Cập nhật: 26/06/2011 17:45:14 Article Rating
Xem cỡ chữ

Việc nhiều địa phương có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp tăng quá cao (20 – 30%, thậm chí 50 - 60% so với năm trước) rõ ràng là điều không bình thường

Kỳ thi của những báo cáo viên

 

Trong tuần, báo chí dồn dập đưa tin về kết quả thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT. Bao mong ngóng, trông đợi của nhà trường, thầy cô giáo và cả triệu thí sinh và gia đình đã có kết quả. Các địa phương, các nhà trường và thí sinh đều có thể thở phào nhẹ nhõm, với nhiều con điểm đẹp và tỷ lệ đỗ vượt trội so với năm trước.

 

Hơn 50 tỉnh thành phố có tỷ lệ đỗ trên 90%, trong đó có gần 40 tỉnh đỗ 95% trở lên và 12 tỉnh thành phố có tỷ lệ đỗ trên 99%. Đáng chú ý là nhiều tỉnh khó khăn, những năm trước đứng ở cuối bảng, nay đã xuất hiện ở tốp đầu. Điển hình phải kể đến Tuyên Quang (99,76%); Thanh Hoá (99,23%); Hà Tĩnh (99,14%); Hậu Giang (98%); Kon Tum (97,31%)...

 

Không thể phủ nhận công sức của ngành giáo dục, các nhà trường, đội ngũ giáo viên cùng những nỗ lực của các em học sinh trong suốt một năm qua. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia giáo dục, với những nỗ lực của thầy và trò - yếu tố mang tính quyết định chất lượng giáo dục, việc tăng tỷ lệ tốt nghiệp trong một năm học, cũng chỉ dao động ở mức 5 - 7% là hợp lý. Việc nhiều địa phương có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp tăng quá cao (20 – 30%, thậm chí 50 - 60% so với năm trước) rõ ràng là điều không bình thường.

 

Điều bất thường còn thấy rất rõ ở tỷ lệ tốt nghiệp hệ giáo dục thường xuyên (GDTX). Lâu nay, chất lượng cũng như tỷ lệ đỗ tốt nghiệp ở hệ GDTX bao giờ cũng có khoảng cách khá xa so với hệ phổ thông, vậy mà năm nay, hệ này lại có tỷ lệ đỗ tăng đột biến, bám rất sát tỷ lệ đỗ ở hệ phổ thông. Trớ trêu thay, có nơi tỷ lệ tốt nghiệp hệ GDTX còn cao hơn hệ phổ thông. Không ít Trung tâm GDTX còn có tỷ lệ đỗ 100%. Cho dù, đã có những lý lẽ bênh vực cho kết quả này, nhưng không đủ sức thuyết phục. Ngay với những người cả tin nhất, cũng không tránh khỏi những hoài nghi về tính nghiêm túc của kỳ thi.

 

Không chỉ có vậy, tâm điểm của dư luận những ngày qua lại đổ dồn vào vụ việc gây bất bình, thậm chí phẫn nộ trong xã hội, đó là vụ việc “bắt tay” nới lỏng chấm thi tốt nghiệp ở 11 tỉnh thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

 

Vụ việc bắt đầu từ việc làm bất thường của ông Nguyễn Hoàng Nhi, Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo Đồng Tháp. Với tư cách là trưởng cụm thi đua giáo dục vùng 6 (gồm các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long), ông Nhi đã có Công văn số 536 gửi Bộ GD&ĐT ngày 5/5/2011, đề nghị Bộ cho phép tổ chức cuộc họp các tỉnh trong vùng để thảo luận hướng dẫn chấm và biểu điểm các môn tự luận ở hai hệ GDPT và GDTX. Đề nghị này đã được Bộ GD&ĐT đồng ý qua Công văn số 360 do ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục ký ngày 20/5/2011.

 

Lạ thay, cuộc họp của 11 tỉnh (gồm Đồng Tháp, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long) đã làm gì, thống nhất được những gì trong công tác chấm thi thì không có ai báo cáo lên Bộ GD&ĐT. Bộ cũng không có động thái nào để kiểm tra, giám sát?!. Chỉ đến khi, công tác chấm thi xong xuôi, thông tin được hé lộ từ một giáo viên môn Văn ở tỉnh Tiền Giang, người ta mới vỡ lẽ, “cuộc họp” ấy đã đi quá xa cái gọi là thảo luận hướng dẫn chấm điểm, thực chất là hạ thấp yêu cầu so với hướng dẫn chấm thi của Bộ, để có thành tích, có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao.

 

Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, Trưởng ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT thì: Hướng dẫn và đáp án chấm thi chỉ có một và được thống nhất trên toàn quốc. Vì vậy, hành vi của 11 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là sự vi phạm nghiêm trọng quy chế thi. Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với Ban Chỉ đạo thi của 11 tỉnh thành phố này để làm rõ việc sai lệch đáp án ở từng môn như thế nào, mức độ vi phạm quy chế thi của từng cá nhân, đơn vị ra sao, để có kiến nghị, xử lý kỷ luật. Việc này sẽ tiến hành theo qui trình, trên tinh thần xử lý nghiêm khắc.

 

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng khẳng định, trong vụ việc này, thí sinh không có lỗi. Bộ GD&ĐT cũng đã cân nhắc và quyết định không chấm lại bài thi của các em, để không gây xáo trộn, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các em, nhất là khi kỳ thi tuyển sinh Đại học, Cao đẳng đang đến gần.

 

Ai sai, sai đến đâu rồi sẽ được làm sáng tỏ và xử lý nghiêm khắc - chúng ta mong như vậy. Nhưng làm thế nào và đến bao giờ mới hết những điều bất thường, những mối hoài nghi và cả những tiếng thở dài ngao ngán sau mỗi kỳ thi thì có lẽ chỉ có ngành giáo dục, mỗi nhà trường, nhà giáo mới biết!./.

 

 

Theo Hoàng Bách /vovnews.vn

Tệp đính kèm