Văn học - nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam là một bộ phận của nền văn học - nghệ thuật Việt Nam hiện đại. Từ sau Cách mạng Tháng Tám, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới, các văn nghệ sĩ dân tộc thiểu số luôn đứng trong đội ngũ chung, đã và đang sáng tạo để có nhiều tác phẩm đạt chất lượng cao về tư tưởng - nghệ thuật.
Trong sự phát triển chung của đất nước, bộ mặt miền núi và cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số đã và đang có bước phát triển vượt bậc về mọi mặt. Và trong đó, hoạt động văn học - nghệ thuật cũng đã góp phần quan trọng để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Văn học - nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại ra đời cùng với cuộc Cách mạng Tháng Tám và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Nhiều con em các dân tộc được học tập và giáo dục dưới chế độ mới, dần dần hình thành đội ngũ trí thức mới người dân tộc, trong đó một số người đã say mê bước vào con đường sáng tạo. Vì thế, một số trí thức trẻ có năng khiếu đã được đào tạo, bồi dưỡng trở thành những họa sĩ, nhạc sĩ, nhà quay phim, biên kịch, ca sĩ đầu tiên của văn nghệ dân tộc. Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhất là từ những năm đầu đổi mới đến nay, đội ngũ văn nghệ sĩ là con em các dân tộc thiểu số càng tự tin để có mặt trong đời sống văn học - nghệ thuật, với các sáng tác phong phú, mỗi người có tố chất, có bản sắc riêng, nhưng đều hướng tới sự hòa nhập với văn học - nghệ thuật của cả cộng đồng, của cả nước. Ðó là cuộc tìm tòi, bứt phá lớn lao của các văn nghệ sĩ dân tộc thiểu số, các anh chị em hoạt động ở mọi miền đất nước và trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác nhau.
Xét theo lịch sử và từ đội ngũ văn nghệ sĩ người dân tộc thiểu số, chúng ta có thể thấy: Về văn học là tên tuổi của Nông Quốc Chấn - nhà thơ dân tộc nổi tiếng, là tác giả văn học dân tộc thiểu số được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh; cùng với ông là các nhà văn, nhà thơ như Nông Minh Châu, Cầm Biêu, Bàn Tài Ðoàn, Vương Anh, Lương Quy Nhân, Mã Thế Vinh, Nông Viết Toại, Mã A Lềnh, Y Phương, Mai Liễu, Dương Thuấn, Cao Duy Sơn, La Quán Miên, Lò Cao Nhum, Hoàng Quảng Uyên, Inrasara, HLinh Niê, Trà Vigia, Niê Thanh Mai,... và các nghệ sĩ Ðàm Linh, Ðàm Thanh, Ma Bích Việt, Ðinh Quang Khải, Ngọc Linh, Nông Ích Ðạt, Ma Cường, Vi Hoa, Vương Khon, Lò Minh, Quách Ngọc Thiên, Vương Viết Khoàng, Lê Khình, Siu BLách, Y Moan, Linh Nga Niêk Dam, Rơ Chăm Phiang, K'raZan Ðick, K'ra Zan Plin, Ðinh Thiên Nga, Xu Man, MLô Kai, Ðàng Năng Thọ, Kim Siêm, Thạch Voi, Tăng Lên, Thạch Chân, Ngô Khị,... đó là những tên tuổi nổi tiếng, trưởng thành cùng sự phát triển của văn học - nghệ thuật của đất nước, đã có đóng góp cho sự phát triển chung, nhiều người rất được công chúng hâm mộ.
Một đề tài lớn của văn học - nghệ thuật Việt Nam hiện đại, đề tài dân tộc miền núi cũng đã lôi cuốn văn nghệ sĩ người Kinh qua các thời kỳ, với tác phẩm của Tô Hoài, Nguyên Ngọc, Thu Bồn, Nguyễn Khoa Ðiềm, Mạc Phi, Ma Văn Kháng, Trung Trung Ðỉnh,... Với nhiều tác phẩm âm nhạc và múa giàu sức truyền cảm ca ngợi quê hương, con người miền núi trong chiến đấu và xây dựng quê hương của Ðỗ Nhuận, Trần Hoàn, Thái Ly, Nguyễn Tài Tuệ, Phạm Tuyên, Thanh Phúc, Trọng Loan, Bùi Ðức Hạnh, Văn Ký, Nguyễn Cường, Trần Tiến...; rồi các tác phẩm mỹ thuật của Tô Ngọc Vân, Nguyễn Thụ, Nguyễn Sáng, Văn Ða,... Rồi nữa là một số tác phẩm điện ảnh, sân khấu lấy bối cảnh và hình tượng người dân tộc thiểu số một lòng theo Ðảng, theo Bác Hồ... Ðề tài dân tộc và miền núi cũng là hướng nghiên cứu của nhiều nhà khoa học, với các công trình tiêu biểu như Dân ca Mèo của nhà nghiên cứu quá cố Doãn Thanh, Hoa văn Mường của cố học giả Từ Chi; các công trình nghiên cứu, sưu tầm của GS, TSKH Tô Ngọc Thanh, của các giáo sư Ðặng Nghiên Vạn, Lê Trung Vũ, Phan Ðăng Nhật... Ngoài ra còn có sự đóng góp công sức của một số tác giả như Mạc Phi với biên dịch Xống chụ son sao; Nguyễn Ðình Thi với biên dịch trường ca Khảm Hải... Các tác phẩm này đã góp phần tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, giúp các dân tộc hiểu biết, thêm gần gũi và ngày càng đoàn kết gắn bó, đồng thời góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc trên mọi vùng đất nước.
