Trong những năm gần đây, ngành GD rất quan tâm đến việc chống lạm thu đầu năm học tại các cơ sở GD. Nhiều văn bản, chỉ thị, thậm chí trong Luật GD cũng đã qui định rất rõ vấn đề này. Song, trên thực tế, tình trạng chính phụ huynh lạm dụng XHH giáo dục vận động, làm khó phụ huynh cũng chính là một trong những nguyên nhân góp phần làm cho tình trạng lạm thu thêm nhức nhối.
Theo Điều 105, Luật Giáo dục năm 2005: Ngoài học phí, lệ phí tuyển sinh, người học và gia đình người học không phải đóng khoản tiền nào khác. Công văn số 5956/2010 của Bộ GD-ĐT quy định: Tất cả các cơ sở giáo dục đều phải thực hiện công khai các khoản thu, chi theo quy định tại Thông tư số 09/2009 của Bộ GD-ĐT. Đối với thu học phí, lệ phí tuyển sinh, các cơ sở giáo dục phải thực hiện nghiêm túc các quy định về mức thu, các đối tượng được miễn giảm, học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh theo đúng quy định của UBND tỉnh, thành phố.
Quán triệt tinh thần chống lạm thu
Để chống lạm thu đầu năm học mới 2011-2012, ngay từ cuối tháng 8, Bộ GD-ĐT có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác quản lý thu, chi, chấm dứt tình trạng lạm thu dưới mọi hình thức trong các cơ sở giáo dục. Bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo, kiểm tra các khoản thu, chi trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Tất cả các cơ sở giáo dục đều phải thực hiện công khai mức học phí.
Những khoản thu để mua sắm phục vụ trực tiếp cho HS học tập, sinh hoạt như áo quần đồng phục, quần áo thể dục- thể thao, phù hiệu, vở học tập mang tên trường...: các cơ sở giáo dục cần thống nhất chủ trương, kiểu mẫu với phụ huynh HS, phụ huynh tự lựa chọn và quyết định hình thức tổ chức thực hiện thích hợp. Việc thu học phí và lệ phí tuyển sinh phải căn cứ vào các quy định đã được ban hành.
Ngay sau khi Bộ GD-ĐT có công văn, các tỉnh thành đã quán triệt nghiêm túc tinh thần chỉ đạo của Bộ. Theo GĐ Sở GD-ĐT Quảng Ninh, ông Đỗ Văn Thuấn: “Để ngăn chặn tình trạng lạm thu, loạn thu, ngoài quy định mức thu học phí trên, UBND tỉnh cũng quy định rõ các đơn vị, cơ sở giáo dục không được tự ý thu thêm các khoản khác đối với trẻ em, học sinh khi chưa được cấp có thẩm quyền quyết định”.
Thực hiện công văn số 7123/UBND-VHKG ngày 24/8/2011 của UBND Thành phố Hà Nội về việc thực hiện chỉ đạo của Đoàn giám sát Ban Dân nguyện Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hoàn thiện báo cáo thực hiện thu chi học phí, Sở GD-ĐT Hà Nội đề nghị Phòng GD-ĐT các quận, huyện thị xã, các trường THPT trực thuộc báo cáo các nội dung sau: Liệt kê đầy đủ các khoản thu; Việc sử dụng học phí thu được của mỗi trường; Nêu rõ tiền quỹ của Hội phụ huynh HS mỗi trường. Thời gian báo cáo là 3 năm học: 2008-2009; 2009-2010; 2010-2011, và gửi về Sở trước ngày 15/9/2011 để kịp tổng hợp báo cáo UBND thành phố...vv.
