Cập nhật: 03/11/2009 21:28:59 Article Rating
Xem cỡ chữ

 "Về các nhân tố toàn cầu hoá, ngoài việc khẳng định “có sự tồn tại thực sự của toàn cầu hoá văn hoá” (một vấn đề đang còn gây nghi vấn hiện nay ở nước ta), cuốn sách trình bày hai đặc điểm thể hiện rõ nhất tác động tích cực của toàn cầu hoá trong văn hoá là xu hướng chuyên nghiệp hóa các hoạt động văn hóa và xu hướng mở rộng tự do văn hóa".

Bee giới thiệu cuốn sách "Con người và văn hóa Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập" của PGS.TS. Nguyễn Văn Dân.

Với cuốn sách "Con người và văn hóa Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập", tác giả Nguyễn Văn Dân đã giải quyết khá thấu đáo nhiệm vụ tự đặt ra là nghiên cứu con người dưới góc độ văn hoá, và nghiên cứu văn hoá trong bối cảnh nghiên cứu con người.

Trên cơ sở phân tích thực trạng phát triển con người và văn hóa Việt Nam sau hơn 20 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, với những biến đổi trong tiến trình này, tác giả đã tìm hiểu và phân tích những nhân tố cơ bản đã và đang tác động đến những sự biến đổi ấy, từ đó dự báo về một số xu hướng tác động của các nhân tố và đề xuất một số giải pháp phát huy mặt tích cực và hạn chế tiêu cực của các nhân tố đó.

Áp đặt một mô hình đại học nào đó là bất hợp lý

Về các nhân tố toàn cầu hoá, ngoài việc khẳng định “có sự tồn tại thực sự của toàn cầu hoá văn hoá” (một vấn đề đang còn gây nghi vấn hiện nay ở nước ta), cuốn sách trình bày hai đặc điểm thể hiện rõ nhất tác động tích cực của toàn cầu hoá trong văn hoá là xu hướng chuyên nghiệp hóa các hoạt động văn hóa và xu hướng mở rộng tự do văn hóa.

Một vấn đề rất cập nhật mà tác giả đã nhanh chóng nắm bắt là sự hình thành “tư duy mạng” mang tính tương tác và phản biện của người dân, tạo cho người dân khả năng tham gia quản lý xã hội: “Nhờ trình độ tri thức được nâng cao, người dân ngày càng có khả năng phản biện xã hội. Từ đó, thông qua văn hoá mạng, mối quan hệ giữa nhà nước với người dân không còn là một mối quan hệ một chiều theo công thức: nhà nước là “chủ ngữ”, chính sách là “vị ngữ”, nhân dân là “bổ ngữ” chỉ biết tiếp nhận mà ít có khả năng phản biện. Giờ đây, thông qua văn hoá mạng, người dân có thể thiết lập được một mối quan hệ mới, đó là mối quan hệ tương tác giữa nhà nước với công dân” (tr.249-250).

Đưa ra một số dự báo và đặt ra một số vấn đề nóng trong xã hội đòi hỏi xử lý thỏa đáng, tác giả đã đề xuất một số giải pháp trong đó có những ý kiến mới kèm theo ví dụ hết sức cụ thể đối với việc kế thừa văn hoá truyền thống, tiếp thu văn hoá thế giới, tiếp thu văn hoá khoa học của thế giới và đổi mới văn hoá giáo dục. Ví dụ như trong lĩnh vực văn hoá khoa học, tác giả khuyến cáo là không nên nhầm lẫn khái niệm “tạp chí quốc tế” với khái niệm “tạp chí nước ngoài”, đồng thời đề xuất phải xây dựng các tạp chí “có tiêu chuẩn chất lượng quốc tế” ngay trong nước ta để tạo điều kiện cho khoa học nước nhà phát triển.

Trong văn hoá giáo dục, một lĩnh vực đang gây bức xúc và được chú ý hàng đầu ngày nay, tác giả đã đưa ra nhận xét về một thực tế mà ít ai để ý là trên thế giới không có đại học tiêu chuẩn quốc tế mà chỉ có đại học có uy tín quốc tế (có thể gọi là đẳng cấp quốc tế cũng được).

