Từ bao đời nay, hoa sen luôn gắn bó với đời sống người dân Việt. Không chỉ là biểu tượng của sự giác ngộ phật pháp trong đạo Phật, sen còn là biểu trưng cho sự thanh khiết, sự cao đẹp trong tâm hồn...
Trong cái lạnh giá của mùa đông, khi xuân chưa tới bỗng thấy nhớ da diết những ngày cuối hạ - đầu thu, nhớ những hồ sen thơm ngát, những cánh sen trắng hồng như bàn tay thiếu nữ, những ấm trà sen, những triền đê chăn trâu - thả diều với những chiếc lá sen trên đầu. Sen nhuần nhị gắn bó với đời sống người dân Việt như vậy, đó có phải là lý do mà đạo Phật đã lựa chọn hoa sen với biết bao di tích còn lại trên mảnh đất Việt mà điển hình là Chùa Một cột, ngôi chùa như một bông sen vươn lên giữa đầm.
Chùa Kim Liên - Sen vàng ven bờ Hồ Tây. Thấp thoáng trong những lùm cây xanh um tùm, xung quanh là hồ, chùa Kim Liên nhìn xa không khác gì một đóa sen nổi trên mặt nước đang trong thời kỳ đằm thắm nhất với những cánh sen dịu dàng vươn lên bầu trời. Không chỉ có tính thẩm mỹ và biểu tượng cao, hoa sen trong Phật giáo thực tế còn là biểu trưng cho sự thuần khiết, sự giác ngộ và phát triển Phật pháp, biểu trưng của trí tuệ vươn lên cõi niết bàn. Bởi vậy, nhà Phật ví vẻ đẹp của sen như những đức tính mà người tu hành phải tu dưỡng để tại tới.
Trong tiếng gà gáy sớm, những ngày ở ngoại thành Hà Nội đã rất lâu rồi, được cùng ông bơi thuyền trên đầm sen để lấy những cánh trà đã được ủ trong những bông hoa sen vừa mở sau một đêm ngủ dài. Trà ấy đem pha bằng những giọt sương đọng trên cánh sen thì sự nhuần nhị và tinh khiết thật đáng kinh ngạc.
Sen từ ngàn đời nay đã gắn bó với người dân Việt. Hương sắc của nó tuy không thật rực rỡ, không thật kiêu sa, nhưng ngoài vẻ đẹp, nó còn đem đến cho con người biết bao giá trị sử dụng và biết bao kỷ niệm về một thuở chăn trâu, thả diều…
Theo VTV