1. Chọn giống kháng hoặc hơi kháng với rầy nâu: BTE1, OM 6162….
2. Không nên trồng lúa liên tục nhiều vụ trên năm. Nên luân canh các loại hoa màu trên đất lúa như: dưa hấu, bầu, bí…có thể trồng 2 vụ lúa + 1 vụ màu hoặc 2 vụ màu + 1 vụ lúa tùy điều kiện thực tế của từng hộ với mục đích là cắt đứt nguồn thức ăn chính của rầy nâu. Hoặc có thể thực hiện mô hình nuôi trồng kết hợp như: mô hình lúa – cá, vịt – lúa…để tiêu diệt rầy nâu.
3. Tuân thủ lịch thời vụ, gieo sạ tập trung và né rầy theo khuyến cáo của Sở NN- PTNT và thông báo của Chi cục BVTV.
4. Nếu không thể sạ né rầy thì có thể dùng Cruiser plus phun đều trên hạt giống trước khi sạ 12 giờ giúp hạt giống mọc khỏe và phòng được rầy nâu và bọ trĩ trong 7 ngày đầu sau khi sạ, hoặc có thể bơm nước vào ngập thân lúa để che chắn trong thời gian đầu.
5. Áp dụng quy trình “3 giảm 3 tăng” để giảm mật độ rầy nâu cũng như dễ dàng quản lý và phun thuốc khi rầy nâu xuất hiện, đồng thời giúp giảm giá thành và tăng lợi nhuận.
6. Đối với lúa dưới 40 ngày tuổi thì phải phun thuốc khi phát hiện rầy nâu xuất hiện bất kể số lượng ít hay nhiều, còn lúa trên 40 ngày tuổi thì chỉ nên phun thuốc khi mật số quá cao ( 3-5 con/ tép) có nguy cơ gây cháy rầy. Một số loại thuốc có thể dùng để trị rầy nâu: Solomon, Appelaur, Bassa…Nên phun trừ đồng loạt để tăng hiệu quả.
7. Khi phát hiện bệnh vàng lùn & lùn xoắn lá xuất hiện cần xử lý kịp thời:
- Nếu số lượng cây bệnh thấp (dưới 10%) nên nhổ bỏ những cây bị bệnh và vùi xuống ruộng (tuyệt đối không để cây bệnh trên bờ ruộng) để tránh hiện tượng lây lan nguồn bệnh. Sau đó dùng một số loại phân bón lá như: Bom, chế phẩm KH, NH…kích thích các chồi còn lại phát triển khỏe mạnh để bù lại những cây đã mất.
- Nếu bệnh trên 10% khi lúa trong giai đoạn dưới 40 ngày tuổi thì nên báo với chính quyền địa phương để tiêu hủy, trước khi trục bỏ nên phun thuốc để tiêu diệt rầy nâu tránh lây lan sang những ruộng xung quanh.
Theo Báo NNVN