Cập nhật: 31/05/2011 16:37:42 Article Rating
Xem cỡ chữ

Người khiếm thị có thể tắc lưỡi để tạo âm thanh và dùng tai lắng nghe tiếng vang, tương tự khả năng định vị của loài dơi và cá heo.

Dơi và cá heo có thể xác định được kích thước, vị trí và những đặc điểm khác của một vật thể bằng cách phát ra các âm thanh ngắn và đoán qua tiếng vang của nó. Giờ đây, các chuyên gia của Đại học miền Tây Ontario (Canada) phát hiện một số người mù cũng có thể nắm được kỹ năng này thông qua tập luyện.

 

 

Kết quả nghiên cứu cho thấy khi người mù sử dụng kỹ năng "nhìn" bằng tai này, một phần của não chịu trách nhiệm giải mã tiếng vang cũng chính là phần mà người sáng mắt dùng để thấy mọi vật xung quanh. Guardian dẫn lời chuyên gia Mel Goodale của đại học trên giải thích khi phần não bị bỏ trống, không còn thu thập được thông tin do chấn thương bên ngoài, như mắt mù chẳng hạn, khu vực đó sẽ bị các hệ thống cảm quan khác cướp đoạt để phục vụ cho mục đích khác.

 

Trong lúc nghiên cứu, Goodale và đồng sự đã ghi lại âm thanh tắc lưỡi từ 2 chuyên gia định vị bằng tiếng vang, sau đó tạo ra 2 đoạn ghi âm, một đoạn có cả tiếng tắc lưỡi và tiếng dội, trong khi đoạn còn lại chỉ có tiếng tắc lưỡi. Kết quả, bộ phận chuyên xử lý hình ảnh trên não đã được kích hoạt bởi tiếng vang khi đoạn băng đầu bật lên, cho phép một người "thấy" được các vật thể dù đang ngồi trong phòng thí nghiệm.

 

Daniel Kish, người Mỹ 45 tuổi, là một trong hai người tham gia cuộc thí nghiệm của Canada. Dù bị mất hết 2 mắt do ung thư khi mới 13 tháng tuổi, hiện Kish vẫn có thể hoạt động như người thường, tự leo núi hoặc chơi banh bất cứ lúc nào ông muốn sau khi học được cách "nhìn" bằng tai.

 

 

Theo Thanhnien Online

Tệp đính kèm