Festival Cồng chiêng Quốc tế năm 2009 tại Gia Lai sẽ chính thức diễn ra từ ngày 12 – 15.11.2009. Không chỉ là một sự kiện văn hóa, du lịch lớn của tỉnh Gia Lai và khu vực Tây Nguyên, Festival là một trong những hoạt động nhằm bảo tồn, phục hồi giá trị của di sản văn hóa thế giới – Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên.
Trao đổi với chúng tôi trước thềm Festival, ông Phan Xuân Vũ - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Gia Lai cho biết:
- Xác định Festival Cồng chiêng Quốc tế năm 2009 tại Gia Lai là một sự kiện quan trọng, ngay từ cuối năm 2008 công tác chuẩn bị tổ chức Festival đã được các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế và nhân dân tỉnh Gia Lai quan tâm đặc biệt. Công việc chuẩn bị cho Festival đến bây giờ cơ bản đã hoàn thành và sẽ tiếp tục hoàn thiện từ nay cho đến khi Festival diễn ra. 15 hoạt động chính của Festival đã được lên khung, lời mời của Ban tổ chức với 29 tỉnh, thành có cồng chiêng và 4 tỉnh Tây Nguyên đã được nhiều tỉnh, thành hưởng ứng tích cực. Hiện chúng tôi đang chờ phúc đáp của khách mời quốc tế gồm: Campuchia, Lào, Malaysia, Indonesia, Myanmar và Philippines. Thành phố Pleiku cũng đang gấp rút chỉnh trang đô thị để chuẩn bị cho ngày hội lớn...
Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm hiện nay là làm thế nào để tổ chức Festival thực sự trở thành một sự kiện văn hóa hoành tráng và gây ấn tượng nhưng lại không mang tính sân khấu hoá nặng nề. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
- Ngày 3.9.2009, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Kế hoạch tổng thể về Festival, theo đó một trong những mục đích hướng tới của Ban tổ chức là lễ khai mạc và bế mạc cần được xây dựng công phu, hoành tráng nhưng không mang tính sân khấu hoá nặng nề... Dù vậy, khi đã tổ chức Festival có nhiều vấn đề chúng ta không thể cưỡng lại được. Bởi không thể đem cả bản làng, cả không gian văn hoá của Cồng chiêng Tây Nguyên ra giới thiệu với bạn bè quốc tế. Hơn thế, bản thân các đội Cồng chiêng cũng thường diễn ra các hoạt động giao lưu và họ cũng phải biểu diễn phong cách Cồng chiêng của mình trong không gian của làng, bản khác...
Không chỉ là một sự kiện văn hoá, du lịch Festival còn là một trong những hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hoá thế giới – Không gian văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên?
- Bên cạnh ý nghĩa biểu dương giá trị Không gian văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên theo tinh thần Chương trình hành động nhằm bảo tồn, phục hồi giá trị di sản này, Festival còn là dịp để quảng bá được giá trị văn hoá, âm nhạc Cồng chiêng Tây Nguyên và Việt Nam với bạn bè quốc tế. Với mục đích như vậy, trong khuôn khổ Festival còn có nhiều hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới này như: Trình diễn Cồng chiêng, Phục dựng Lễ đâm trâu mừng chiến thắng, Phục dựng lễ Pơthi (Bỏ mả), Trình diễn chỉnh chiêng...
Ông có thể cho biết những hoạt động cụ thể của tỉnh Gia Lai trong những năm qua để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị di sản Không gian văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên?
- Theo kết quả điều tra năm 2008, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 5.655 bộ Cồng chiêng. Như vậy, hiện Gia Lai là tỉnh còn giữ được nhiều Cồng chiêng nhất trong các tỉnh Tây Nguyên. Đó thực sự là một thành quả của tỉnh Gia Lai trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản này. Bên cạnh đó, tỉnh Gia Lai cũng thường xuyên tổ chức các cuộc Liên hoan Cồng chiêng các cấp theo định kỳ 2 năm một lần ở cấp xã và huyện, 4 năm một lần ở cấp tỉnh. Trong các lễ hội, tỉnh Gia Lai cũng luôn khuyến khích người dân sử dụng cồng chiêng. Ngoài ra tỉnh cũng ủng hộ các trường phổ thông trên toàn tỉnh, đặc biệt là các trường dân tộc nội trú mở các lớp dạy cồng chiêng... Chúng tôi tâm niệm rằng, gìn giữ và phát huy môi trường tồn tại của không gian văn hoá Cồng chiêng thì di sản này sẽ mãi có giá trị.
Vấn nạn “chảy máu Cồng chiêng” những năm gần đây không còn quá nhức nhối nhưng vẫn là một trong những thách thức đặt ra cho các nhà quản lý văn hoá trong công tác bảo tồn, phát huy di sản Không gian văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên. Theo ông, chúng ta cần phải làm gì để giải quyết vấn đề này một cách triệt để?
- Thực tế, có những bộ Cồng chiêng quý bà con bán đi mua được cái xe máy, xây được nhà bếp. Cũng có những gia đình vì sợ mất Cồng chiêng bèn chôn đi, cất giấu đi nhưng con cái lại lén lút đem bán lấy tiền... Nhưng quả là những năm gần đây vấn nạn này đã vơi giảm đi nhiều rồi. Lẽ đời “phú quý sinh lễ nghĩa”, nếu bà con đói thì Cồng chiêng cũng trở thành những hàng hoá, tài sản bà con phải hy sinh để lo cho cái bụng no, còn lúc ấm no hạnh phúc thì bà con luôn nhớ đến Cồng chiêng... Vì thế vấn đề tuyên truyền quan trọng và các biện pháp hành chính cũng thực sự có ý nghĩa cả vấn đề giáo dục pháp luật, tạo nếp sinh hoạt Cồng chiêng cũng không thể thiếu... Nhưng điều quan trọng, theo tôi là cần sự đồng bộ, đồng thuận giữa nhiều ban nghành, lĩnh vực trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá thế giới – Không gian văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên.
Xin cám ơn ông.
Theo VanHoa Online