Tăng cường kiểm tra đào tạo tại chức, các chương trình giáo dục theo mô hình nước ngoài… và công khai tỷ lệ sinh viên ra trường tìm được việc làm.
Dự án Luật Giáo dục Đại học (ĐH) cần chú trọng đến quản lý chất lượng hoạt động của các trường ĐH. Đây là một trong những nội dung thảo luận khá sôi nổi trong phiên họp của Quốc hội ở tổ sáng 4/11.
Chất lượng phải đặt lên hàng đầu
Trong dự thảo Luật Giáo dục ĐH cần nêu rõ ràng đối với việc khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư cho giáo dục, đặc biệt là thành lập các trường ĐH liên kết với nước ngoài. Đây là ý kiến của đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (đoàn Thừa Thiên-Huế). Ông cho rằng, việc xã hội hoá giáo dục và kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư cho giáo dục là rất cần thiết khi mà ngân sách Nhà nước đầu tư cho lĩnh vực này không thể bao cấp đủ. Tuy nhiên, việc kêu gọi tổ chức, cá nhân mở trường dạy theo chương trình nước ngoài cần được kiểm tra sát sao. Bởi vì, mô hình học tập, chất lượng giáo dục nước ngoài có thể không phù hợp với nước ta hoặc áp dụng vào nước ta một cách hạn chế.
“Hằng năm, Bộ Giáo dục-Đào tạo nên công khai việc kiểm định chất lượng giáo dục tại các trường ĐH để cho người dân biết rõ khả năng giảng dạy của các trường đến đâu” - Đại biểu Phan Văn Tường (đoàn Thái Nguyên) nhấn mạnh và cho rằng, hiện nay, nước ta có quá nhiều trường ĐH được thành lập, tỉnh cũng có trường, hầu như Bộ, ngành nào cũng có nhưng chất lượng thì rất khó kiểm soát. Để đảm bảo chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục-Đào tạo cần kiểm soát chất lượng hoạt động của các trường do các Bộ, ngành thành lập.
Chia sẻ về vấn đề này, đại biểu Lù Thị Lừu (đoàn Lào Cai) nhấn mạnh: Trong giáo dục ĐH đang tồn tại hệ giáo dục ĐH tại chức nhưng nhiều trường mở ra và tuyển sinh ồ ạt nhưng chất lượng giảng dạy không đảm bảo. Thí sinh đi học không đủ số tiết, nhiều thí sinh còn thuê người học hộ, khi đến kỳ thi thì mới đến.
Đại biểu Lù Thị Lừu kiến nghị, Dự án Luật Giáo dục ĐH cần có thêm một chương quản lý chất lượng đối với hệ giáo dục ĐH tại chức cũng như cấp phát văn bằng cho hệ này.
Đề cập chất lượng giáo dục ĐH, đại biểu Hà Huy Thông (đoàn Thừa Thiên-Huế) kiến nghị: Dự thảo Luật Giáo dục ĐH có thêm quy định đối với việc báo cáo của các trường về số lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm hàng năm là bao nhiêu; công khai đánh giá chất lượng giảng dạy của sinh viên đối với giảng viên.
Giao quyền tự chủ nhiều hơn cho trường làm tốt
Theo các đại biểu, Dự án Luật Giáo dục đại học (ĐH) cần đưa ra tiêu chí cụ thể đối với quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường ĐH.
Theo đại biểu Trần Minh Diệu (đoàn Quảng Bình), trong Dự án Luật Giáo dục ĐH nên quy định rõ giao quyền tự chủ cho các trường ĐH về cái gì, đến đâu, tránh trường hợp các trường phải thực hiện cơ chế xin-cho. Việc giao quyền tự chủ tài chính cho các trường sẽ thúc đẩy các trường nâng cao chất lượng đào tạo và sẽ có trách nhiệm đối với những hoạt động giáo dục của mình.
Đồng ý quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm (đoàn Yên Bái) cho rằng: Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường cần phải được quy định rõ ràng như: Quyền tự chủ về xây dựng cơ sở vật chất, tuyển sinh và tuyển dụng giáo viên. Tuy nhiên, quyền tự chủ này phải được Bộ Giáo dục-Đào tạo quản lý, kiểm tra sát sao.
Tuy nhiên, đại biểu Hà Huy Thông (đoàn Thừa Thiên-Huế) nêu ý kiến: “Không thể giao hết quyền tự chủ cho các trường ĐH, bởi vì như thế hệ thống giáo dục ĐH sẽ hoạt động một cách rối loạn mà không có sự quản lý của Nhà nước. Việc giao quyền tự chủ cho các trường chỉ nên dựa trên năng lực đào tạo, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất của các trường. Trường nào đảm bảo chất lượng đào tạo tốt thì được giao quyền tự chủ nhiều hơn và ngược lại. Có như vậy, các trường mới tự cạnh tranh để tồn tại và phát triển”.
Cũng trong sáng 4/11, Quốc hội cũng thảo luận về dự án Luật Quảng cáo. Các đại biểu cho rằng, dự án Luật nên quy đỉnh rõ diện tích quảng cáo trên báo điện tử, báo in, thời lượng trên truyền hình; tăng cường xử lý vi phạm đối với việc quảng cáo sai quy định, quảng cáo thiếu văn hoá, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc./.
Theo Bích Lan-Mạnh Hưng/GD&TĐ Online