Cập nhật: 02/10/2009 22:10:08 Article Rating
Xem cỡ chữ

Năm 1930, trong lời kêu gọi đồng bào nhân ngày thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam 3-2, đồng chí Nguyễn Ái Quốc nêu khẩu hiệu "thực hành giáo dục toàn dân". Từ ngày đó, tư tưởng này trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt đường lối giáo dục cách mạng của Ðảng trong 79 năm qua.

Trong những năm sống dưới sự đô hộ của thực dân Pháp, nhân dân Việt Nam chìm đắm trong cảnh ngu dốt, tối tăm vì nạn mù chữ. Căn cứ vào đường lối giáo dục của Ðảng và để chống chính sách ngu dân do bọn thực dân Pháp thực hiện, đồng chí Trường Chinh đã đề nghị Xứ ủy Bắc Kỳ thành lập một tổ chức công khai chống nạn thất học. Ngày 25-5-1938, Hội Truyền bá quốc ngữ được thành lập. Cụ Nguyễn Văn Tố được cử làm Hội trưởng. Hội Truyền bá quốc ngữ gắn liền với tên tuổi của Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Ðặng Thai Mai, Phan Thanh và nhiều nhân sĩ trí thức yêu nước

Ngày 25-5-1938 trở thành mốc son đỏ chói trong những trang sử khuyến học nước nhà.

Cách mạng Tháng Tám (1945) thành công. Ngày 2-9-1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngay ngày hôm sau, 3-9-1945, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ cách mạng lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu về phương sách chống giặc dốt: "Nạn dốt là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân dùng để cai trị chúng ta. Hơn chín mươi phần trăm đồng bào chúng ta mù chữ... Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy, tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ".

Ðể nhân dân thoát cảnh mù chữ, ngày 8-9-1945, Chính phủ đã ký ba sắc lệnh chống nạn thất học. Nội dung các sắc lệnh đó có thể tóm tắt như sau: Ðặt ra một Bình dân học vụ trong toàn cõi Việt Nam; Thiết lập những lớp học bình dân buổi tối cho nông dân và công nhân; Cưỡng bức học chữ quốc ngữ, người học không mất tiền. Toàn dân Việt Nam từ 8 tuổi trở lên phải biết đọc, biết viết.

Bình dân học vụ thực chất là một cuộc vận động toàn dân đi học để xóa quốc nạn mù chữ và tạo điều kiện quan trọng ban đầu cho việc nâng cao dân trí. Ngày thành lập Bình dân học vụ là mốc son thứ hai của nền giáo dục cách mạng do Ðảng lãnh đạo. Phong trào Bình dân học vụ là một phong trào khuyến khích mọi người đi học, động viên mọi người góp sức vào việc phát triển sự học trong nhân dân: Nhân dân động viên nhau đi học, người học không phải đóng học phí, người dạy hoàn toàn tự nguyện không nhận thù lao, những người có thành tích cao trong phong trào Bình dân học vụ được nhận phần thưởng cao quý do nhân dân trao tặng - đó là danh hiệu "Chiến sĩ diệt dốt".

Trên cơ sở thanh toán nạn mù chữ do Bình dân học vụ tiến hành, trong hệ thống giáo dục quốc dân đã hình thành ngành học Bổ túc văn hóa. Từ đây, mục tiêu nâng cao dân trí (qua giáo dục người lớn) đã được cụ thể hóa và thể chế hóa ngày càng có hiệu quả. Có thể nói, mục tiêu kỳ vọng "khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh" của phong trào Ðông kinh nghĩa thục do các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Lương Văn Can, Nguyễn Quyền... khởi xướng mãi đến khi Bình dân học vụ phát triển mới bắt đầu được thực hiện.

