Dự thảo văn kiện trình Đại hội XI của Đảng về xây dựng nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc được đông đảo các nhà quản lý văn hoá, các nhà khoa học, nghiên cứu lý luận văn học nghệ thuật, các văn, nghệ sĩ quan tâm đóng góp.
Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa Xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển”.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam cho rằng, nội dung này đã khẳng định rõ vị trí, vai trò của văn hóa vừa là động lực, mục tiêu của sự phát triển, vừa là nền tảng tinh thần của xã hội. Tuy nhiên, theo nhà thơ Hữu Thỉnh, trong dự thảo văn kiện chưa đề cập đến hệ giá trị chuẩn mực của nền văn hoá Việt Nam trong thời đại mới. Vì trên thực tế, ở mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau thì nội dung các giá trị chuẩn mực cũng có sự thay đổi. Do đó cần xác định rõ hệ giá trị của nền văn hóa Việt Nam để có chiến lược đầu tư đúng đắn.
“Ở những văn kiện có tầm chiến lược như thế này, nên có những hệ giá trị của văn hoá Việt Nam hiện nay. Hệ giá trị đó là tiêu chuẩn của nền văn hoá để chúng ta thống nhất về những giá trị hạt nhân của văn hoá, của hệ giá trị. Trong đó lý tưởng và khát vọng phải là một hạt nhân cơ bản. Con người có cao quý hay không là ở chỗ sống có khát vọng và lý tưởng. Do đó, theo tôi nền văn hoá, nền đạo đức chuẩn mực phải là sự kết hợp hài hoà giữa lý tưởng và động lực. Bỏ quên lý tưởng không được mà bỏ rơi lý tưởng lại càng không được” - nhà thơ Hữu Thỉnh nói
Trong dự thảo văn kiện cũng nêu rõ định hướng phát triển văn hoá là phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế. nhấn mạnh tăng đầu tư của Nhà nước, đồng thời đẩy mạnh huy động các nguồn lực của xã hội để phát triển. Đồng tình với nội dung xây dựng nếp sống văn hoá, xây dựng các công trình văn hoá nghệ thuật, thể dục thể thao hiện đại, song nhiều ý kiến cho rằng, Đảng cần quan tâm đầu tư nhiều hơn cho những người làm văn hoá, sáng tác văn học nghệ thuật, thông tin truyền thông, làm ngoại giao văn hóa.
Theo nhà biên kịch Hồng Ngát, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, chiến lược trong những năm tới cần đào tạo đồng bộ hơn con người trong lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật, hướng đến tính chuyên nghiệp trong sáng tác, kết hợp hài hòa giữa tính dân tộc và tính hiện đại.
Nhà biên kịch Hồng Ngát đề nghị: “Về nội dung tiếp tục phát triển văn học nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, giàu chất nhân văn, dân chủ, vươn lên hiện đại. Cần phải khẳng định là hiện đại chứ không nên để chữ “vươn lên hiện đại” ở đây. Hiện nay, chúng ta đã tiếp cận những công nghệ hiện đại nhưng đầu tư con người để sử dụng những công nghệ này đang thiếu hụt, bởi vậy chiến lược trong những năm tới là cần đào tạo đồng bộ những người không chỉ sáng tác nghệ thuật mà còn là những người sử dụng những kĩ thuật tiên tiến này để phục vụ cho những ý tưởng nghệ thuật. Phải đồng bộ như vậy thì mới có được những tác phẩm nghệ thuật chuyên nghiệp”.
Nhiệm vụ của văn hóa, toàn bộ các hoạt động văn hóa được đề cập trong dự thảo là “Tập trung xây dựng đời sống, lối sống và môi trường văn hóa lành mạnh; coi trọng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý, văn hóa trong kinh doanh và văn hóa trong ứng xử. Chú trọng xây dựng nhân cách con người Việt Nam về lý tưởng, trí tuệ, đạo đức, lối sống, thể chất, lòng tự tôn dân tộc, trách nhiệm xã hội, ý thức chấp hành pháp luật, nhất là trong thế hệ trẻ”.
Theo Giáo sư Trần Văn Bính, Nguyên Viện trưởng Viện Văn hoá, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, để thực hiện nhiệm vụ này cần kết hợp và phát huy đầy đủ vai trò của xã hội, các đoàn thể, nhà trường và gia đình, từng tập thể lao động và cộng đồng dân cư trong việc chăm lo xây dựng con người Việt Nam. Giáo sư cũng cho rằng dự thảo các văn kiện cần chú ý phát triển, nâng cao chất lượng sáng tạo văn học, nghệ thuật, phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật trong việc xây dựng và bồi dưỡng nhân cách con người Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Giáo sư Trần Văn Bính nói: “Trong Dự thảo Nghị quyết lần này có nói Phấn đấu để văn học nghệ thuật của chúng ta phản ánh chân thực, sâu sắc lịch sử cách mạng và sự nghiệp đổi mới. Việc xây dựng những bức tranh về đời sống một cách chân thực là cần thiết đối với bất kì tác phẩm nghệ thuật nào. Tuy nhiên người đọc không chỉ dừng lại ở chỗ chiêm ngưỡng những bức tranh đó. Bởi vì đằng sau những bức tranh nghệ thuật đó là cả một tâm sự, nỗi niềm, lý tưởng, khát vọng của người nghệ sĩ. Chính qua đó, người nghệ sĩ bắc cây cầu đến với độc giả và cảm hoá, nâng cao trình độ của quần chúng, nhen lên trong chúng ta ngọn lửa của một trái tim mới của thời kì lịch sử mới, thời đại Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay. Tôi nghĩ rằng khi bàn về văn học nghệ thuật nên quan tâm vấn đề đó”.
Để xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc thì một trong những nhiệm vụ quan trọng là cần mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về văn hoá, đổi mới tăng cường việc giới thiệu và truyền bá văn hoá, văn học nghệ thuật, đất nước con người Việt Nam với thế giới, khuyến khích cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài giữ gìn, quảng bá văn hóa Việt Nam, tham gia tích cực vào xây dựng, phát triển văn hóa, giữ gìn bản sắc dân tộc, góp phần xây dựng đất nước./.
Theo vovnews.vn.