Cập nhật: 10/05/2013 13:43:33 Article Rating
Xem cỡ chữ

Phương án thi “3 chung” (chung đợt và ngày thi, chung đề thi, sử dụng chung kết quả thi) được áp dụng đầu tiên từ kỳ thi đại học năm 2002. Sau 11 năm tổ chức thực hiện, Bộ GD&ĐT đã khai thác những ưu điểm của nó và đã tìm nhiều cách để khắc phục các nhược điểm và ngày càng tối ưu hơn, giúp thí sinh thuận lợi và dễ dàng tiếp cận với các trường đại học cao đẳng, cũng như tạo điều kiện để các trường tuyển sinh hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, đặc biệt là năm 2012 một số trường tuyển sinh có khó khăn, không đạt chỉ tiêu mong muốn. Các trường này thường nghĩ phương án “3 chung” là nguyên nhân chủ yếu. Vì vậy họ đề xuất không nên tổ chức kỳ thi “3 chung” nữa. Với kinh nghiệm tổ chức tuyển sinh “3 chung” từ năm 2002 đến nay, đối chiếu so sánh giữa kết quả thi THPT và kết quả thi ĐH, CĐ; với chất lượng sinh viên theo học tại các trường thành viên của ĐH Đà Nẵng trong hơn 10 năm qua, với sự công bằng, nghiêm túc, chất lượng của kỳ thi ĐH, CĐ, phương án “3 chung” vẫn là tốt nhất trong điều kiện hiện nay.

 

Thí sinh dự thi đại học đều đã trúng tuyển kỳ thi THPT với 6 môn thi nên đều có chuẩn năng lực nhất định, đảm bảo kiến thức tối thiểu của chương trình phổ thông. Có chung mặt bằng để đánh giá chất lượng đầu vào và thực tế cho thấy các sinh viên đều đảm bảo năng lực để học đại học. Chính mặt bằng chung này tạo cơ sở cho việc liên thông, xét tuyển NV2, NV3 giữa các trường, tiết kiệm cho xã hội và gia tăng cơ hội học tập cho thí sinh. Đề thi được soạn thảo bởi các thầy cô, chuyên gia trong từng môn thi đảm bảo phân loại được thí sinh và ngày càng cải tiến sát với chương trình học lớp 12 và phổ thông với tỉ lệ giáo viên THPT chiếm đến 70% trong số giáo viên ra đề thi. Sử dụng đề thi như vậy các trường đã tiết kiệm chi phí khá lớn cho công tác ra đề và bảo đảm bí mật đề thi. 

 

Phương án “3 chung” giúp thí sinh dựa vào năng lực của mình mà tự chọn trường để thi phù hợp nhất. Thực tế cho thấy học sinh khá, giỏi đều thi đỗ vào các đại học hàng đầu. Hiện nay đã cải tiến bổ sung thêm khối thi A1, cho các trường Nghệ thuật, Âm nhạc tự tổ chức thi môn Năng khiếu…

 

Để tuyển chọn được sinh viên vào các chuyên ngành, các trường có thể nhân hệ số môn thi tương ứng, nhằm tuyển chọn phù hợp hơn. Ví dụ ngành Tiếng Anh thì môn Tiếng Anh có thể nhân hệ số hoặc quy định tổng 3 môn thi phải trên điểm sàn và điểm môn Tiếng Anh phải trên 5, 6 hoặc 7 điểm.

 

Các trường khối Kinh tế ngoài tuyển sinh khối D (Toán, Văn, Ngoại ngữ), thường lại rất chuộng thí sinh khối A và A1 và cho thấy rằng các đa số sinh viên khối A, A1 có thành tích tốt hơn khối D.

 

Để đảm bảo cân đối cho vùng miền, Bộ đã có quy định các chính sách ưu tiên riêng để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và xét tuyển thẳng cho thí sinh 62 huyện nghèo.

 

Những năm vừa qua, khi xét điểm sàn cho các khối thi, đã tính đến số dư so với chỉ tiêu khá lớn (đặc biệt là khối B, C) và xét đến yếu tố vùng miền. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường không thể tuyển đủ được. Đề nghị nên chọn điểm sàn dựa theo phổ điểm trung bình của mỗi môn thi và đó chính là ngưỡng tối thiểu để thí sinh có thể vào ĐH, CĐ.

 

Thực tế cho thấy không chỉ Việt Nam tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ “3 chung” mà một số nước khác trên thế giới cũng tổ chức các kỳ thi (đợt thi) được các trường ĐH sử dụng chung kết quả, ví dụ như kỳ thi SAT của Hoa Kỳ, kỳ thi đại học của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…

 

Lý do một số trường năm vừa rồi gặp khó khăn rất lớn trong tuyển sinh không nằm ở kỳ thi “3 chung”, mà chính là do sự đánh giá của xã hội. Rất nhiều trường ĐH NCL có định hướng chiến lược phát triển đúng đắn, đầu tư nhiều cho chất lượng đã tuyển sinh rất tốt và cũng ủng hộ kỳ thi “3 chung”. Khi chưa có phân tầng từ phổ thông, chất lượng THPT chưa được nâng cao, sách giáo khoa chưa được cải tiến phù hợp, kết quả kỳ thi THPT chưa tương ứng với kết quả thi ĐH, CĐ “3 chung”, thì phương án thi này vẫn là tối ưu nhất. 

 

 

 

Theo gdtd.vn

Tệp đính kèm