so với năm 2008. Trong đó, cao đẳng nghề có 70.000 chỉ tiêu, tăng 17%, trung cấp nghề có 235.000 chỉ tiêu, tăng 19%. Hiện mạng lưới cơ sở dạy nghề được phát triển trên toàn quốc. Ngoài ra, chúng ta còn có các chương trình đặc biệt để đào tạo nghề cho lao động nông thôn, con em dân tộc thiểu số...

 

Tất cả các cơ sở dạy nghề đều nhận học sinh trượt tốt nghiệp, không thi đỗ đại học ở các trình độ khác nhau. Riêng số học sinh vừa trượt tốt nghiệp THPT có thể vào học ngay hệ sơ cấp nghề, trung cấp nghề. Sau đó, nếu họ có nguyện vọng học ở trình độ cao hơn thì sẽ được học liên thông lên cao đẳng nghề. Thời gian đào tạo đối với sơ cấp nghề là từ ba tháng đến dưới một năm, trung cấp nghề từ một năm đến dưới hai năm, cao đẳng nghề từ hai đến ba năm.

 

Trong trường hợp chưa tốt nghiệp phổ thông, song song với học nghề, các em có thể học văn hoá để thi tốt nghiệp phổ thông. Sau đó, các em được quyền liên thông lên cao đẳng nghề hoặc được tiếp tục thi vào đại học.

 

- Các cơ sở đào tạo nghề có phân biệt giữa thí sinh có bằng tốt nghiệp và  chưa  tốt nghiệp khi xét tuyển đầu vào?

 

- Dĩ nhiên việc xét tuyển đầu vào có sự phân biệt và áp dụng nhiều hình thức khác nhau. Đối với sơ cấp nghề và trung cấp nghề, chủ yếu là xét tuyển dựa trên nhu cầu người học đăng ký và khả năng đào tạo của nhà trường. Còn đối với cao đẳng nghề thì có hai hình thức: thi tuyển và xét tuyển. Học phí học nghề trong các trường công lập hiện ẫn ở mức 120.000 - 180.000 đồng một tháng. 

 

Hệ thống dạy nghề đã liên thông từ sơ cấp nghề, trung cấp nghề lên cao đẳng nghề. Bộ LĐ- TB & XH và Bộ GD - ĐT đang xúc tiến,  xây dựng thông tư liên bộ về việc liên thông lên ĐH, CĐ.

 

- Khi lựa chọn đi học nghề, các em thường băn khoăn sau này ra trường sẽ khó xin việc và đồng lương cũng không đủ để trang trải cuộc sống, ông nghĩ sao về điều này?

 

- Hiện tỷ lệ học sinh học nghề xong có việc làm phổ biến là 70%. Trong đó, nhiều nghề có tỷ lệ việc làm đạt trên 90%, đặc biệt một số nghề là đạt 100% như cơ điện tử, công nghệ thông tin, đóng tàu, hàn… Học xong nghề phổ thông, học viên có mức lương  2 - 2,5 triệu đồng mỗi tháng, với những nghề “hot” thì có thể thu nhập tới 10 - 12 triệu đồng.

 

Ngoài ra, khi đi học nghề, học sinh có kỹ năng tốt sẽ được đi lao động xuất khẩu, thu nhập khoảng 600 USD một tháng. Có những thị trường thu nhập rất cao như Phần Lan khoảng 2.200 USD, Hàn Quốc và Nhật Bản hơn 1.000 USD một tháng. Thị trường nước ngoài vẫn rất cần lao động có tay nghề. Các bậc phụ huynh không nên vì danh mà bắt con em vào đại học bằng được.

 

 

 

Theo Xaluan.com

Tệp đính kèm