Cập nhật: 26/08/2009 21:35:58 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đó là một trong những chủ đề của năm học mới được công bố tại Hội nghị tổng kết năm học 2008-2009 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2009-2010 khối các trường ĐH-CĐ được Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 25.8 tại Hà Nội. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự và có bài phát biểu quan trọng chỉ đạo Hội nghị.

Còn quá nhiều băn khoăn về chất lượng GDĐH

 

Sau hội nghị này Bộ GD&ĐT và các trường ĐH, CĐ cần chỉ rõ nguyên nhân những hạn chế, yếu kém của GDĐH  để phấn đấu khắc phục, từ đó đề ra những nhiệm vụ, mục tiêu giải pháp thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cao của đất nước trong thời kì hội nhập. (Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng)

 

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân chỉ rõ, hiện tại xã hội còn băn khoăn về chất lượng giáo dục đại học (GDĐH) cũng như quy mô các trường ĐH chưa đáp ứng nhu cầu. Nhiệm vụ của toàn ngành là hướng tới tăng chất lượng đồng thời tăng quy mô giáo dục đại học. Vậy ai chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục ĐH? Ai quan tâm tới chất lượng giáo dục ĐH? Doanh nghiệp, người sử dụng lao động và Nhà nước quan tâm tới chất lượng giáo dục. Nhưng Nhà nước phải có hành lang pháp lý giám sát chất lượng giáo dục. Vẫn chưa thể trả lời được câu hỏi chất lượng giáo dục đại học như thế nào? Năm 2009, sau 22 năm, số trường ĐH và CĐ  tăng từ 101 trường lên 376 trường, số sinh viên tăng 13 lần từ 133.000 (năm 1987) lên 1,7 triệu (năm 2009). Sinh viên tăng 13 lần trong khi giáo viên chỉ tăng 3 lần. Nếu tính bình quân thì vào thời điểm năm 1987, cứ 6,6 sinh viên thì có 1 giảng viên nhưng năm 2009 tỉ lệ này là 28/1. Do đó, điều kiện vi mô cho GDĐH hiện không thể bằng so với hơn 20 năm trước đây. Phương pháp quản lý có thay đổi về bản chất? Chưa thay đổi về bản chất. Hiện chưa có hệ thống giám sát các trường ĐH. Lãnh đạo Bộ cũng chưa biết hết tên hiệu trưởng các trường thì làm sao mà quản lý nổi. Do đó phải đổi mới quản lý. Có 3 câu hỏi hiện Bộ chưa trả lời được: Thứ nhất, chất lượng giáo dục như thế nào? Chưa giám sát được. Các trường không báo cáo, sao Bộ có thể giám sát được. Ngay như tại hội nghị này, Bộ thông báo từ lâu nhưng hiện cũng mới chỉ có hơn 50% số trường báo cáo... Thứ hai, việc chấp hành quy định, quy chế đào tạo của các trường ra sao? Chưa quản lý được. Thứ ba, sử dụng ngân sách hiệu quả chưa cao? Phó Thủ tướng cũng khẳng định không thể duy trì phương pháp quản lý hiện nay mà phải phân cấp xuống địa phương và các trường. Phải làm rõ trong nhà trường ai chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục: hiệu trưởng, hội đồng trường hay cả Đảng uỷ, Công đoàn?

 

Tất cả các trường ĐH-CĐ chỉ có 320 giáo sư

 

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước hiện có 320 giảng viên ĐH có chức danh giáo sư, tăng 6 người so với năm học trước, chiếm 0,52% trong 61.190 giảng viên cơ hữu ở 376 đại học, học viện, trường ĐH, CĐ. Số giảng viên có chức danh PGS là 1.966, đạt tỷ lệ 3,21%,  tăng 121 người so với năm học 2007-2008. Qua một năm học, số giảng viên cả nước đã tăng hơn 9% với 5.070 người. Trong số đó, tăng nhiều nhất là lượng giảng viên có trình độ thạc sĩ. Cụ thể, số giảng viên có trình độ tiến sĩ là 6.217, đạt tỷ lệ 10,16% (tăng 335). Số giảng viên có trình độ thạc sĩ là 22.831, đạt tỷ lệ 37,31% (tăng 2.556). Tuy nhiên trong số cán bộ khoa học đang làm việc ở các trường ĐH, CĐ, có tới 75% đã quá tuổi 50, đây là thực trạng đáng báo động về thiếu cán bộ khoa học kế cận. Việc thiếu cán bộ giảng dạy có trình độ cao ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng GDĐH. Sự thiếu hụt đội ngũ giảng viên đào tạo trình độ tiến sĩ và hướng dẫn nghiên cứu sinh cũng làm giảm tiến độ đào tạo trình độ tiến sĩ cho giảng viên.

 

“Đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng và đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội”

 

Đó là chủ đề năm học 2009 – 2010 khối các trường ĐH, CĐ  được công bố trong Báo cáo tóm tắt Tổng kết năm học 2008 – 2009 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2009 – 2010 khối các trường ĐH, CĐ. Bộ GD&ĐT cũng xác định nhiệm vụ trọng tâm của GDĐH năm học 2009–2010 và 3 năm tới là tiếp tục thực hiện các cuộc vận động; công tác tuyển sinh, đào tạo; Đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục; Công tác tài chính và tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị trường học... Đặc biệt, Bộ GD&ĐT khẳng định kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2010 tiếp tục giữ ổn định theo giải pháp 3 chung.  Bộ cũng đặt mục tiêu hoàn thành Đề án Chương trình quốc gia đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội đến năm 2015 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các trường thực hiện việc công bố chuẩn đầu ra và 3 công khai trong 6 tháng cuối năm; Thành lập Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học; Triển khai thực hiện quy hoạch xây dựng hệ thống các trường đại học, cao đẳng tại vùng Thủ đô Hà Nội và vùng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050; Triển khai thực hiện đề án xây dựng KTX sinh viên các trường ĐH, CĐ, đến năm 2011 giải quyết được khoảng 200.000 chỗ ở cho sinh viên... Năm học 2008 - 2009 GDĐH Việt Nam cũng đẩy mạnh việc áp dụng các chương trình đào tạo của các trường đại học tiên tiến trong khu vực và thế giới (Chương trình tiên tiến), xây dựng 4 trường đại học có trình độ quốc tế bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á và tiếp tục chương trình đào tạo tiến sĩ cho giảng viên các trường ĐH, CĐ đến năm 2020 đồng thời đẩy mạnh đào tạo nhân lực theo nhu cầu xã hội...

 

 

Theo Vanhoa Online

 

Tệp đính kèm