Cập nhật: 25/03/2013 13:40:02 Article Rating
Xem cỡ chữ

Rời giảng đường đại học, các thầy cô giáo trẻ bước vào nghề với nhiều khó khăn thuận lợi. Nếu như lòng đam mê, nhiệt huyết đưa họ đến với nghề thì vấn đề đãi ngộ, lương thưởng, môi trường làm việc đầy khó khăn… cũng thử thách lòng can đảm, vượt khó để họ gắn bó lâu dài.

 

Nội lực là... Tuổi trẻ, tri thức, tình yêu nghề

 

Nói đến giáo viên trẻ không ai có thể phủ nhận được ưu điểm nổi bật của họ là sức khỏe, minh mẫn, sự đam mê mãnh liệt và mong muốn được cống hiến hết mình cho nghề nghiệp. Với ưu điểm này, họ đã và đang trở thành một nguồn lực không thể thiếu, bổ sung và kế cận lớp giáo viên đi trước, góp phần vào sự phát triển của ngành giáo dục nói chung.

 

Nhiều bậc phụ huynh vẫn quan niệm giáo viên mầm non chỉ như những người nuôi, dạy trẻ. Không có người trông con thì mới đưa trẻ đi mẫu giáo... Nhưng rõ ràng, công việc của giáo viên mầm non, đặc biệt giáo viên trẻ đòi hỏi hơn thế rất nhiều. Các cô không chỉ cung cấp cho các con kiến thức ban đầu về thế giới xung quanh mình mà còn cho trẻ hơi ấm tình thương của người mẹ hiền thứ hai. Mỗi ngày các cô ở bên trẻ 10h đồng hồ, thử hỏi nếu không có tình yêu trẻ, không có sự đam mê với nghề thì làm sao có thể chăm sóc tốt trẻ như người mẹ và gần gũi chia sẻ cùng trẻ như một người bạn. Và nếu không có sự kiên nhẫn, không có tình thương thì làm sao các cô giáo trẻ có thể gắn bó lâu dài được với nghề.

 

Nội lực của các giáo viên trẻ là tuổi trẻ, tri thức, tình yêu nghề

 

Cô giáo Nguyễn Phương Chi - Giáo viên THCS chia sẻ: “Trẻ em ngày nay cũng khá nhạy cảm. Chúng hoàn toàn có thể cảm nhận được tình cảm của các cô dành cho mình ra sao. Vì thế để trò thực sự yêu mình, sẵn sàng chia sẻ những băn khoăn, suy nghĩ thì chắc chắn cô giáo cũng phải có tình cảm thật sự với trò”. Không những thế, học trò ngày nay khá thông minh. Các em luôn mang đến cho các thầy cô giáo những câu hỏi khó nên đòi hỏi người giáo viên phải có hành trang tri thức vững chắc, có kỹ năng sư phạm, tâm lý và hiểu biết để có thể thỏa mãn được nhu cầu tìm hiểu tri thức cũng như nhiều băn khoăn thắc mắc trong cuộc sống.

 

Có tuổi trẻ, tri thức, tình yêu nghề... vậy giáo viên trẻ thiếu điều gì? Phải chăng là kinh nghiệm? Và kinh nghiệm cho giáo viên trẻ sẽ được hoàn thiện khi trải qua thời gian, khi họ được bước sâu hơn vào thực tế, được học tập và rèn giũa bởi những thế hệ cô bác, anh chị đi trước. Trong điều kiện và môi trường cụ thể, nội lực sẽ giúp giáo viên trẻ vượt qua khó khăn thử thách để gắn bó với nghề.

 

Vật lộn mưu sinh

 

Qua câu chuyện nghề với nhiều giáo viên trẻ các bạn đều tâm sự, sự đam mê đã giúp họ đến với nghề giáo tuy vậy để “trả giá” cho sự đam mê ấy thì áp lực mưu sinh vẫn đang hàng ngày đè nặng lên đôi vai họ nhiều hơn so với những nghề nghiệp khác.

 

Có thể thấy, trừ một số nhỏ giáo viên trẻ sinh ra trong gia đình khá giả, được cha mẹ chu cấp thì không phải bận tâm suy nghĩ nhiều tới đồng lương hàng tháng. Nhưng với những giáo viên trẻ tự thân vận động, và kể cả những giáo viên được đi tu nghiệp ở nước ngoài trở về nước giảng dạy thì vấn đề thu nhập bằng nghề luôn là bài toán khó buộc giáo viên trẻ phải “ưỡn” mình lên để sống. Với thu nhập từ 3- 5 triệu đồng/tháng lương cơ bản cộng các khoản phụ khác cho giáo viên trẻ mới đi dạy thì chi tiêu cho cuộc sống khá khó khăn. Dẫu có thể tiết kiệm những chi tiêu về ăn uống, quần áo... song chi phí cho nhu cầu về tinh thần lại hàng trăm thứ. Từ tiền điện thoại, thăm hỏi ốm đau, cưới xin bạn bè, liên hoan... chẳng cái nào bớt được. Với đồng thu nhập từ lương, để đảm bảo cho cuộc sống độc thân đã khó khăn chưa nói tới việc khi giáo viên lập gia đình và có 1-2 đứa con. 