Vào thập kỷ 90 của thế kỷ trước, trên cơ sở của những thành tựu bước đầu của công cuộc đổi mới, Ðảng và Nhà nước chủ trương đưa đất nước chuyển sang giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trước yêu cầu của tình hình mới, Thủ tướng Phạm Văn Ðồng, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều đồng chí lão thành cách mạng đã có ý tưởng thành lập một tổ chức khuyến khích và hỗ trợ giáo dục, nhằm góp phần thiết thực vào việc thực hiện nhiệm vụ  trọng đại này, đưa ý tưởng lớn đó vào cuộc sống; và ngày 2-10-1996, Hội Khuyến học Việt Nam (với tên gọi ban đầu là "Hội Khuyến khích và hỗ trợ giáo dục") được thành lập. Sự xuất hiện Hội Khuyến học Việt Nam là sự tiếp nối những phong trào vận động toàn dân đi học đã có trong lịch sử phát triển giáo dục cách mạng nước nhà. Việc tiếp nối đó được thực hiện trong hoàn cảnh và điều kiện nước nhà cũng như của thế giới đã có những thay đổi lớn, sứ mạng giáo dục cũng mang theo nội dung mới, mục tiêu phát triển đã đặt ra ở tầm cao hơn. Ðó là:

1. Nếu như Truyền bá quốc ngữ, Bình dân học vụ trước đây nhằm vào việc "Chữ quốc ngữ cho mọi người" và xóa được nạn mù chữ trong nhân dân và Bổ túc văn hóa cố gắng nâng cao trình độ học vấn phổ thông cho cán bộ và người lao động, thì phong trào khuyến học ngày nay giương cao ngọn cờ "Giáo dục suốt đời cho mọi người" để không chỉ xóa hoàn toàn nạn mù chữ, mà còn xóa mù nghề, mù tin học, mù ngoại ngữ cho đông đảo nhân dân, đáp ứng nhu cầu thông tin và tri thức hằng ngày cho mọi người.

2. Nếu như các cuộc vận động toàn dân đi học trước đây thường thể hiện ở việc mở ra các lớp học giản đơn, động viên những người ham học đến để tiếp thu bài học và những người tình nguyện làm giáo viên thì ngày nay các hình thức học, nội dung học, phương pháp học, cách thức tổ chức học và các thiết chế giáo dục đã trở nên đa dạng, linh hoạt và đang từng bước được thể chế hóa. Hệ thống giáo dục chính quy (gồm những thiết chế giáo dục ban đầu từ nhà trẻ, trường mẫu giáo đến các trường đại học và các học viện) đã có hơn 20 triệu thanh thiếu niên học tập, hệ thống giáo dục không chính quy (gồm các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm ngoại ngữ - tin học, các cơ sở dạy nghề ngắn hạn, các câu lạc bộ, nhà văn hóa, các cơ sở nuôi dạy trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, v.v.) giúp cho hàng chục triệu người lớn được tiếp cận thường xuyên với những tri thức mới, những thành tựu khoa học và công nghệ mới cùng với những thành quả văn hóa khác

3. Ðể cuộc vận động toàn dân học tập theo phương châm "giáo dục thường xuyên, đào tạo liên tục, học tập suốt đời", Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp các tổ chức, các lực lượng xã hội vận động nhân dân tham gia học tập, đồng thời xây dựng các Quỹ Khuyến học, Khuyến tài, mỗi năm trích hàng trăm tỷ đồng làm học bổng cho vài triệu học sinh nghèo, làm phần thưởng cho hàng trăm nghìn học sinh giỏi và hỗ trợ hàng chục nghìn thầy giáo, cô giáo có đời sống khó khăn, thực hiện công bằng giáo dục.

Hội Khuyến học Việt Nam đã phát huy truyền thống hiếu học qua phong trào xây dựng gia đình hiếu học và dòng họ khuyến học, các bản làng, tổ dân cư, các phum sóc khuyến học. Hiện đã có hơn ba triệu gia đình được công nhận đạt danh hiệu gia đình hiếu học và hàng chục nghìn dòng họ được tặng danh hiệu dòng họ khuyến học.

