Cập nhật: 18/02/2011 15:55:16 Article Rating
Xem cỡ chữ

Mỗi dịp đầu xuân, người dân lại nô nức trẩy hội. Tuy nhiên, nhiều du khách chưa thực sự hiểu về giá trị lễ hội, từ đó dẫn đến nhiều hành vi vô ý thức, thậm chí phản văn hóa. Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với GS-TS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia về vấn đề này.

Từ nhiều năm nay, các vấn đề tiêu cực như mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh, chen chúc… tại các lễ hội đã được phản ánh nhiều, nhưng đến nay vẫn còn tồn tại, thậm chí có phần gia tăng. Theo ông, lý do của tình trạng này nằm ở đâu?

 

Các cụ đã có câu “tả tơi như xem hội”, đã là lễ hội thì không bao giờ vắng người, nhưng lễ hội hiện nay quá xô bồ là do ý thức người tổ chức lễ hội và cả người đi hội. Theo tôi, nguy hiểm nhất là sự thiếu hiểu biết về đời sống văn hóa nói chung và tín ngưỡng, lễ hội nói riêng của người dân. Người đi hội không hiểu về ý nghĩa, giá trị lễ hội, muốn cầu mong điều này thì phải đến lễ hội nào, không biết lễ ở đâu, phải lễ thế nào cho đúng. Vì thế ở các lễ hội xuất hiện cả những người lễ thuê, hay các hành động phi văn hóa như nhét tiền vào tay Phật ở khắp mọi nơi, rồi giẫm cả lên tiền… Người dân cứ thấy đền, chùa, lễ hội đông đúc là lao vào, chính điều đó dẫn tới các hiện tượng như đã nói ở trên.

 

 Hành động trong lễ hội của xã hội hiện đại thụt lùi hơn xã hội truyền thống rất nhiều. Tôi nghĩ, qua các phương tiện truyền thông chúng ta cần chấn chỉnh, giáo dục cho người dân và cả người tổ chức lễ hội hiểu biết đời sống tín ngưỡng, lễ hội, phong tục, từ đó họ mới có những hành động đúng mực.

 

Hiện nay, không còn nhiều lễ hội giữ được các nghi lễ, sinh hoạt văn hóa truyền thống, giá trị gốc. Ông nhận xét thế nào về tình trạng này?

 

Hàng trăm năm mới hình thành nên một lễ hội, vì thế có những cái mất đi, có cái nảy sinh. Các nghi lễ, sinh hoạt văn hóa luôn có sự thay đổi để đáp ứng, phù hợp với nhu cầu của con người, xã hội hiện đại. Đó là điều hết sức bình thường nhưng cần thay đổi để làm sao vẫn giữ được bản sắc văn hóa, có cái chấp nhận được, có cái phải bị đào thải, lên án. Luật Di sản đã quy định rõ, chúng ta cần bảo tồn những yếu tố nguyên gốc. Trong nhiều giai đoạn của lịch sử, những yếu tố đó bị đứt đoạn, mất đi, bây giờ được nhiều nơi khôi phục lại, chẳng hạn như hát quan họ ở Bắc Ninh, hội Gióng… Tuy nhiên, chúng ta cần xem xét việc khôi phục đã đúng hướng chưa, có bị biến dạng không, điều đó phụ thuộc vào nhiều nhân tố, trong đó có nhận thức của con người, tiềm lực kinh tế.

 

Hiện tượng “sân khấu hóa” lễ hội đang diễn ra tràn lan. Ý kiến của ông về vấn đề này?

 

Tình trạng sân khấu hóa lễ hội truyền thống là không thể chấp nhận vì đặc trưng của lễ hội là tính thiêng, thuộc đời sống tâm linh. Vì sao phải sân khấu hóa trong khi chúng ta có đền, đình, chùa, có môi trường, cộng đồng truyền thống? Một trong số những kiểu sân khấu hóa lễ hội mà tôi cho rằng không ổn là lễ hội đền Lảnh Giang. Có người cho rằng nên sân khấu hóa hội Gióng để phục vụ du lịch, điều đó rất bậy bạ, không thể chấp nhận được.

 

 

 

Theo Thanh Niên Online

Tệp đính kèm