Đến các lễ hội truyền thống, chúng ta thường được chứng kiến một phức hợp các hoạt động nghi lễ, tế rước, các trò diễn dân gian, vui chơi giải trí theo phong tục tập quán của từng vùng, miền... Tất cả chủ yếu diễn ra ngay chính trong không gian tổ chức lễ hội và thường gắn với các di tích lịch sử, với các truyền thuyết. Nhờ đó, di tích trở thành bệ đỡ vật chất tổ chức các nghi lễ trang nghiêm bên cạnh phần hội với những sinh hoạt đời thường, ồn ào, náo nhiệt.
Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam có gần 8.000 lễ hội lớn, nhỏ, trong đó, nhiều lễ hội gắn liền với một không gian di tích. Mỗi lần lễ hội được tiến hành cũng là dịp để người dân tham quan di tích, tìm hiểu thêm về lịch sử, phong tục tập quán, truyền thuyết; về các điển tích, câu chuyện thể hiện tình cảm, ước muốn hạnh phúc, đạo hiếu thuận của con người, sự thuận hoà của trời đất... Từ sự hiểu biết ấy giúp con người vươn lên trong cuộc sống bộn bề lo toan, nâng cao nhận thức về giá trị sống, về tâm cao văn hoá… Những giá trị đó sẽ thấm sâu vào mỗi con người, trở thành ý thức, thành bản sắc văn hoá truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Không thể phủ nhận những giá trị cao đẹp của các lễ hội truyền thống. Và mỗi dịp lễ hội, thường thu hút đông đảo khách từ khắp nơi tới. Bên cạch mặt văn hoá đã phát sinh nhiều việc mà riêng ngành văn hoá không thể quán xuyến. Đó là vấn đề an ninh, trật tự, vấn đề thương mại hoá lễ hội, vấn đề kinh doanh, dịch vụ, an toàn vệ sinh thực phẩm… Đặc biệt là vấn đề bảo vệ các di tích lịch sử gắn với lễ hội. Có không ít câu hỏi được đặt ra: liệu lễ hội có tàn phá di tích ? Nhiều nơi, không gian vật chất của di tích trở nên quá tải so với số lượng người đến thăm quá đông mỗi dịp vào hội. Thực tế này khiến cho mỗi lần tổ chức lễ hội là mỗi lần, các di tích lại phải oằn lưng gánh chịu sự xâm hại. Trong cái quá tải, người dân không có sự điều chỉnh hành vi đúng mực thì lễ hội dễ trở thành xô bồ hoặc thậm chí là thảm cảnh chen lấn, xô đẩy, giẫm đạp lên nhau, phá huỷ di tích. Và thường xảy ra việc xâm hại dí tích dưới nhiều hình thức.
Khi lễ hội phát triển và thu hút ngày càng đông đảo khách đến thăm thì việc bảo vệ các di tích gắn với lễ hội trở thành nhiệm vụ cấp thiết. Đây không chỉ là trách nhiệm của ngành văn hoá mà còn là sự phối hợp của các ngành, các cấp. Trong đó trách nhiệm của chính quyền cơ sở là rất quan trọng. Cơ sở là nơi gắn bó với di tích, quản lý người dân địa phương, khách vãng lại, quản lý các hộ kinh doanh, xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh ngay tại chỗ… Khi cần thiết báo cáo cấp thẩm quyền hỗ trợ vào cuộc. Mặt khác việc bảo vệ di tích và tính tôn nghiêm của lễ hội phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức và hành vi của khách đến lễ hội. Bên cạnh việc quy định nội quy, quy chế và hướng dẫn cụ thể kịp thời, thường xuyên đến khách tham dự lễ hội, cần tạo ý thức tự giác cho mỗi người khi tham gia lễ hội như ý thức văn hoá tham gia giao thông, tham gia các hoạt động có tính cộng đồng. Cần có chế tài thật nghiêm khắc để xử phạt những đối tượng lợi dụng lễ hội gây mất trật tự, hành nghề mê tín dị đoan, kinh doanh trái phép, xâm hại, phá hủy di tích. Các chế tài xử lý vi phạm kịp thời và thông báo công khai có tác dụng tuyên truyền và giáo dục rất lớn và tác động tốt để hình thành ý thức, nề nếp sinh hoạt cộng đồng, tôn trọng và bảo vệ di tích, công trình công cộng, di sản văn hoá…
Bảo vệ di tích là việc làm thường xuyên và đặc biệt quan trọng vào mỗi dịp lễ hội. Đây là yêu cầu thiết thực trong hoạt động văn hoá, là mong muốn bảo vệ sự tôn nghiêm của lễ hội, bảo vệ các di tích khỏi sự xâm hại của chính những con người đang được hưởng thụ các giá trị văn hóa, tinh thần từ di tích đó.
Theo Báo điện tử Đại biểu ND