Do đó việc áp đặt một mô hình giáo dục đại học của một nước nào đó trên thế giới sẽ là điều bất hợp lý. Học hỏi kinh nghiệm giáo dục của nước ngoài phải tính đến các điều kiện văn hoá trong nước cho phù hợp. Ví dụ, phải tính đến quan hệ giữa hệ thống giáo dục và hệ thống nghiên cứu hàn lâm, thì việc tiếp thu mới có hiệu quả, không nên đề cao một mô hình giáo dục đại học kiêm nghiên cứu của một nước không có hệ thống viện hàn lâm (như Hoa Kỳ) để áp đặt cho một nước có tồn tại song song hai hệ thống khoa học này.

Văn hóa truyền thống biến tướng: Rõ nguyên nhân nhưng chưa khắc phục

Cuốn sách chỉ ra trong 20 năm qua,  có không ít biểu hiện tiêu cực đang làm cho con người Việt Nam ngày nay có nguy cơ mất cân đối trong phát triển. Tiến trình xây dựng và phát triển văn hoá được đánh giá là có nhiều  biến đổi trên hầu hết các phương diện, hai lĩnh vực văn hoá đặc thù là tri thức khoa học - công nghệ và văn học là những ví dụ tiêu biểu cho thấy điều đó.

Bên cạnh việc nhấn mạnh nhân tố chính trị với những đổi mới trong hệ thống và sự đổi mới về quan hệ nhà nước - công dân đã tạo nên một sức tác động to lớn, tác cũng giả đã có nhiều kiến giải sâu sắc, thú vị về nhân tố giá trị văn hoá truyền thống, với những ví dụ thực tiễn sinh động.

Các giá trị truyền thống đã có những ảnh hưởng tích cực, nhưng cũng không ít cái tiêu cực, đặc biệt là trong lĩnh vực văn hoá tín ngưỡng - tôn giáo. Những biến tướng tiêu cực trong hoạt động lễ hội ngày nay là một ví dụ tiêu biểu, có gốc rễ từ một truyền thống mà ca dao đã tổng kết: “Tháng giêng là tháng ăn chơi/ Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè”. Hoặc việc hiểu lầm câu thành ngữ: “Phú quý sính/sinh lễ nghĩa”, của rất nhiều người, cho rằng khi cuộc sống vật chất no đủ rồi thì phải trọng lễ nghĩa, đã dẫn đến xu hướng đề cao lễ bái như hiện nay. Thực ra câu thành ngữ này là một lời khuyến cáo có ý nghĩa răn dạy cảnh báo thói xa hoa phù phiếm của tầng lớp trọc phú.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng lạm dụng lễ hội và lễ bái chính là “Trình độ dân trí của dân ta chưa được cập nhật và nâng cao một cách có hệ thống. Nghị quyết Hội nghị TƯ 5 khoá VIII [1998] của Đảng đã chỉ ra một nguyên nhân chủ quan của tình trạng yếu kém văn hoá sau 12 năm đổi mới là “Công tác nghiên cứu lý luận chưa làm rõ nhiều vấn đề có liên quan đến văn hoá trong quá trình đổi mới, trong việc xác định những giá trị truyền thống cũng như hệ giá trị mới cần xây dựng, trong việc xử lý các mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế, văn hoá và chính trị, văn hoá và kinh tế...”

Từ đó đến nay, đã qua thêm 10 năm đổi mới, chúng ta cũng đã có nhiều công trình nghiên cứu lý luận về văn hoá. Nhưng nguyên nhân nói trên vẫn chẳng hề được khắc phục, thậm chí những hiện tượng tiêu cực còn có vẻ như gia tăng. Đó là vì tác động của những công trình lý luận chủ yếu chỉ giới hạn trong giới hàn lâm chứ chưa có tác dụng trong công chúng. Dân trí mới chỉ được nâng cao ở một bộ phận trí thức chứ không được bồi dưỡng đồng đều cho toàn dân”(tr. 207-208).

 

Báo Khoa học & Đời Sống Online

Tệp đính kèm