Kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2009 đã khép lại, các trường đã hoàn tất việc công bố điểm trúng tuyển nguyện vọng (NV) 2 và điểm xét NV3. Hiện còn nhiều thí sinh (TS) bị trượt cả 3 NV. Tuy nhiên, kết quả ấy không có nghĩa là “cánh cửa cuộc đời” đã khép lại.
Học trung cấp và liên thông lên CĐ, ĐH
Hầu như trường CĐ nào cũng có hệ đào tạo trung cấp chuyên nghiệp (TCCN). Từ TCCN có thể học liên thông lên CĐ và ĐH, cũng qua thi tuyển nhưng kỳ thi không mang tính cạnh tranh khốc liệt như kỳ thi ĐH.
Sau khi học TCCN trong thời gian 2 năm, các TS có thể tiếp tục học liên thông lên hệ ĐH chính quy, lấy bằng kỹ sư các ngành kỹ thuật, môi trường, công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật xây dựng, điện tử viễn thông (ở trường ĐH Công nghiệp TP.HCM và ĐH Kỹ thuật công nghệ) trong vòng 3 năm.
Nếu các TS có nguyện vọng học khối kinh tế, trường CĐ Nguyễn Tất Thành có chương trình học liên thông lên hệ CĐ trong nội bộ trường (1 năm rưỡi) hay liên thông lên ĐH trong chương trình liên kết với trường ĐH Lương Thế Vinh (Nam Định), trong vòng 2 năm rưỡi (đối với hệ TCCN) và 1 năm rưỡi (đối với hệ CĐ).
Ngoài ra, TS cũng có thể học liên thông ở các trường ĐH khác như ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Ngoại thương, ĐH Tôn Đức Thắng...
Học nghề dễ kiếm việc làm
Hầu như SV nào cũng mơ ước khi tốt nghiệp ra trường sẽ dễ dàng tìm được việc làm ổn định, với mức lương khá. Do đó, việc chọn trường, chọn nghề đóng vai trò quan trọng. Đối với những TS không có điều kiện kinh tế khá, muốn học trong thời gian ngắn để sớm đi làm, thì nên chọn các trường trung cấp đào tạo nghề và giới thiệu việc làm khi tốt nghiệp.
Các ngành về du lịch và công nghệ thông tin là một trong số các ngành dễ kiếm việc làm khi ra trường.
Từ nay đến năm 2015, theo thống kê của Tổng cục Du lịch, bình quân mỗi năm ngành du lịch cần hơn 33.000 lao động mới. Tuy nhiên, ở 50 cơ sở đào tạo nghề du lịch bao gồm hệ dạy nghề, trung cấp, CĐ và 30 cơ sở đào tạo du lịch hệ ĐH, số lượng SV ra trường hằng năm khoảng 15.000, chỉ đáp ứng một nửa nhu cầu.
Còn những TS yêu thích máy tính và có đam mê với ngành tin học có thể tìm đến các nơi dạy sửa chữa laptop trong vòng 3 tháng để trở thành chuyên viên kỹ thuật hoặc nhân viên bảo trì ở các trung tâm điện máy.
Ngoài ra, các TS có thể tham gia hệ đào tạo ĐH vừa học vừa làm. Hệ đào tạo này vừa giúp TS có cơ hội kiếm tiền sớm để trang trải học phí mà vẫn có bằng ĐH sau khi tốt nghiệp.
Ở trường ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM, CĐ Nguyễn Tất Thành đều có mở các hệ đào tạo này. Tùy theo điều kiện và sở thích về ngành học mà mỗi TS có thể lựa chọn đăng ký cho phù hợp.
Theo ThanhNien Online