Trong số những phim mà Cục Điện ảnh chọn chiếu phục vụ công chúng nhân những ngày lễ lớn sắp tới, có ít nhất ba bộ phim mới vừa “ra lò”.
Đáng chú ý nhất là bộ phim truyện nhựa “Đừng đốt” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục Điện ảnh) đặt hàng Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam thực hiện sẽ được chiếu khai mạc đợt phim. Phim vừa mới hoàn thành hậu kỳ và sẽ bắt đầu khởi chiếu ngày 29-4 tại các hệ thống rạp trên toàn quốc. Với nhân vật chính là bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm và số phận cuốn nhật ký nổi tiếng của chị, bộ phim là một khúc ca bi hùng đầy cảm động về một thế hệ trẻ trong chiến tranh. Với hiệu ứng xã hội từ cuốn sách “Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm” và tên tuổi của NSND Đặng Nhật Minh với vai trò đạo diễn, bộ phim hứa hẹn sẽ thu hút khán giả.
Hai bộ phim truyện video mới sản xuất cũng được khởi chiếu vào dịp này, đó là “Pha Đin mây phủ“(Hãng phim Truyện Việt Nam) và" Âm sắc của màn đêm" (Điện ảnh chiều thứ bảy).
“Pha Đin mây phủ” là bộ phim kể về những người chiến sĩ đã từng góp mặt trong cuộc chiến đấu giải phóng Điện Biên, nay tình nguyện ở lại, đưa gia đình lên xây dựng mảnh đất chiến trường xưa trở nên trù phú tươi vui. Phim do nhà văn Đỗ Kim Cuông biên kịch và NS Trần Vịnh làm đạo diễn.
“Âm sắc của màn đêm” lại là câu chuyện về thời kỳ bao cấp những năm 80. Với kịch bản của Thu Dung, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng cho rằng mình đã làm một phim video với “tinh thần” của phim nhựa. Phản ánh về cuộc sống thời bao cấp của một tầng lớp trí thức nghèo không chỉ là một câu chuyện dài, mà là dấu ấn lịch sử của một thời đại. Tuy nhiên, anh cũng cho rằng đây là một phim “khó xem”, đòi hỏi sự kiên nhẫn, bởi cách thức rất cũ, đề tài cũ, nhưng đó là cũng chính là tinh thần của một bộ phim nói lên sự chịu đựng của cả một dân tộc trong một thời đoạn lịch sử…
Cùng với những bộ phim mới trên, Cục Điện ảnh cũng sẽ trình chiếu tại các rạp bộ phim tài liệu video “Việt Nam” (đạo diễn Carmen) do Điện ảnh Cộng hoà Liên bang Nga tặng năm 2008.
Ngoài ra, đây cũng là dịp khán giả có thể xem lại các bộ phim truyện như Ký ức Điện Biên, Hoa ban đỏ, Hà Nội mùa đông năm 1946, Năm ngày trong đời vị tướng, Đường thư, Giải phóng Sài Gòn và một số phim tài liệu khác.
Tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, ngoài một ít vé mời dành cho các vị lão thành cách mạng, các bà mẹ Việt Nam anh hùng, cựu chiến binh… vào buổi chiếu thứ hai, các buổi chiếu phim sẽ được bá vé và doanh thu sẽ được chuyển vào Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh.
Đợt phim bắt đầu từ ngày 29-4 và sẽ kết thúc vào ngày 20-5 trên cả nước, đặc biệt chú trọng phục vụ khán giả miền núi, vùng sâu vùng xa, căn cứ cách mạng, vùng biên giới và hải đảo.
Theo ND