Cập nhật: 16/04/2013 14:31:15 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thay vì ngồi lặng lẽ suốt giờ học để nghe và chép lại những điều giáo viên giảng bằng tham gia thảo luận nhóm. Mô hình trường học mới tập trung vào phương pháp học tập lấy học sinh làm trung tâm, cho phép học sinh sử dụng các tài liệu và dụng cụ học tập từ các góc học tập trong lớp để phục vụ nhu cầu của mình. Đồng thời cách hướng dẫn học tập độc đáo với nhiều hoạt động trong lớp cũng góp phần giúp kết nối học sinh với giáo viên.

Mô hình giáo dục sáng tạo

 

Nhằm tăng cường chất lượng dạy và học ở bậc tiểu học, Chính phủ đã cho phép Bộ GD&ĐT phối hợp với Tổ chức Hợp tác toàn cầu giáo dục triển khai mô hình Trường học mới tại Việt Nam. Đây là mô hình trường học do các nhà khoa học, quản lý giáo dục hàng đầu tại Colombia nghiên cứu và đã áp dụng thành công tại nước sở tại.

 

Tại Việt Nam, chương trình có mục tiêu tổng thể là tạo điều kiện cho trẻ em thuộc các nhóm trẻ khó khăn hoành thành chương trình giáo dục tiểu học có chất lượng, thông qua việc đổi mới cách tổ chức các hoạt động giáo dục và hoạt động dạy học (chuyển việc dạy học từ lối truyền thụ kiến thức của giáo viên sang hướng dẫn hoạt động học cho học sinh mà không làm thay đổi chuẩn kiến thức, kỹ năng và kế hoạch dạy học của chương trình hiện hành) ở trường tiểu học. Đồng thời dự án Mô hình trường học mới cũng rút ra những bài học thực tiễn có giá trị về đổi mới việc tổ chức các hoạt động dạy và học trên toàn quốc nhằm chuẩn bị cho đổi mới căn bản, toàn diện cả về chương trình, nội dung, phương pháp và đánh giá cho chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015...

 

Có thể thấy, quá trình triển khai đã ghi nhận nhiều ưu điểm của mô hình và nó cũng thể hiện sự phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục Việt Nam hiện nay. Đánh giá chung nhất ghi nhận được từ những đơn vị triển khai cũng cho thấy để đáp ứng được mô hình trường học mới dự án đã hỗ trợ nguồn lực vật chất cho các địa phương và các trường để đảm bảo đủ điều kiện áp dụng mô hình. Không những thế, dự án còn giúp học sinh lớp 1 nâng cao khả năng đọc, hiểu tiếng Việt, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh theo học tài liệu hướng dẫn học từ lớp 2 của mô hình.

 

Với các cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và các chuyên gia về giáo dục của Việt Nam cũng được nâng cao năng lực chuyên môn cho các cán bộ quản lý giáo dục thông qua tài liệu hướng dẫn học tập và tổ chức lớp học theo hướng đổi mới phương pháp giảng dạy và giáo dục… Và dẫn tới kết quả cuối cùng đó là học sinh đã tự tin hơn trong học tập, giáo viên và học sinh cùng tương tác với nhau nhiều hơn, không khí học tập trong lớp học tự nhiên nhẹ nhàng và thân thiện. Từ đó kết quả học tập, chất lượng giáo dục được cải thiện tốt hơn.

 

Mô hình trường học mới được áp dụng phương pháp giảng dạy mới. Theo đó, mỗi bài học được xây dựng phải đáp ứng được các nội dung: cơ bản (tự trải nghiệm, khám phá để hình thành kiến thức mới), thực hành (áp dụng kiến thức đã học vào bài tập), ứng dụng (vận dụng kiến thức vào cuộc sống). Phương pháp tự học, tự đánh giá, tự quản lý thời gian... phù hợp với hướng chỉ đạo của ngành Giáo dục. Phương pháp giảng dạy mới cũng yêu cầu có sự tham gia tích cực gia đình, cộng đồng trong việc phối hợp giảng dạy cho học sinh. Trong đó, các em có thể học tập từ phía gia đình và cộng đồng những vấn đề về văn hóa địa phương để làm phong phú thêm kiến thức của mình.

 

Một điểm nổi trội đáng nói khác trong mô hình trường học mới là sử dụng tài liệu hướng dẫn học. Đây là những tài liệu dùng chung cho cả học sinh và giáo viên. Khác với sách giáo khoa truyền thống, các tài liệu hướng dẫn học của mô hình trường học mới không chỉ nhằm cấp thông tin, kiến thức mà còn chú trọng việc hướng dẫn học sinh phương pháp học tập và tư duy, phát triển tính chủ động, sáng tạo, tự tin, năng lực tự học, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực hợp tác nhóm, năng lực giao tiếp, năng lực thực hành, vận động… cho học sinh. Có thể nói, đây là điểm quan trọng của Dự án mô hình trường học mới và được đánh giá có tính khả thi cao.

