Âm nhạc trở thành môn học chính thức, được triển khai đại trà trên phạm vi toàn quốc dành cho HS từ lớp 1 đến lớp 9 bắt đầu từ năm 2002. Đây là môn học quan trọng trong quá trình giúp các em HS phát triển toàn diện. Tuy nhiên, hiện, việc quá thiếu những bài hát hay dành cho lứa tuổi học trò cùng với một số hạn chế trong chương trình đào tạo giáo viên Âm nhạc khiến hầu hết những người trong cuộc băn khoăn, trăn trở.
Cô giáo Đào Khánh Ly - Trường THCS Việt Nam- Angiêri trăn trở, trước đây Hội Nhạc sỹ Việt Nam đã thành lập một ban sáng tác cho thiếu nhi và tổ chức một số hội thảo chuyên đề về thiếu nhi, nhưng từ năm 1989 đến nay thì tổ chức này không còn nữa, sáng tác cho thiếu nhi được phân về các ban thanh nhạc, chi hội nhạc sỹ tại các tỉnh. Số lượng nhạc sỹ trẻ hiện nay là rất đông nhưng vì sao lại để thiếu hụt trầm trọng ca khúc thiếu nhi? Phải chăng sáng tác nhạc cho thiếu nhi là quá khó? Thực trạng về ca khúc viết cho thiếu nhi có thể nói rằng rất thiếu, rất yếu. Nhu cầu thì cao mà không được đáp lại nên các em “quay” sang nghe, hát nhạc người lớn, đặc biệt là nhạc nước ngoài, nhạc trẻ, nhạc Hàn Quốc, nhạc Trung Quốc, nhạc Nhật Bản, nhạc Anh, nhạc Mỹ... Điều này khiến các em không thể thoát khỏi gượng ép trong suy nghĩ, tâm tư, tình cảm… và già đi rất nhiều so với độ tuổi.
ThS. Nguyễn Thị Hải - Khoa Sư phạm Âm nhạc-Mỹ Thuật (ĐH Sư phạm Hà Nội) thì khẳng định, nhu cầu về âm nhạc cho các lứa tuổi trong các trường học rất lớn. Cả nước có tới trên dưới 15 nghìn trường Tiểu học, gần 10 nghìn trường THCS, hàng nghìn trường THPT và cả chục nghìn trường mầm non (mẫu giáo) với tổng số học sinh trên dưới 20 triệu em. Hoạt động Giáo dục âm nhạc đã có mặt ở khắp các cấp học từ mầm non đến THPT mà trong đó ca hát là một nội dung giữ vai trò quan trọng nhất. Thực tế hiện tại, lượng bài hát cho lứa tuổi mầm non nhiều hơn cho lứa tuổi HS Tiểu học. Lượng bài bát viết cho tuổi HS THCS có tỉ lệ rất cao so với số bài hát viết cho đối tượng HS THPT. Vì thế, 2 đối tượng HS Tiếu học và THPT cần được quan tâm viết cho các em nhiều hơn nữa.
ThS. Nguyễn Thị Hải cũng cho rằng, với số lượng bài hát được đưa vào sách âm nhạc Tiểu học và THCS tổng cộng khoảng trên dưới 100 bài (bao gồm cả dân ca và một số ca khúc nước ngoài), chương trình đã được thực hiện gần 10 năm nay, cũng đã bộc lộ những ưu điểm và nhược điểm khá rõ. Bên cạnh đa số bài được các em tiếp nhận thì có bài còn chưa phù hợp với độ tuổi vì quá dài, có bài lại quá ngắn khi đưa vào từng lớp hoặc sử dụng ở một cấp học cụ thể, dù nội dung và nghệ thuật của tác phẩm khá tốt.
Theo ThS. NS. Lê Anh Tuấn - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, nói đến ca khúc trong nhà trường phổ thông hiện nay, cần quan tâm đến một số vấn đề như, ở nhà trường, HS được học những loại ca khúc như thế nào? Số lượng ca khúc cho HS hiện đã đầy đủ chưa, thiếu hay thừa? Chất lượng ca khúc trong chương trình giáo dục môn Âm nhạc hiện nay thế nào? Lựa chọn ca khúc cho HS ở từng lớp đã phù hợp chưa? HS gặp những thuận lợi gì, khó khăn gì khi học ca khúc? HS có yêu thích các ca khúc được học hay không?
Trong chương trình môn Âm nhạc, bài hát thường được dạy trong một tiết (Tiểu học là 35 phút, THCS là 45 phút), sau đó còn được ôn tập trong một vài tiết học tiếp theo. Hiện nay, với 83 bài hát mà HS được học từ lớp 1 đến lớp 9, số lượng như vậy là phù hợp, cộng thêm hàng chục bài hát, bản nhạc mà HS được nghe khi được học thông qua các nội dung khác thì vốn hiểu biết về ca khúc của các em là khá lớn. Tuy nhiên, ở trường THPT hiện không dạy Âm nhạc, nên những ca khúc dành cho lứa tuổi này hoàn toàn bị nền âm nhạc thị trường thao túng, nhà trường không kiểm soát được về số lượng và chất lượng của chúng, những hậu quả do HS THPT không được hưởng sự giáo dục Âm nhạc có thể sẽ là vấn đề cần nhiều sự trao đổi.
