Những kết quả trong sáu ngày từ 9 đến 14-6 cho thấy, festival làng nghề truyền thống Huế 2009 bên cạnh những thành công vẫn chưa trở thành một sản phẩm du lịch đúng nghĩa, bởi có người bán, nhưng người mua là du khách thì còn thưa vắng.
Thành công
Sau những nghề đúc đồng, thêu, nón lá... của hai kỳ tổ chức trước, lần này đến lượt hơn 150 nghệ nhân của các nghề và làng nghề gốm, pháp lam, sơn mài được tôn vinh trong một khu vực không thể nào đẹp và trang trọng hơn ở dọc bờ nam sông Hương.
Bà Kiều Lan - một nghệ nhân gốm Bầu Trúc có mặt tại lễ hội - xúc động nói: "Làm nghề mấy đời, tham gia hội nghề cũng không nhớ hết là bao nhiêu lần, nhưng đây là lần đầu tiên mình được có mặt ở một nơi đẹp và được tôn vinh trang trọng như thế này. Ðến đây tham gia lễ hội, được gặp gỡ và giao lưu với các làng gốm khác, mình thấy rất tự hào về nghề gốm và làng gốm của mình...".
Với chủ đề "Nghề truyền thống: bản sắc và cổ vật", festival nghề truyền thống Huế 2009 không chỉ tôn vinh và trình diễn các nghề truyền thống bằng nhiều hoạt động đặc sắc như lễ tế tổ bách nghệ và lễ rước tôn vinh nghệ nhân- thợ thủ công và nghề truyền thống Việt Nam, làm nên ngày hội rực rỡ, lung linh sắc mầu dân tộc trong không gian cổ kính của cố đô. Những tinh hoa của nghề truyền thống được cơ hội phô bày, phát lộ qua bàn tay tài khéo của nghệ nhân các vùng miền, cùng nhiều cổ vật quý giá, dấu tích tài hoa của cha ông xưa cũng được hội tụ, giới thiệu với người xem.
Không gian đẹp và vị trí thuận lợi, cũng là một trong những yếu tố dẫn đến việc lần đầu tiên trong ba kỳ tổ chức, gần 90% số hàng mà các làng nghề đem đến trưng bày tại lễ hội đều được bán hết.
Một điểm nhấn ấn tượng trong chương trình lễ hội năm nay là đêm hội tôn vinh vẻ đẹp của áo dài Việt Nam, và ra mắt Hội áo dài Huế. Nét tinh tế, tao nhã của chiếc áo dài Việt Nam được trình diễn trên nền những bản nhạc trữ tình đậm chất Huế, và một sân khấu nổi độc đáo trên sông Hương đã làm nên những hình ảnh sâu đậm, khó quên đối với người xem.
Vắng khách du lịch
Xét về tiêu chí là một sản phẩm du lịch, festival làng nghề truyền thống Huế 2009 cũng thành công không kém khi đã tạo cho Huế một không khí hội hè với tràn ngập các hoạt động và sự kiện văn hóa từ triển lãm tranh, trưng bày cổ vật, trưng bày và thao diễn nghề, các hoạt động đường phố, các chương trình biểu diễn nghệ thuật tôn vinh áo dài Việt có chất lượng nghệ thuật cao trên sông Hương...
Tuy nhiên, tiêu chí này mới chỉ... thành công một nửa bởi đối tượng được đắm mình trong không khí hội hè ấy phần lớn là người dân thành phố Huế, trong khi khách du lịch thưa vắng. Mặc dù đến ngày 15-6, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn chưa có được một con số thống kê chính xác về lượng khách du lịch đến Huế trong những ngày lễ hội, nhưng theo quan sát của chúng tôi thì lượng khách không nhiều, và hầu hết là khách nội địa.
Ðây quả là điều đáng tiếc bởi cứ theo những gì diễn ra trên thực tế thì lễ hội phải được "đền đáp" xứng đáng hơn. Crit-xtin, một du khách người Mỹ gốc Trung Quốc lần đầu tiên một mình đến Huế đúng vào đêm khai mạc lễ hội, đã ngỡ ngàng, không kìm nén được cảm xúc của mình vì "lễ hội quá đẹp và ấn tượng". Chị nói mình là người rất may mắn: "Vậy mà tôi đã không có được một thông tin nào về lễ hội này khi mua tour tới đây, kể cả khi đã đến Việt Nam".
Nguyên nhân thưa vắng khách du lịch được ngành du lịch Thừa Thiên - Huế lý giải do mùa này là mùa Huế vắng khách nhất trong năm, đặc biệt là khách nước ngoài. Một thành viên ban tổ chức lễ hội cũng đồng ý với nhận định trên nhưng bổ sung thêm một nguyên nhân khác là thiếu sự phối hợp cần thiết giữa ban tổ chức lễ hội và các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá trên các tour tuyến. "Chúng tôi chỉ là người làm ra sản phẩm, còn bán sản phẩm đó như thế nào, bán cho ai là phần việc đáng ra phải là của ngành du lịch, đơn vị hưởng lợi" - một thành viên ban tổ chức lễ hội nói.
Câu hỏi đặt ra là: "Tại sao ban tổ chức lễ hội không chọn ngày khai mạc vào các thời điểm mà khách du lịch đến Huế... đông hơn như dịp lễ 30-4 và 1-5 chẳng hạn?".
Ông Nguyễn Duy Hiền, Giám đốc Trung tâm Festival Huế, đơn vị phối hợp với UBND thành phố Huế tổ chức festival nghề truyền thống trả lời: "Rất muốn nhưng không được bởi hai lý do: Sợ thời điểm đó thời tiết thất thường;buộc phải khai mạc vào đầu tháng 6 - mùa vắng khách nhất để kéo khách du lịch đến Huế".
Vậy là, từ ước muốn đến hiện thực vẫn luôn đòi hỏi một nỗ lực rất cao.
Theo ND