4. Trên khắp các địa bàn dân cư trong cả nước, chúng ta đều gặp nhiều hình thức đóng góp của nhân dân cho việc phát triển phong trào học tập. Nhiều doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ trong nước, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, những xứ đạo, nhà chùa, những nhà hảo tâm, những nhà tu hành Thiên chúa giáo, Phật giáo,... ngoài việc góp tiền xây dựng Quỹ Khuyến học còn có những hình thức khuyến học rất độc đáo, góp phần xóa đói, giảm nghèo, như tổ chức trồng cây khuyến học, ao cá khuyến học, "nuôi heo đất" khuyến học, góp đất khuyến học, đỡ đầu học sinh nghèo với tinh thần khuyến học. Nhân dân ngày càng có nhiều sáng kiến đóng góp vật lực, tài lực cho phong trào khuyến học.

5. Trước yêu cầu cao về chất lượng nguồn nhân lực của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đi vào kinh tế tri thức, các lực lượng kinh tế và xã hội đã và đang phát triển các hình thức tự đào tạo, đào tạo lại nhân lực cho mình, đồng thời liên kết đào tạo với ngành giáo dục để đào tạo nhân lực cho các hoạt động của nền kinh tế quốc dân. Ðến nay, chúng ta thấy xuất hiện nhiều trường trung cấp kỹ thuật, cao đẳng trong các doanh nghiệp, những trường lớp đào tạo cán bộ quản lý và nghiệp vụ của các tổ chức công đoàn (cả ở cấp đại học), các trường lớp của Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, của Hội Phụ nữ Việt Nam, của Hội Khuyến học Việt Nam và nhiều hội xã hội - nghề nghiệp khác. Bên cạnh những trường chính quy công lập của Bộ Giáo dục và Ðào tạo cùng nhiều bộ, ngành khác, ta còn thấy hệ thống trường phổ thông, chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học ngoài công lập. Hệ thống trường này đã làm tăng đáng kể số lượng người đi học. Trước phong trào toàn dân học tập, toàn dân làm khuyến học như vậy, Nhà nước đã khẳng định những thành tích lớn lao của công tác khuyến học và đã quyết định lấy ngày 2-10 hằng năm làm "Ngày Khuyến học Việt Nam".

Ngày 2-10-2008, nhân dân các tỉnh, thành phố trong cả nước đã cùng Hội Khuyến học ở địa phương, cùng với Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức trọng thể lễ đón nhận quyết định về "Ngày Khuyến học Việt Nam" 2-10. Năm nay, để chào mừng ngày 2-10, các lực lượng khuyến học trong xã hội đã cùng các tổ chức của Hội Khuyến học tổ chức Tháng 9 Khuyến học. Tại các địa phương, Tháng 9 Khuyến học diễn ra sôi nổi và phấn khởi với hàng trăm buổi lễ trao học bổng khuyến học, nhiều hội nghị và hội thảo về Ngày Khuyến học, nhiều cuộc đấu thể thao, hoặc biểu diễn văn nghệ có nội dung khuyến học, v.v. Ðặc biệt, ngày 24-9-2009, Ðại hội thi đua Khuyến học toàn quốc đã được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội sau khi tại các xã, phường, quận, huyện, tỉnh, thành phố đã tiến hành Ðại hội hoặc Hội nghị thi đua Khuyến học ở cấp mình.

Phát huy kết quả đã đạt được, Ðại hội nhất trí kết luận thi đua khuyến học có nội dung cơ bản là thi đua xây dựng xã hội học tập - một cuộc thi đua người người học tập, cộng đồng học tập, cả xã hội học tập với tinh thần học tập mãi mãi, học tập không ngừng, học tập suốt đời nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài, góp phần thực hiện thành công công cuộc CNH, HÐH đất nước, xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Ngày 2-10 hằng năm sẽ là ngày lễ tôn vinh những cá nhân, những tập thể góp phần xuất sắc vào sự nghiệp xây dựng xã hội học tập ở nước ta.

 

Theo NhanDan Online

Tệp đính kèm