Về chất lượng ca khúc trong chương trình giáo dục môn Âm nhạc hiện nay., để lựa chọn 1 bài hát đưa vào chương trình giáo dục môn Âm nhạc, những tiêu chí được quan tâm hàng đầu bao giờ cũng là: đbài hát hay, có giá trị nghệ thuật, đảm bảo tính phổ thông, sự chuẩn mực, tính phù hợp và vừa sức… Tuy nhiên, đánh giá về cái hay, cái đẹp trong nghệ thuật, phần lớn chỉ dựa vào cảm nhận của riêng mình. Khi biên soạn SGK Âm nhạc, việc lựa chọn và đề xuất bài hát đưa vào chương trình cũng dựa vào cảm nhận của từng cá nhân và cả nhóm tác giả, việc lựa chọn đó đôi khi vẫn phiến diện và có thể nói, không bao giờ làm hài lòng tất cả mọi người. Bởi vì một bài hát, một tác phẩm cho dù hay đến mấy, vẫn sẽ có những người không yêu thích và không quan tâm đến nó.
Chương trình đào tạo GV Âm nhạc thiếu tính đồng bộ, tính thống nhất
Theo ThS. Đào Đăng Phượng, Trưởng phòng Đào tạo ĐHSP nghệ thuật TW, từ năm 2001 đến nay, Bộ GD&ĐT đã ký và cho ban hành 231 chương trình khung giáo dục đại học, trong đó có 176 chương trình khung trình độ đại học, 53 chương trình khung trình độ cao đẳng và 01 chương trình khung Giáo dục hoà nhập. Trong tổng số 176 Chương trình khung trình độ đại học chỉ có 20 là của khối ngành Văn hoá - Nghệ thuật; và trong số 53 Chương trình khung trình độ cao đẳng, không có một chương trình nào về khối ngành Văn hoá - Nghệ thuật.
Bên cạnh việc xây dựng chương trình khung của Bộ GD&ĐT, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch cũng đã rà soát, xây dựng và ban hành một loạt chương trình khung ở trình độ trung cấp về khối các ngành Văn hoá - Nghệ thuật cho các trường Văn hoá - Nghệ thuật trên toàn quốc.
Tuy nhiên, trong tổng số các chương trình khung được ban hành từ trình độ trung cấp đến trình độ đại học nói chung, đặc biệt là chương trình đào tạo khối ngành Văn hoá - Nghệ thuật nói riêng, thì chưa có một chương trình khung nào về đào tạo giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật do Bộ GD&ĐT hay Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch ban hành, mà hầu hết do các trường tự xây dựng, trình Bộ Giáo dục & Đào tạo hoặc Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch duyệt, sau đó tiến hành thực hiện. Điều đó cho thấy chương trình đào tạo giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật thiếu tính đồng bộ, tính thống nhất và bộc lộ một số hạn chế.
Một số chương trình đã trở nên bất cập, cũ, không cập nhật được tri thức khoa học - công nghệ mới, tiên tiến. Khối lượng kiến thức bắt buộc của chương trình còn quá cao – 70 đến 80% so với tổng khối lượng đào tạo toàn khoá, đã làm giảm đi tính linh hoạt của các chương trình khung cũng như sự chủ động của các nhà trường trong phát triển chương trình đào tạo. Chương trình còn hạn chế về số lượng và chất lượng, chưa phù hợp với sự phát triển của khoa học và công nghệ, tính thực tiễn và khoa học không cao, nhất là không đảm bảo sự liên thông dọc (giữa các trình độ đào tạo) và sự liên thông ngang (giữa các ngành cùng trình độ)...
Ở nhiều chương trình đào tạo, nội dung kiến thức ngành chính không đủ khối lượng kiến thức cốt lõi tối thiểu; bố trí môn học vào các khối kiến thức không hợp lý, có những môn thuộc kiến thức đại cương lại được đưa vào khối kiến thức chuyên ngành hoặc ngược lại. Một số môn học nội dung không tương thích, không phù hợp với trình độ đào tạo.
ThS. Đào Đăng Phượng cho rằng, khi thiết kế, xây dựng một chương trình đào tạo, trước hết cần phải trả lời 2 câu hỏi: Sinh viên sẽ đạt được những kiến thức, kỹ năng, thái độ toàn diện nào sau khi tốt nghiệp ra trường ? Làm thế nào để chúng ta có thể làm tốt hơn trong việc đảm bảo sinh viên đạt được những kiến thức, kỹ năng ấy ?
Để trả lời được cho 2 câu hỏi trên, theo ThS. Đào Đăng Phượng cần thiết phải xây dựng phát triển chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận CDIO. Theo đó, các nội dung chính áp dụng của cách tiếp cận CDIO để phát triển chương trình đào tạo giáo viên sư phạm Âm nhạc, Mỹ thuật gồm xây dựng hệ thống mục tiêu đào tạo (chuẩn đầu ra) chung cho giáo viên; các ngành sử dụng hệ mục tiêu này để xây dựng chương trình đào tạo cho các ngành của mình; xây dựng và triển khai các phương pháp chuyển tải chương trình mới soạn; xây dựng và triển khai phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập theo chương trình mới soạn được. Đồng thời, xây dựng bộ tiêu chuẩn mới và triển khai kiểm định hoạt động đào tạo theo chương trình mới.
Theo Hiếu Nguyễn/GD&TĐ Online