Chỉ còn hai tuần nữa, hàng triệu học sinh lớp 12 trên cả nước sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Kỳ thi đại học cũng chỉ cách đó 1 tháng. Lịch ôn thi dày đặc, các em đang nỗ lực hết mình để chuẩn bị cho hai kỳ “vượt vũ môn” đã cận kề.
"Học ngày, cày đêm"
Những ngày này, lịch học của Đinh Ly Ly, học sinh lớp 12, trường Trung học phổ thông Nhân Chính (Thanh Xuân, Hà Nội) gần như kín đặc với hai hệ thống lớp học song song: ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông ở trường và ôn thi đại học ở trung tâm luyện thi.
Sáng, em học trên trường; chiều học hai ca liên tiếp cho hai môn thi đại học là toán và ngoại ngữ ở lớp học thêm đến tận 19 giờ; về nhà, ăn cơm, tắm rửa xong lại tiếp tục “chiến đấu” với bài vở, đèn sách đến tận khuya. Hôm nào sớm, em đi ngủ lúc 12 giờ đêm, có hôm đến 1 giờ sáng. Hôm sau lại dậy sớm đi học.
“Riêng môn văn em tự ôn. Học suốt ngày, cộng thêm thời tiết nóng bức nên em rất mệt, không ăn được nhiều, bố mẹ vì thế rất lo lắng,” Ly chia sẻ.
Để minh chứng cụ thể hơn, Ly cho biết lớp học thêm của em ở trên phố Chùa Bộc có tới 200 người. Từng ấy học sinh ngồi chen chúc nhau giữa thời tiết Hà Nội những ngày này luôn ở ngưỡng xấp xỉ 40 độ C quả là một nỗi ám ảnh lớn.
“Nhưng em vẫn phải cố thôi vì không còn nhiều thời gian nữa,” Ly cười nói.
Cũng theo Ly, không chỉ em mà việc học kín cả ngày cũng là tình trạng chung của các bạn trong lớp, thậm chí có bạn còn học nhiều hơn.
Là dân khối D nên Ly bảo, em sợ nhất môn hóa. Đây là môn em học kém nhất trong số các môn thi năm nay. Tuy nhiên, cô học sinh này cũng tỏ ra khá tự tin vì cho rằng đề thi tốt nghiệp không quá khó, cũng không cần cạnh tranh, chỉ cần đạt điểm đỗ.
Giống như Ly, em Phạm Văn Thuân, ở Kiến Xương, Thái Bình, cũng đang miệt mài trước kỳ thi tốt nghiệp. Có lực học hơi yếu nên Thuân bảo, em phải cố “cần cù bù thông minh” vì nếu không qua được “ải” tốt nghiệp trung học phổ thông thì cũng đồng nghĩa với việc cánh cửa đại học, cao đẳng đã khép lại.
Nhìn cậu con trai gầy rộc vì ôn thi, bác Phạm Văn Huân bảo: “Không biết có hiệu quả không nhưng hôm nào nó cũng đi học từ sáng đến tối mịt, đêm lại học đến 2, 3 giờ sáng. Thấy con nỗ lực, bố mẹ cũng vui nhưng lại lo con ốm.”
Thí sinh nên dưỡng sức
Trên thực tế, trong các kỳ thi tốt nghiệp và thi tuyển sinh đại học, luôn xảy ra tình trạng học sinh ngất xỉu ngay tại phòng thi vì quá mệt. Việc học hành quá sức, áp lực thi cử nặng nề cộng thêm thời tiết mùa hè oi bức ngột ngạt rất dễ làm suy sụp sức khỏe. Vì thế, thí sinh cần học nhiệt tình nhưng phải biết giữ mình.
Đây là lựa chọn của Quyết, học sinh trường Trung học phổ thông Việt Đức (Hà Nội).
Quyết cho biết, em thi đại học khối C nên năm nay, việc không thi tốt nghiệp môn lịch sử là thiệt thòi với em, thay vào đó là áp lực nhiều hơn khi thi tốt nghiệp lại toàn môn thuộc khối A, B.
Tuy nhiên, Quyết bảo, em cũng không lo lắng và cũng không học quá nhiều. Hàng ngày, ngoài buổi sáng ôn thi trên lớp, chiều em chỉ đi học một ca ôn một trong ba môn thi đại học, tối học đến 23 giờ và sáng dậy lúc 6 giờ 30 phút.
“Mùa hè rất nóng nực, các trung tâm lại đông nên học không hiệu quả lắm mà rất mệt,” Quyết lý giải cho việc nâng cao tinh thần tự học thay vì miệt mài trên các lò luyện.
Ôn thi thật tốt nhưng không quá sức cũng là lời khuyên của ông Ngô Kim Khôi, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, với thí sinh. Theo ông Khôi, cùng với việc trau dồi kiến thức, chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho kỳ thi thì thí sinh nên ăn uống đầy đủ chất, ngủ đủ giấc.
Thí sinh nên cẩn trọng với sức khỏe của mình cũng là nhắn nhủ của thầy Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Dân lập Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội). "Nếu nỗ lực nhưng lại ốm trong ngày thi thì việc làm bài không thể hiệu quả, bao nhiêu công sức thành lãng phí," thầy Lâm nói./.
Theo vietnamplus.vn