Hội phụ huynh thành “Hội phụ thu”
Các cấp, các ngành quy định, chỉ đạo là vậy, nhưng trên thực tế tình trạng lạm thu, loạn thu trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn một số tỉnh vẫn tồn tại.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạm thu, loạn thu trong các cơ sở giáo dục. Trong đó có việc các cơ sở giáo dục lạm dụng chủ trương xã hội hoá; hội phụ huynh (ban đại diện cha, mẹ học sinh) hoạt động không đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Trên thực tế, có không ít cơ sở giáo dục đã cố tình lạm dụng chủ trương này để tăng các khoản đóng góp của phụ huynh, gây bất bình và bức xúc trong nhân dân. Và các khoản thu ngoài quy định này được hợp lý hoá thông qua hội phụ huynh, biến hội phụ huynh thành “Hội phụ thu”.
Như tại trường THCS quận Cầu Giấy, Hà Nội, trong buổi họp phụ huynh đầu năm, nhiều phụ huynh HS "ngỡ ngàng" bởi các khoản thu. Chị Mai, có con năm nay vừa vào học lớp 6 bức xúc kể: Ngoài 2 khoản học phí 20.000đ/tháng và học phí bán trú 70.000đ/tháng do phòng tài vụ nhà trường thu, còn lại có tới chục loại phí thu khác. Cụ thể: Quỹ lớp do thoả thuận, quỹ phụ huynh trường và quỹ khuyến học, bảo hiểm thân thể HS cùng chung mức 50.000đ/HS/năm; quỹ BPH 18000đ/năm; cờ đỏ thu 5000đ/HS; Thoả thuận nước uống tạm thu 40.000/5 tháng, sổ liên lạc điện tử tạm thu 160.000đ/4 tháng. Tiền lao công dọn dẹp trường lớp nhà trường thu 1 triệu/lớp/năm; tiền chăm sóc hàng cây tại khu đền thờ nhà giáo Chu Văn An ở tỉnh Hải Dương là 1,5 triệu/lớp/năm. Đây là chưa tính quỹ đóng góp cho Hội phụ huynh của lớp ngót nghét tiền triệu mỗi năm.
Đặc biệt, cùng với các khoản trên, phụ huynh phải đóng thêm tiền triệu như: Theo cách truyền đạt của Hội trưởng Hội phụ huynh lớp đại diện họp Ban phụ huynh toàn trường, HS khối 6 đầu cấp và khối 9 đầu cấp thường có quà tặng trường kỷ niệm khoá học. Năm học 2011-2012 hội phụ huynh có "nhã ý" tặng 6 máy điều hoà loại 12000 nhưng ấn định luôn thu 300.000đ/HS. Trong khi đó, theo nhẩm tính của một phụ huynh, 6 máy điều hoà tổng số tiền khoảng 50 triệu, nếu chia 10 lớp 6, mỗi lớp chỉ đóng 5 triệu, trong khi đó, nếu thu 300.000đ/HS, mỗi lớp đóng 15 triệu. Và cũng để cho sang, tạo điều kiện cho các con học tập tốt, lớp học cũng cần trang bị thêm 2 máy điều hoà.
Và để hợp thức hoá chuyện học thêm, dạy thêm, phụ huynh phải tự nguyện viết đơn xin học bồi dưỡng kiến thức theo mẫu phô tô có sẵn cùng với bản ký cam kết, “phải thể hiện được 3 nội dung: Tự nguyện cho con theo học; Thỏa thuận với thời gian học và nội dung chương trình học; Thỏa thuận với kế hoạch thu chi của nhà trường”. Cụ thể: Phụ huynh tự cho cho con học thêm trong số 3 môn Toán, Ngoại ngữ và Văn học, Mỗi môn dạy 2tiết/buổi chiều/tuần. Theo anh Tuấn (một phục huynh học sinh - PV), phải đăng ký cho con học đủ 3 môn, nếu không trong khi các bạn học tiếp ở trường, con anh về lửng lơ, anh không thể bỏ cơ quan về đón con được.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng lạm thu, loạn thu trong các nhà trường còn nảy sinh từ chính các bậc phụ huynh. Điều này vô hình chung đã tạo điều kiện để tình trạng lạm thu, loạn thu trong các cơ sở giáo dục chưa được chấn chỉnh, ngăn chặn triệt để.
Theo Anh Ngọc/GD&TĐ Online