 

Được biết, để thực hiện tốt mô hình trường học mới tại các tỉnh, thành, Bộ GD&ĐT đang tiếp tục yêu cầu các tác giả chuyên viết sách giáo khoa, cán bộ giảng dạy của ĐH Sư phạm Hà Nội và các chuyên gia, khoa học tiến hành nghiên cứu để mô hình trường học mới được áp dụng hữu ích, thiết thực tới học sinh ở từng vùng, miền khác nhau.

 

Một khía cạnh khác, chương trình trường học mới được thiết kế cho học cả ngày vì vậy, để triển khai có hiệu quả, nhất thiết các địa phương phải khắc phục khó khăn, quan tâm cơ sở vật chất, trang thiết bị tối thiểu cho dạy học, bổ sung thêm biên chế giáo viên. Huy động nguồn lực địa phương, nguồn lực xã hội hóa cho các trường lớp chưa đủ điều kiện tổ chức học cả ngày. Đến nay, Quảng Nam là đơn vị đã làm tốt công tác tăng cường cơ sở vật chất cho triển khai mô hình trường học mới với số tiền huy động 197 triệu cho làm đồ dùng dạy học và 627 triệu đồng để trang trí cấu trúc lớp học.

 

Bài toán nhân rộng

 

Mặc dù những tính năng ưu việt của mô hình trường học mới được thể hiện khá rõ trong quá trình triển khai tại Việt Nam. Tuy nhiên trong quá trình đánh giá triển khai thí điểm tại một số tỉnh thành phố cho thấy nhiều tồn tại cần tháo gỡ.

 

Trước tiên, việc đổi mới phương pháp giảng dạy ở các địa phương, các trường không đồng đều, còn chưa đúng với nội dung đã được tập huấn. Giáo viên còn lúng túng trong việc sử dụng tài liệu Hướng dẫn học, chưa biết tổ chức học nhóm học sinh. Cá biệt có trường, lớp chỉ thay đổi vị trí ngồi học của học sinh còn tổ chức dạy học vẫn theo thói quen cũ. Các hoạt động nhằm hỗ trợ cho việc học tập, phát triển nhân cách cho học sinh, còn mang tính hình thức, ít hiệu quả, gây phản tác dụng cho giáo viên và học sinh.

 

Sinh hoạt tổ chuyên môn hàng tuần chưa đổi mới theo quan điểm học sinh là trung tâm trong quá trình giảng dạy. Ít thảo luận, trao đổi phương pháp dạy học theo mô hình trường học mới. Công tác quản lý chuyên môn chưa nhanh nhạy. Cơ sở vật chất của một số trường vẫn không đảm bảo, bàn ghế cũ, lớp học quá đông, chưa tổ chức cho học sinh được học 10 buổi/tuần. Học sinh các vùng đồng bào dân tộc, còn gặp khó khăn lớn trong việc tự học của học sinh, học sinh nhút nhát không mạnh dạn khó triển khai các hoạt động học nhóm. Cùng đó, học nhóm với học sinh là hoạt động mới và khó với nhiều giáo viên nên các địa phương đều mong muốn biên soạn tài liệu tổ chức tập huấn cho giáo viên có kỹ năng giảng dạy học sinh theo hình thức học nhóm.

 

Đặc biệt, giáo viên đã quen nếp, có kỹ năng đánh giá học sinh theo Thông tư 32, do đó với chỉ một công văn hướng dẫn tạm thời đánh giá, xếp loại học sinh theo mô hình trường học mới thì giáo viên còn lúng túng và khó thực hiện…

 

Năm học 2011- 2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai thí điểm Mô hình Trường học mới tại 24 trường của 12 huyện ở 6 tỉnh (Hà Giang, Lào Cai, Hòa Bình, Khánh Hòa, Kon Tum và Đắc Lắc). Năm học 2012- 2013, đã tổ chức dạy học thử nghiệm mở rộng tại 1.447 trường của 63 tỉnh thành trên toàn quốc (Trong đó có 20 tỉnh khó khăn với 1.143 trường; 21 tỉnh trung bình với 262 trường; 22 tỉnh thành phố thuận lợi với 22 trường).

 

Qua báo cáo của 51 tỉnh thành phố cho thấy, hầu hết các địa phương đều hưởng ứng mạnh mẽ việc thay đổi môi trường học tập. Một số tỉnh thành phố đã quy định thành chủ trương mở rộng mô hình trường học mới ra các trường  tiểu học trong toàn huyện, tỉnh hoặc bổ sung nhiều hoạt động sáng tạo, độc đáo hơn như: Góc sinh nhật, các trò chơi toán học, trò chơi Tiếng Việt và trò chơi tự nhiên xã hội. Đặc biệt, thấy được tác dụng của hoạt động này các tỉnh như Kon Tum, Lào Cai, Khánh Hòa, Trà Vinh, Nghệ An và Quảng Bình đã mở rộng ra nhiều trường trong tỉnh.

 

 

 

Theo Mai Hoàng/GD&TĐ Online

 

Tệp đính kèm