Qua năm nhiệm kỳ hoạt động, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp hội Việt Nam) đã có bước phát triển nhanh về tổ chức. Liên hiệp hội Việt Nam là nơi quy tụ các hội hoạt động trong ba lĩnh vực: khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học công nghệ.
Hiện nay, Liên hiệp hội Việt Nam có 125 hội thành viên, bao gồm 55 liên hiệp hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 70 hội ngành toàn quốc, trong đó có bốn tổng hội với hơn 80 hội thành viên hoạt động trong phạm vi cả nước.
Liên hiệp hội Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội, chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Ðảng, có chức năng tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ (KH và CN) ở trong và ngoài nước để góp phần phát huy sức sáng tạo của họ; điều hòa, phối hợp hoạt động của các hội thành viên; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội viên, hội thành viên, của trí thức KH và CN Việt Nam.
Liên hiệp hội Việt Nam có nhiều đóng góp cho đất nước, cho công cuộc đổi mới, nhất là trong hơn mười năm vừa qua. Liên hiệp hội Việt Nam đã tổ chức nhiều hội thảo, diễn đàn để các nhà khoa học đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện quan trọng của Ðảng và Nhà nước như: Cương lĩnh Chính trị 1991, các văn kiện Ðại hội Ðảng, Hiến pháp sửa đổi, nhiều dự thảo luật, các văn kiện trình Hội nghị Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Một nhiệm vụ quan trọng mà Ðảng và Nhà nước giao cho tổ chức của trí thức, đó là nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Liên hiệp hội Việt Nam đã tổ chức phản biện đưa lại những kết quả khả quan đối với các dự án Thủy điện Sơn La, Ðường Hồ Chí Minh (đoạn qua Vườn quốc gia Cúc Phương), thay nước Hồ Tây (Hà Nội), phòng, chống dịch cúm gia cầm, bảo tồn khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, xây dựng nhà máy điện nguyên tử, khai thác bô-xít ở Tây Nguyên; đánh giá tính khoa học và sư phạm của chương trình giáo dục, sách giáo khoa và thiết bị dạy học ở các trường phổ thông... Ðặc biệt, Hội Giống cây trồng Việt Nam phản biện dự án "Phát triển một triệu ha lúa lai" đưa kinh phí dự kiến từ 1.200 tỷ đồng xuống còn 46 tỷ đồng; Tổng hội Xây dựng Việt Nam công bố danh sách 43 dự án đầu tư xây dựng có dấu hiệu thất thoát, lãng phí; Liên hiệp hội thành phố Hồ Chí Minh tư vấn, phản biện cho 79 dự án phát triển của thành phố, được lãnh đạo đánh giá cao.
Một hoạt động có tính truyền thống và hiệu quả của Liên hiệp hội Việt Nam là công tác phổ biến kiến thức cho nhân dân. Công tác này thực hiện thông qua hệ thống cơ quan báo chí và nhà xuất bản trực thuộc Liên hiệp hội Việt Nam và các hội thành viên; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng khác, các lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo... Hiện nay, Liên hiệp hội Việt Nam có 83 cơ quan báo chí in với 107 ấn phẩm, trong đó có nhiều báo quen thuộc với bạn đọc (Khoa học và Ðời sống, Thời báo Kinh tế Việt Nam, Kinh tế Nông thôn, Ðời sống và Pháp luật, Khoa học Phổ thông,...); 77 tạp chí các loại, trong đó có 37 tạp chí khoa học có uy tín (công bố các công trình khoa học được tính điểm khi xét công nhận chức danh giáo sư và phó giáo sư), với 86 loại ấn phẩm; 40 trang thông tin điện tử và báo điện tử. Ngoài ra, còn có hàng chục bản tin và các ấn phẩm phục vụ cho hoạt động phổ biến kiến thức. Liên hiệp hội Việt Nam và các hội thành viên còn phối hợp Ðài Tiếng nói Việt Nam, Ðài Truyền hình Việt Nam, Ðài Phát thanh - Truyền hình các địa phương tổ chức hàng trăm chuyên đề phổ biến kiến thức, hướng dẫn áp dụng tiến bộ KHKT phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiêu dùng, tư vấn tâm lý cho các lứa tuổi, chăm sóc sức khỏe gia đình và cá nhân, kiến thức lịch sử, địa lý, v.v. Nhà xuất bản Tri thức, tuy mới thành lập được hơn bốn năm, nhưng đã có "Tủ sách tinh hoa tri thức thế giới", đã xuất bản 422 đầu sách phục vụ nhiều đối tượng khác nhau.
