Vấn đề dạy học trong các nhà trường hiện nay đang đòi hỏi đội ngũ giáo viên sự đổi mới không ngừng, từ tích lũy nâng cao kiến thức đến đổi mới phương pháp giảng dạy, hay vấn đề đánh giá học sinh… Trong thời gian gần đây, xã hội cũng đặc biệt quan tâm và bàn nhiều đến vấn đề đánh giá học sinh qua cách chấm điểm và lời phê. Có thể nói, lời phê trong các bài kiểm tra có một giá trị giáo dục rất lớn nhưng nhiều giáo viên đã và đang xem nhẹ hoặc bỏ qua.
Thiếu tính sư phạm trong đánh giá
Để có một cái nhìn đầy đủ, khách quan về thực trạng phê và chấm điểm của giáo viên ở các trường THCS, THPT hiện nay, cô giáo Phan Thị Thanh Vân (Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, TP Vinh, Nghệ An) khảo sát 3085 bài văn của 15 trường trung học, và đưa ra nhận xét: còn có không ít giáo viên chưa coi trọng ý nghĩa của lời phê. Từ đó dẫn tới việc không phê hoặc phê một cách chung chung như: Tạm được; Hiểu đề; Hiểu bài; Tài liệu; Chưa sáng tạo; Diễn đạt chưa trôi chảy, Thiếu ý; Có cố gắng; Có tiến bộ; Chưa đủ ý; Bài có ý; Bài làm bẩn; Bài làm hời hợt; Có hiểu bài; Trình bày cẩu thả; Cần cố gắng hơn nữa; Có nhiều cố gắng; Quá sơ sài; Chưa có chiều sâu; Thiếu kỹ năng làm bài; Có tiến bộ; Diễn đạt lủng củng... Thậm chí, còn có những giáo viên không giấu được sự bức xúc của mình trên lời phê: Vớ vẩn; Tăm tối; Quá kém...
Tại Trường THCS Tô Vĩnh Diện (Hà Nội) cũng từng xảy ra trường hợp hi hữu khi cô giáo văn trả bài kiểm tra một tiết, học sinh đã phát hiện ra 4 bài văn có nét chữ trẻ con ở phần lời phê. Hiệu trưởng nhà trường đã trần tình, do cô giáo vừa chăm mẹ chồng ốm, vừa đọc lời phê cho người nhà ghi... Cô giáo đã chấm lại bài cho 4 học sinh trên. Thế nhưng, dù là lý do gì và khắc phục ra sao thì sự việc vẫn cho thấy giáo viên thiếu trách nhiệm với nghề nghiệp, không coi trọng tính sư phạm trong khâu đánh giá trả bài.
Cùng với những bài làm có lời phê chưa hoặc không tương thích giữa nội dung phê và điểm số thì thực tế cũng cho thấy vấn đề đáng quan ngại khác đó là hiện tượng chấm điểm nhưng không hề có lời phê. Giáo viên chỉ cho điểm một cách lạnh lùng vào ô điểm còn phần nhận xét thì bỏ trống. Thậm chí, không loại trừ có những giáo viên còn chấm điểm theo kiểu mặc định sẵn trong đầu, học sinh này khá thì cứ thế cho điểm 7-8, học sinh này giỏi cho điểm 8-9, học sinh trung bình 5-6, còn yếu kém thì thấp hơn. Cũng chính vì kiểu chấm mặc định và lướt qua như vậy nên không ít cha mẹ khi xem lại bài kiểm tra của con mình đã ngã ngửa với đểm 8-9 nhưng có tới hàng chục lỗi chính tả còn tìm thấy. Và không ít học sinh có sức học trung bình dù cố gắng học tập thì vẫn không thể hiểu vì sao điểm số luôn như vậy. Không biết mình thiếu gì? Sai gì? Và phải làm lại ra sao. Từ đó dẫn tới chán nản môn học và không loại trừ cả trường hợp học sinh bi quan với năng lực bản thân.
Lời phê quan trọng hơn điểm số
Giáo dục hiện đại đang đánh giá cao và cần thiết những lời phê của thầy cô giáo dành cho học sinh trong những bài kiểm tra. Chính vì vậy trên tờ giấy kiểm tra của học sinh bao giờ bên cạnh ô điểm số cũng là ô dành cho lời phê của thầy cô giáo to và rộng hơn rất nhiều.
Một học sinh sẽ không thể tiến bộ với môn Văn nếu bên cạnh điểm số lạnh lùng 3,4,5... là những lời phê cộc lốc “ẩu, làm lại”; “chưa hay”, “cẩu thả”... Các em cần được biết mình làm sai ở đâu, thiếu câu từ gì, làm lại như thế nào, cùng những gợi ý cụ thể của giáo viên.
Từ kinh nghiệm và những nghiên cứu của mình, cô Vân cũng chỉ ra: nội dung lời phê, cách phê của giáo viên tác động rất lớn đến tư tưởng, tình cảm của các em. Kinh nghiệm cho thấy, khi đọc bài xong, giáo viên phải ghi lời nhận xét cụ thể. Nội dung lời phê phải khái quát được những ưu khuyết của bài làm thể hiện trên các phương diện: nhận thức đề, bố cục và nội dung bài làm, hình thức bài làm (bao gồm: diễn đạt, dùng từ, trình bày...). Từ đó, giúp các em thấy được ưu, nhược ở mỗi bài làm. Lời phê phải gãy gọn, sáng rõ và thể hiện sự nâng niu trân trọng những kết quả của các em, dù là nhỏ nhất để động viên khích lệ các em...