 

Đồng lương không đủ chi tiêu, hầu hết giáo viên buộc phải chọn con đường làm thêm. Giáo viên đại học thì đi luyện thi đại học, luyện thi học sinh giỏi, giáo viên cấp Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông thì dạy thêm tại các trung tâm, làm gia sư tại nhà, gia sư cho nhóm trẻ do phụ huynh tự tổ chức. Những giáo viên môn phụ như nhạc họa, tiếng Anh... đầu quân vào các nhà văn hóa, trung tâm năng khiếu hoặc đến tận nhà kèm thêm ngoại ngữ, đàn, hát, nhảy múa. Với giáo viên ở nông thôn, vùng khó không thể kiếm thêm bằng nghề thì lao vào trồng rau nuôi lợn... lấy công làm lãi, ổn định cuộc sống.

 

Đời sống cho giáo viên, trong nhiều năm qua đã được Nhà nước và ngành giáo dục quan tâm hơn với nhiều chính sách đãi ngộ. Tuy vậy, thu nhập từ đồng lương vẫn chưa thể giúp giáo viên chỉ chuyên tâm vào việc cống hiến chất xám. Thậm chí, nhiều giáo viên phải bỏ nghề để mưu sinh bằng những công việc có thu nhập cao, ổn định hơn. Thu nhập nghề giáo tốt hơn trong tương lai vẫn đang là mong ước của tất cả giáo viên đang hàng ngày tận tâm cống hiến cho nghề.

 

Sử dụng giáo viên trẻ

 

Đánh giá về giáo viên trẻ, bà Phan Lan Phương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Liên (Hà Nội) nhận xét: Sử dụng đội ngũ giáo viên trẻ hiện nay khá yên tâm. Các em đều được đào tạo chính quy cơ bản tại các trường đại học và cao đẳng chuyên ngành. Giáo viên trẻ cũng có nhiều ưu điểm đó là bên cạnh kiến thức tốt, có khả năng tiếp cận công nghệ thông tin cao, có sức khỏe, sự minh mẫn, nhanh nhẹn... và đặc biệt họ luôn khát khao muốn được cống hiến cho công việc. Tuy vậy, theo bà Phương, giáo viên trẻ vẫn còn  hạn chế đó là kinh nghiệm trong quản lý học sinh, giao tiếp với phụ huynh học sinh, kinh nghiệm trong phương pháp giảng dạy. Kiến thức của giáo viên trẻ là có nhưng làm sao để học sinh dễ hiểu, dễ nhớ và phát huy năng lực của học sinh thì đòi hỏi giáo viên phải có kinh nghiệm...

 

Từ những ưu nhược điểm của giáo viên trẻ mà việc sử dụng tại các trường nói chung hầu hết đều hướng tới phát huy được vai trò của giáo viên đồng thời giữ chân được những giáo viên trẻ có năng lực, chuyên môn nghiệp vụ giỏi.

 

Qua tìm hiểu tại các trường từ tiểu học tới trung học phổ thông cho thấy, việc sử dụng giáo viên trẻ đều phụ thuộc vào nhu cầu. Với các trường đang thiếu giáo viên, sẽ “tung” ngay giáo viên vào giảng dạy tức thì sau khi giáo viên trải qua kì thi công chức, được nhận về trường. Nếu chưa cần sử dụng ngay, thì nhà trường sẽ bố trí để giáo viên trẻ có một thời gian từ 3 tháng đến 1 năm làm giáo viên dự trữ. Trong thời gian đầu đứng lớp giáo viên trẻ luôn được nhà trường cho tham dự những lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên đề do quận, thành phố tổ chức để học hỏi. Bản thân các nhà trường cũng sẽ tổ chức nhiều cuộc sinh hoạt chuyên môn để  giáo viên lớn tuổi có kinh nghiệm, giáo viên đạt giải trong các cuộc thi giáo viên giỏi truyền đạt kinh nghiệm cho giáo viên trẻ. Đồng thời để  giúp giáo viên mau chóng hoàn thiện kĩ năng cần thiết các trường cũng thường xuyên kiểm tra, dự giờ, hướng dẫn xử lý tình huống.

 

Với các trường đại học, trong bối cảnh thiếu giáo viên trẻ cũng như chảy máu chất xám vấn đề giữ chân giáo viên trẻ được xác định như nhiệm vụ quan trọng để phát triển chất lượng đội ngũ giảng viên. Thế nên, bên cạnh việc quan tâm nâng cao đời sống cho giáo viên trẻ thì các trường cũng nỗ lực tìm kiếm các nguồn học bổng để giáo viên trẻ được ra nước ngoài học tập nâng cao trình độ cũng như được tham gia các khóa đào tạo trong nước...

 

Tuy nhiên, thực tế cũng chỉ ra rằng, việc sử dụng và giữ chân giáo viên trẻ bằng tăng đãi ngộ chỉ là một biện pháp bên cạnh môi trường làm việc thích hợp, để họ gia tăng giá trị và phát triển tốt khả năng của mình.

 

- Bà Phan Lan Phương - Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Liên: Với giáo viên trẻ, chúng tôi sẽ không nghe họ báo cáo đã làm được gì. Cách kiểm tra đánh giá và giúp đỡ họ tốt nhất là trực tiếp dự giờ, thăm lớp, lắng nghe ý kiến phản hồi từ học sinh, và phụ huynh học sinh.

 

- Theo lãnh đạo nhiều trường, sự gắn bó của các thầy cô trong trường đôi khi là vì tình cảm. Không thể tránh khỏi việc họ rời giảng đường đại học vì lý do kinh tế bởi một thực tế khách quan là “có thực mới vực được đạo”.

 

Theo Minh Hoàng/ Báo GD&TĐ Online

Tệp đính kèm