Liên hiệp hội Việt Nam đi đầu trong việc thực hiện xã hội hóa các lĩnh vực KH và CN, Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT), chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường, xóa đói, giảm nghèo và phát triển cộng đồng. Trong hoạt động nghiên cứu KH và CN (chủ yếu khoảng mười năm gần đây) Liên hiệp hội Việt Nam chủ trương tập trung vào nghiên cứu ứng dụng và áp dụng các tiến bộ KH và CN vào thực tiễn sản xuất, đời sống, nhất là trong khu vực nông nghiệp. Kinh phí dành cho hoạt động này còn quá ít so với yêu cầu của các hội thành viên và các đơn vị 81 (thành lập theo Nghị định 81/2002/NÐ-CP của Chính phủ). Trong năm năm gần đây, kinh phí hỗ trợ từ phía Nhà nước cấp trung ương cũng đã tăng, nhưng cũng chỉ chiếm khoảng 20-25%. Hằng năm, Liên hiệp hội Việt Nam huy động được khoảng 50 tỷ đồng từ viện trợ nước ngoài, 40 tỷ đồng từ ngân sách địa phương và doanh nghiệp.
Trong năm năm gần đây (2005-2009) các tổ chức thành viên của Liên hiệp hội Việt Nam đã tổ chức hơn 1.600 khóa tập huấn ngắn hạn cho hơn 60 nghìn lượt người. Liên hiệp hội Việt Nam đã cấp hàng nghìn suất học bổng trị giá nhiều tỷ đồng cho các học sinh, sinh viên nghèo vượt khó, học giỏi bằng tiền huy động từ các tổ chức trong và ngoài nước; cùng với Bộ GD và ÐT tổ chức thường kỳ các hội thi Ô-lim-pích Toán học, Vật Lý, Hóa học, Cơ học và Tin học.
Nhiều trí thức trẻ đã tham gia hoạt động phát triển cộng đồng và xóa đói, giảm nghèo ở các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông qua các liên hiệp hội địa phương và hơn 100 đơn vị 81. Từ năm 2005, các tổ chức thành viên của Liên hiệp hội Việt Nam đã huy động được từ hai đến ba triệu USD mỗi năm cho hoạt động này.
Liên hiệp hội Việt Nam cùng Bộ KH và CN tổ chức hằng năm giải thưởng sáng tạo KH và CN Việt Nam (trước đây gọi là giải thưởng VIFOTEC) dành cho các cán bộ KH và CN, lôi cuốn nhiều người tham gia và trở thành giải thưởng có uy tín trong xã hội. Ngoài ra, còn có Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc mang tính chất quần chúng, tổ chức hai năm một lần; giải thưởng sáng tạo dành cho sinh viên; cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc; giải thưởng Loa Thành của Tổng hội xây dựng Việt Nam và Hội Kiến trúc sư Việt Nam dành cho các đồ án tốt nghiệp xuất sắc trong xây dựng và kiến trúc.
Liên hiệp hội Việt Nam và các hội thành viên đã có quan hệ với hàng chục hội và tổ chức KH và CN trên thế giới; đã tổ chức nhiều hội nghị khoa học, hội thảo quốc tế tại Việt Nam; đẩy mạnh mối quan hệ với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài để thu hút tài trợ, giúp nâng cao năng lực cho cán bộ hoạt động hội, phát triển cộng đồng, xóa đói, giảm nghèo...
Ðánh giá những kết quả hoạt động xuất sắc trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, Ðảng và Nhà nước đã tặng thưởng cho Liên hiệp hội Việt Nam và các hội thành viên nhiều huân chương. Nhân dịp kỷ niệm 25 năm Ngày thành lập, Liên hiệp hội Việt Nam đã được tặng phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh.
Ðể xây dựng Liên hiệp hội thành tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh vào năm 2020, cần tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy của Liên hiệp hội từ trung ương đến tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành một tổ chức chính trị - xã hội thống nhất của đội ngũ trí thức KH và CN. Cần có cơ chế phối hợp giữa Liên hiệp hội ở trung ương và địa phương, và với các hội ngành để tạo thành sức mạnh trong hoạt động. Thành lập các tổ chức phù hợp để thu hút trí thức người Việt ở nước ngoài tham gia xây dựng đất nước. Nội dung hoạt động cần gắn kết với việc xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước như chủ động tham mưu những vấn đề lớn để phát triển đất nước, nhất là về KH và CN, GD và ÐT, công tác trí thức...; chủ động tư vấn, phản biện, giám định xã hội những chương trình, dự án lớn,... Tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các hội ngành hoạt động hiệu quả; bồi dưỡng nâng cao tính chuyên nghiệp, đạo đức nghề nghiệp cho trí thức trẻ tham gia hội,... Xây dựng môi trường hoạt động của Liên hiệp hội thân thiện, dân chủ, gắn hoạt động hội với lợi ích của người trí thức tham gia hội và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ.
Ðẩy mạnh mối quan hệ giữa Liên hiệp hội Việt Nam với các cơ quan Ðảng và Nhà nước, với các tổ chức khác, nhất là với các tổ chức trong hệ thống chính trị của xã hội ta, tạo thành sức mạnh chính trị của liên minh công nhân - nông dân - trí thức.
Trong thời gian tới được sự chỉ đạo sát sao của Ðảng và Nhà nước, và tạo điều kiện, bảo đảm kinh phí hoạt động như Chỉ thị số 42-CT/T.Ư của Bộ Chính trị mới ban hành ngày 16-4-2010, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam sẽ có bước phát triển mới, trở thành một tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh.
Theo Nhandan Online