“Ngay cả với những môn như Toán học thì giáo viên cũng phải lập luận để học sinh biết vì sao em dẫn đến đáp số sai. Người giáo viên cần chẩn đoán được trong đầu học sinh đã nghĩ gì để dẫn đến kết quả đó. Cùng là điểm 5, điểm 4 nhưng mỗi học sinh có cách sai khác nhau. Và thậm chí là điểm 9, 10 thì các em cũng có cách suy nghĩ riêng. Phải hiểu được các em suy nghĩ ra sao, vì sao dẫn đến kết quả này, từ đó có những lời phê xác thực, chỉ được cho các em vì sao lại sai, làm lại như thế nào. Lời phê ra sao để với học sinh chưa giỏi biết nhận ra lỗi sai và biết sửa sai, từ đó cẩn thận cho những lần làm bài sau còn với học sinh khá giỏi phải khơi dậy được ở các em sự ham mê tìm tòi... mới là điều quan trọng. Lời phê mà giáo viên dành cho học sinh quý giá hơn điểm số rất nhiều”- Cô giáo Phương Dung- Trường TH Kim Liên (Hà Nội) chia sẻ.
Anh Hà Trung Dũng- một cán bộ công nghệ viễn thông nhớ lại: Thầy giáo Toán năm lớp 8 là người đã giúp tôi ham mê học toán. Thầy đã tìm ra đúng thế mạnh của tôi nhờ vào lời phê trong bài kiểm tra Toán. Đến giờ tôi vẫn còn nhớ mãi lời phê trong bài kiểm tra Toán của thầy “Kết quả sai nhưng ý tưởng tốt. Sau giờ học ở lại gặp thầy cùng trao đổi thêm. Thầy nghĩ em vừa phát hiện ra một cách giải Toán rất mới đấy!” Tôi đã tìm đến thầy trong niềm hứng khởi, những bối rối khoảng cách thầy trò được xóa bỏ, thầy và tôi đã cùng thẳng thắn bộc lộ cách suy nghĩ giải bài. Bằng những nhận xét chân thành, khuyến khích, thầy đã đưa tôi tới niềm đam mê Toán học đến tận hôm nay.
“Mong thầy cô hãy để lại lời phê” - đó là mong ước và nguyện vọng của không ít học sinh và phụ huynh học sinh muốn gửi tới những người thầy. Chúng ta đều hiểu rằng, học sinh đến trường không phải vì điểm số mà là các em sẽ thu nhận được những kiến thức gì? Và trong số hàng triệu học sinh đang hàng ngày cắp sách tới trường, đâu phải em nào cũng giỏi. Chỉ có những lời phê, những góp ý chân thành từ những thầy cô giáo tâm huyết có kinh nghiệm mới có thể giúp học sinh tìm ra chân trời kiến thức. Và quan trọng hơn thế, những lời phê sẽ mang lại cho các em niềm tin vào bản thân cũng như sự ham mê với học tập.
GS.TS Đinh Quang Báo- Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội cho rằng: Lời phê trong các bài kiểm tra là một giá trị dạy học cực lớn nhưng hiện nay nhiều giáo viên đang bỏ qua. Tính sư phạm của việc trả bài, chấm bài nên có sự đổi mới, giúp học sinh thu được kết quả tốt nhất trong học tập.
Việc chấm bài, nếu có thể hãy cho học sinh tự đánh giá trước, sau đó nên để một nhóm học sinh cùng đánh giá bài của nhau. Và sau cùng người giáo viên đánh giá nhận xét vì sao chỗ này em sai, chỗ này đúng và yêu cầu về nhà làm lại. Làm như vậy sẽ giúp học sinh thấy được cái sai mà không sợ học. Nếu người thầy chỉ “chẻ hoe” cho điểm mà không có nhận xét, những lời phê tương thích với phần bài làm, sự động viên khuyến khích... thì học sinh không chỉ không hiểu mình đã sai ở đâu, sai như thế nào và thậm chí các em còn hoang mang sợ học khi nhìn thấy điểm thấp. Thiếu sự động viên của người thầy trong những lời phê cũng dễ đẩy học sinh vào trạng thái buồn và cảm thấy mình bất lực, ngu dốt... mà không biết vì sao như vậy.
Đừng vội phê phán học sinh bằng điểm số bởi điểm số không quá quan trọng trong đánh giá học sinh. Học sinh nhận được nhận xét đánh giá chân thành, khích lệ từ thầy cô sẽ ích lợi hơn nhiều. Các em sẽ muốn được sửa sai và cảm thấy vui vẻ muốn học tập hơn khi sửa được lỗi sai thầy cô góp ý.
Khi chấm bài của học sinh, giáo viên cần ghi nhận xét cụ thể để giúp học sinh thu được kết quả tốt nhất trong học tập
Theo Ngọc Hà/Báo GD và TĐ Online