Tết Trung thu vào ngày Rằm tháng Tám Âm lịch, một ngày Rằm trăng tròn nhất, sáng nhất trong một năm. Theo các nhà khoa học thì một nghìn năm qua chỉ có dăm bảy đêm Rằm Trung thu là trăng không sáng do trời mưa. Ở Việt Nam, Tết Trung thu là ngày hội của trẻ thơ.
Dịp này, ngoài trời lồng lộng trăng thanh, gió mát, dưới đất nơi nơi lấp lánh ánh đèn ông sao, tiếng trống ếch rộn ràng. Năm nay, Tết Trung thu độc lập thứ 64 (năm 2009) cụ Nguyễn Khánh Đắc, năm nay ở tuổi 79 bồi hồi xúc động nhớ lại sự kiện lịch sử có một không hai của trẻ em Việt Nam: “Tết Trung thu tuyệt vời nhất là ngày 20.9.1945. Trẻ em thành phố được tới gặp Bác Hồ ở Bắc Bộ Phủ. Ai cũng được chia bánh, kể cả những đứa trẻ nghèo nhất. Chưa bao giờ tôi thấy cảnh gì đẹp hơn đêm đó. Trẻ con được thắp đèn lồng, ánh lửa bập bùng trong đêm sao mà đẹp đến thế. Chưa Tết Trung thu nào sánh nổi đêm Trung thu năm ấy”.
Đó là năm đầu tiên thiếu niên, nhi đồng được ăn Tết Trung thu trong không khí thanh bình, độc lập, tự do. Nói đến Tết Trung thu ngày trước, một sản vật không thể thiếu là cốm xanh, bày bên quả hồng đỏ, đặc trưng cho âm và dương trên mâm cỗ cúng gia tiên ngày Rằm Trung thu. Mâm cỗ bày cho các em không thể thiếu bưởi, khế, chuối và càng không thể thiếu bánh nướng, bánh dẻo. Tết Trung thu xưa đều có Múa Sư tử. Một người đội cái đầu Sư tử và có hai võ sĩ hùng mạnh, múa võ gậy đi kèm. Sự tích Múa Sư tử là: Xa xưa trong một khu rừng, đêm Trung thu, một con sư tử nhìn thấy trăng tròn vành vạnh, sáng ngời dưới dòng suối trong, nó lập tức lao xuống vồ trăng. Nhưng khi lao xuống nước, trăng lại vỡ vụn ra. Vồ mãi không được, sư tử nổi khùng vào nhà dân phá phách. Thấy vậy, một chàng tiều phu đã liền bẻ cành cây xông vào đánh sư tử. Và từ đó, cứ đến Rằm Trung thu, người ta lại tổ chức múa sư tử để ghi nhớ công chàng tiều phu dũng cảm, diệt sư tử cứu dân lành.
Một đồ chơi không thể thiếu trong đêm Trung thu là đèn kéo quân. Đèn kéo quân khó làm hơn đèn ông sao. Nó là một hình trụ lục lăng, sáu mặt tượng trưng cho: Sợ, buồn, ghét, giận, yêu, vui. Ở giữa đèn có một cái trục quay, xung quanh trang trí các con vật, phỏng theo một sự kiện nào đó. Nhờ sức nóng của nến làm trục đèn quay, các con vật cứ thế mà “đuổi nhau” tít mù.
Tò he cũng là một thứ đồ chơi phổ biến dịp Trung thu. Thủy tổ của nghề nặn tò he ở làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Tò he nặn từ tinh bột gạo nếp nhuộm màu. Nghề tò he trải bao thăng trầm, nhưng hơn 300 năm qua vẫn tồn tại. Người làm tò he tiết lộ bí quyết chính của nghề là công đoạn làm tinh bột. Việc này khá công phu, từ việc chọn gạo nếp ngon, thơm, trắng, tinh, xay bột, nhào bột thật nhuyễn rồi cho vào nồi nước sôi. Chờ khi bột nổi, rồi lại chìm, lại nổi, sẽ vớt ra, sau nhuộm màu đỏ, vàng, xanh, tím, đen hồng, màu thực vật có sẵn trong thiên nhiên. Vì vậy, khi nặn cho các màu vào nhau, màu nào vẫn riêng màu ấy. Nghề nặn tò he lấy công làm lãi, lấy điều làm vui cho thiên hạ là chính. Người mua ngồi xem, thích mua con gì, người bán nặn ngay con đó. Thường là những bông hoa, mười hai con giáp (chuột, trâu, ngựa, gà...) hay những nhân vật lịch sử, nhân vật trong chuyện dân gian.
Trong đêm Trung thu xưa, khách cùng chủ nhà, chính là các em nhỏ phá cỗ, ngắm trăng và lòng người rạo rực những niềm vui.
Theo VanHoa Online