Sau hơn 20 năm đổi mới, văn học - nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại đã có bước trưởng thành rất đáng tự hào. Trước hết phải kể đến đội ngũ văn nghệ sĩ xuất hiện khá đông đảo. Từ năm 1991 đến nay, đã có nhiều tác phẩm ra đời phục vụ nhu cầu thưởng thức văn học - nghệ thuật của đồng bào các dân tộc. Hầu hết các tác giả sáng tác văn học, sưu tầm, nghiên cứu văn học dân gian đều có sách xuất bản. Không ít tác giả xuất bản hơn 10 đầu sách; có họa sĩ tổ chức tới gần mười cuộc triển lãm tranh cá nhân. Nhiều ca sĩ, nhạc sĩ xuất bản băng đĩa tác phẩm riêng. Trong các ngành nghệ thuật thì văn học và mỹ thuật có sự phát triển nhanh về đội ngũ và chất lượng sáng tạo. Ðáng chú ý là văn xuôi thế hệ trước mới hình thành thì nay đã có lực lượng khá đông. Ðặc biệt, tác phẩm của một số nhà thơ dân tộc thiểu số đã vươn tới mặt bằng thơ cả nước hiện nay và có bản sắc riêng.
Về đề tài, từ chỗ tập trung cho nhiệm vụ tuyên truyền cách mạng, ca ngợi quê hương, đất nước, con người mới thì hiện nay biên độ sáng tác đã mở rộng hơn. Văn học - nghệ thuật các dân tộc thiểu số đã từng bước bắt nhịp vào đời sống của đất nước, ca ngợi cái mới, cái tốt đẹp đồng thời cũng phê phán cái xấu, cái lạc hậu, cái ác; cổ vũ động viên, đi sâu vào khai thác thân phận con người vùng dân tộc miền núi. Về thể loại, từ các phác thảo ban đầu, cho đến nay, tác phẩm của các nghệ sĩ người dân tộc thiểu số cũng phong phú, đa dạng; nhiều tác giả mạnh dạn tìm tòi thể nghiệm lối viết. Văn xuôi, lý luận phê bình, điện ảnh trước đây mới manh nha hình thành thì nay lực lượng tuy chưa đông đảo nhưng đã có thành tựu đáng ghi nhận. Giải thưởng quốc gia, quốc tế cũng được trao cho tác giả dân tộc thiểu số. Một điều đáng ghi nhận là nhiều tác giả dân tộc thiểu số có ý thức, quan tâm nhiều hơn tới việc sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ và sáng tác song ngữ. Công tác sưu tầm, nghiên cứu văn học dân gian các dân tộc trước đây còn hạn chế thì trong 20 năm qua đã đạt nhiều thành tựu đáng kể. Hàng trăm công trình sưu tầm, nghiên cứu biên dịch các loại hình văn nghệ dân gian của các dân tộc Tây Nguyên, Chăm, Tày, Nùng, Thái, Mường, Mông,... và của nhiều dân tộc khác đã được các tác giả dân tộc thiểu số được biên soạn công phu và có giá trị cao đã ra mắt bạn đọc. Tuy nhiên, đến hôm nay, đội ngũ văn nghệ sĩ dân tộc thiểu số giữa các vùng miền, giữa các dân tộc còn có sự chênh lệch. Có dân tộc có số văn nghệ sĩ đông, có mặt trên nhiều lĩnh vực, có dân tộc số dân không ít song lực lượng văn nghệ sĩ còn mỏng, thậm chí chưa có. Có vùng, có địa phương mỗi năm xuất hiện gần chục tác giả trẻ, tác giả mới nhưng cũng có vùng, có địa phương vài ba năm không có thêm tác giả mới...
Vùng miền núi và cuộc sống của đồng bào các dân tộc miền núi là "mảnh đất" chứa đựng nhiều tiềm năng cho công việc sáng tạo. Ðó là sự phong phú về các giá trị văn hóa, là địa bàn đã trở thành căn cứ của cách mạng, như: Việt Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên - Nam Trung Bộ, Tây Nam Bộ... Ðó cũng là những vùng lãnh thổ mà các dân tộc cùng chung sống lâu đời. Ngày nay, miền núi cũng đang là nơi chứng kiến sự chuyển mình lớn lao của đất nước trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Những thế mạnh này cần được các văn nghệ sĩ khai thác và thử sức trong sáng tạo. Từ sau Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) về Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Kết luận Hội nghị lần thứ 10 của Trung ương ra kết luận về tiếp tục thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII), gần đây là Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị Về việc tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, sự nghiệp văn hóa, văn học - nghệ thuật nói chung và văn nghệ các dân tộc nói riêng đã có bước phát triển. Vốn văn hóa văn nghệ truyền thống các dân tộc được chú ý bảo tồn và phát huy; đội ngũ những người làm công tác văn hóa văn nghệ các dân tộc được tập hợp và động viên hoạt động; một số sáng tác và công trình do sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước được ra mắt. Nhiệm vụ quan trọng đang đặt ra cho văn nghệ sĩ dân tộc thiểu số trước mắt và lâu dài là nâng cao trình độ nhận thức chính trị, vững vàng kiên định về tư tưởng, giỏi về tay nghề; thật sự sống với cuộc sống của nhân dân các dân tộc, hiểu sâu sắc tâm tư tình cảm cũng như các thuận lợi và thách thức đang đặt ra cho vùng đồng bào các dân tộc, để từ đó có được nhiều tác phẩm văn học - nghệ thuật có giá trị, phản ánh sâu sắc hiện thực cuộc sống vùng đồng bào các dân tộc; đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân; khơi dậy và nuôi dưỡng tình cảm, khát vọng sáng tạo, đề cao trách nhiệm công dân, hướng hoạt động sáng tạo vào nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".
Theo Nhandan Online