Kinh nghiệm ôn tập của các thủ khoa cũng như lời khuyên của chuyên gia giáo dục là kênh tham khảo hữu ích cho thí sinh trước kỳ thi quan trọng.
Để đạt điểm cao môn Vật lý
Đề thi trắc nghiệm Vật lý gồm nhiều câu, rải khắp chương trình, do đó cần phải học toàn bộ nội dung cơ bản trong sách giáo khoa (SGK) Vật lý 12.
Nội dung đề thi tốt nghiệp THPT và đề tuyển sinh ĐH - CĐ được Bộ GD-ĐT ra theo chương trình THPT hiện hành, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12. Kiến thức Vật lý lớp 10 và 11 thường chiếm tỷ lệ rất ít, đơn giản và không xuất hiện như một câu hỏi độc lập. Học sinh (HS) nên tập trung ôn tập nội dung đã học trong SGK Vật lý 12. Trong quá trình ôn luyện, khi gặp các kiến thức cũ ở lớp dưới có liên quan đến câu hỏi trong bài tập, HS nên xem lại, chép vào nháp để vận dụng các kiến thức ấy vào việc giải bài tập hoặc giải thích hiện tượng trong bài thi.
HS cũng nên dành thời gian để tự lập bảng hệ thống các công thức, so sánh sự giống nhau, khác nhau giữa các khái niệm, hiện tượng vật lý. Thường xuyên vận dụng các công thức ấy trong việc luyện giải các bài tập. Thậm chí ghi vào sổ tay mang theo bên người, viết trên giấy dán ở góc học tập, ở những nơi thường lui tới, những chỗ dễ thấy trong nhà...
Những lưu ý cần thiết
Đối với dạng câu hỏi trắc nghiệm về lý thuyết, HS cần chú ý đến các hiện tượng vật lý có liên quan đến kiến thức trong chương trình và ứng dụng kiến thức trong thực tế. Đề thi trắc nghiệm sẽ khai thác tối đa các hiện tượng, khái niệm hoặc công thức mà học sinh do chưa nắm kỹ nên dễ bị nhầm lẫn. Chẳng hạn: khái niệm cùng pha, lệch pha giữa các đại lượng vật lý; các khái niệm dao động điều hòa, dao động tuần hoàn, dao động cưỡng bức, dao động tắt dần, dao động riêng, dao động duy trì; tính chất và tác dụng của các bức xạ không nhìn thấy; tính chất và ứng dụng của các loại sóng vô tuyến điện...
Loại câu hỏi trắc nghiệm lý thuyết này không yêu cầu thí sinh tính toán mà chỉ cần nắm chắc lý thuyết, và biết vận dụng vào trường hợp cụ thể để chọn phương án trả lời.
Dạng câu hỏi trắc nghiệm về tính toán, bao gồm kỹ năng giải những bài tập ngắn, kỹ năng chuyển đổi đơn vị… đòi hỏi HS phải vận dụng công thức hoặc lập phương trình để tính toán chọn đáp số cần tìm. Bài toán trong câu trắc nghiệm thường không dẫn đến hệ phương trình phức tạp, mà chỉ một hoặc vài ba phép tính là có thể tìm được đáp số hoặc khẳng định được đáp số là sai hay đúng.
Để đạt điểm cao trong kỳ thi, đương nhiên HS phải dành thời gian nhất định cho việc luyện tập dạng câu hỏi này. Đối với HS có học lực trung bình, không nên làm những bài tập quá dài và khó, đòi hỏi nhiều thời gian vì những bài tập như vậy không phù hợp với lối thi trắc nghiệm.
Đối với câu hỏi trắc nghiệm ở mức độ vận dụng, HS muốn trả lời đúng phải nắm được bản chất của hiện tượng và biết chọn ra các kiến thức có liên quan đến hiện tượng đó. HS cần tập thói quen đọc kỹ câu hỏi để khai thác giả thiết cho ở phần dẫn, suy ra các kết quả, rồi từ đó phát hiện mối liên hệ giữa giả thiết và kết luận.
Kinh nghiệm của thủ khoa
Một trong những kinh nghiệm ôn tập quý báu của Ngô Chí Hiếu - thủ khoa trường ĐH Bách khoa TP.HCM năm 2009 - là bám sát cấu trúc đề thi của Bộ GD-ĐT vì nội dung đề thi sẽ xoay quanh những vấn đề nêu trong cấu trúc này. Với các môn học có trong cả hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH - CĐ thì khi ôn luyện, chỉ cần tổng hợp lại phần lý thuyết và các dạng bài tập cơ bản nhất trong SGK là có thể đạt được điểm cao.
Nói về kinh nghiệm học thi tốt nghiệp, Bùi Song Hạnh - thủ khoa ĐH Y Dược TP.HCM năm 2009 - đặc biệt lưu ý về các môn trắc nghiệm. Hạnh cho rằng, luyện thi trắc nghiệm mà bắt đầu ngay vào những bài tập trắc nghiệm là một sai lầm. Thay vào đó, nên học thật kỹ, nắm thật chắc phần lý thuyết, làm nhiều dạng bài tập tự luận để củng cố kiến thức. Ban đầu làm bài ở dạng cơ bản nhất với phần trình bày kỹ lưỡng, sau đó tăng tốc, dần dần rút ngắn thời gian làm bài ở dạng rút gọn hơn. Đây chính là cách học để nắm rõ và sâu nhất các phần kiến thức, tạo được các nền vững chắc khi làm bài thi ở dạng trắc nghiệm.
Thủ khoa ĐH Y Dược TP.HCM năm 2008 Huỳnh Xuân Lộc rất yêu thích môn Văn, với điểm trung bình môn học này ở bậc phổ thông luôn trên 8,0. Bí quyết học Văn của Lộc khá đơn giản: "Khi học bài thì tập trung nghe giảng kỹ và nắm bài ngay trên lớp, không chép lại y nguyên bài giảng của thầy cô mà diễn đạt lại theo cách hiểu riêng của mình".
Với 26,5 điểm, Biện Thành Trí trở thành thủ khoa trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM năm 2009. Dù ở một làng quê nghèo thuộc xã Phước Quang (Tuy Phước, Bình Định) nhưng 12 năm liền, Trí là học sinh giỏi. Trí tâm sự: "Em luôn tìm mọi cách để tự mình làm bài tập và phải làm bằng được mới thôi, trường hợp quá khó thì hỏi thêm bạn bè và thầy cô". Một điều khá đặc biệt là dù trong những ngày gần thi, Trí vẫn chỉ học đều đặn từ 7 - 8 tiếng đồng hồ mỗi ngày, và đi ngủ muộn nhất là 11 giờ đêm.
Theo TNOnline